Vẫn tranh cãi về cấu trúc sở hữu TikTok khi sắp đến hạn đạt thỏa thuận

Mặc dù thời hạn mà ông Trump đưa ra về thương vụ mua TikTok đang đến gần, nhưng các nhà đàm phán thương vụ này vẫn khó khăn trong việc đạt được một cấu trúc sở hữu có thể phù hợp cả Mỹ, Trung Quốc.
Vẫn tranh cãi về cấu trúc sở hữu TikTok khi sắp đến hạn đạt thỏa thuận ảnh 1Biểu tượng TikTok trên màn hình điện thoại di động tại Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 30/8 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mặc dù thời hạn mà Tổng thống Donal Trump đưa ra về thương vụ mua TikTok đang đến gần, nhưng các nhà đàm phán thương vụ này vẫn đang khó khăn trong việc đạt được một cấu trúc sở hữu có thể phù hợp cả lợi ích của Mỹ và Trung Quốc.

Theo kế hoạch, một thỏa thuận chuyển nhượng quyền vận hành ứng dụng này tại Mỹ phải được định hình trước ngày 20/9, cho phép công ty phần mềm của Mỹ Oracle, có trụ sở ở Thung lũng Silicon, trở thành đối tác công nghệ Mỹ của TikTok nhằm giảm lo ngại của Washington rằng nền tảng này có thể được phía Trung Quốc dùng để do thám Mỹ.

Tuy nhiên đến nay, chi tiết thỏa thuận vẫn chưa rõ ràng.

Một số báo cáo cho biết Oracle sẽ chỉ nắm thiểu số cổ phiếu của TikTok và Công ty Internet của Trung Quốc ByteDance vẫn nắm đa số.

Ủy ban đầu tư nước ngoài (CFIUS), do Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đứng đầu, đang thẩm định thỏa thuận trên.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã cảnh báo về mối nguy hiểm nếu chấp nhận một thỏa thuận trong đó công ty Trung Quốc vẫn giành quyền kiểm soát.

Trong một bức thư gửi Tổng thống Trump, 6 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng mọi thỏa thuận giữa công ty Mỹ và ByteDance cần đảm bảo rằng hoạt động của TikTok tại Mỹ, cũng như các dữ liệu và thuật toán phải hoàn toàn không thuộc sự kiểm soát của ByteDance hay bất cứ tác nhân nào liên quan đến nhà nước Trung Quốc, trong đó bao gồm bất kỳ thực thể nào nằm có thể bị luật pháp Trung Quốc bắt buộc chuyển giao hoặc tiếp cận dữ liệu của người tiêu dùng Mỹ.

[ByteDance lên kế hoạch IPO cho TikTok tại Mỹ trước thời hạn chót]

Giám đốc Trung tâm chính sách công nghệ của Học viện Aspen, cũng là cựu quan chức Bộ An ninh nội địa Mỹ, ông Betsy Cooper, cho biết việc Oracle chỉ là một cổ đông nhỏ "sẽ không giải quyết được các lo ngại an ninh" mà Tổng thống Trump và giới chức Mỹ nêu ra.

Ông James Lewis, người đứng đầu chính sách công nghệ tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, cho rằng thương vụ giữa ByteDance với Oracle sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều nếu ByteDance trở thành cổ đông thiểu số.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm Oracle vẫn có cơ hội được thông qua thỏa thuận với ByteDance nếu như thực hiện một số thay đổi như "đưa ra một gói các biện pháp an ninh phù hợp."

Trong khi đó, phía Trung Quốc từng tuyên bố sẽ không cho phép ByteDance bán các thuật toán mà TikTok đang sử dụng, vốn là giá trị chủ chốt của nền tảng xã hội này.

Nhà phân tích độc lập Richard Windsor nhận định việc Oracle được quyền tiếp cận các thuật toán và mã nguồn sẽ làm tăng cơ hội thỏa thuận được Washington chấp thuận nhưng đồng thời làm tăng rủi ro bị Bắc Kinh bác bỏ.

Ông khẳng định bất cứ thỏa thuận nào trong thương vụ TikTok giải quyết được lo ngại an ninh của Mỹ sẽ có nguy cơ đối mặt với việc phủ quyết của Trung Quốc.

Giới phân tích nhận định khó có thể đạt một thỏa thuận nhằm giảm các lo ngại của cả hai phía về an ninh và các thuật toán cũng như các công nghệ chủ chốt khác mà TikTok sử dụng.

Ông Betsy Cooper đánh giá: "Đây là trò chơi có tổng bằng không, trong đó chỉ Mỹ hoặc Trung Quốc giành quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích an ninh, không có chuyện chia sẻ giữa hai bên"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục