Tây Ninh: Làm giả thuốc tân dược, các bị cáo lãnh án từ 3-15 năm tù

Biết nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc thần kinh có nhu cầu sử dụng cao nên Nguyễn Ánh Châu tìm mua thuốc sắp hết hạn và hết hạn dùng, thay đổi nhãn hiệu và nâng hạn sử dụng để bán lại kiếm lời.
Tây Ninh: Làm giả thuốc tân dược, các bị cáo lãnh án từ 3-15 năm tù ảnh 1Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Chiều 17/9, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bốn bị cáo trong đường dây làm giả thuốc tân dược.

Các bị cáo gồm Nguyễn Ánh Châu (sinh 1984, trú tại quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) 15 năm tù; Nguyễn Ánh Nhi (sinh 1995, em ruột Châu, trú tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) 12 năm tù; Nguyễn Đình Tuấn Anh (sinh 1995, em vợ Châu, trú tại khu phố 4, phường Phước Hội, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) 12 năm tù và Phạm Thị Lựa (sinh 1966, mẹ đẻ Châu, trú tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) 3 năm tù, cùng về tội "Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" theo quy định tại điểm a Khoản 3, Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, ngày 27/5/2019, tại ấp Thuận Chánh, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, lực lượng Công an huyện Bến Cầu kiểm tra xe ôtô biển kiểm soát 51D-417.64 do Phan Tân Tạo (sinh 1985, trú tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) điều khiển chở thuốc thuê cho Nguyễn Ánh Châu, vận chuyển đến nhà Phạm Thị Lựa (mẹ đẻ Châu).

[TP.HCM: Bệnh viện Ung bướu cung ứng thuốc gần hết hạn sử dụng]

Trên xe có 5 thùng thuốc nhãn hiệu Fosfomed 2g, mỗi thùng có 44 hộp, mỗi hộp 10 lọ.

Khám xét nhà Phạm Thị Lựa, Công an phát hiện thêm 7.200 lọ thuốc kháng sinh hiệu Danaroxime 1500 mg; 32.900 lọ thuốc hiệu Ceftazidime 2g; 171.850 lọ kháng sinh hiệu Cefoxitin 1g; 2.140 lọ thuốc Gapentin; 27.540 lọ thuốc kháng sinh hiệu Fosfomed.

Toàn bộ số thuốc này do Nguyễn Ánh Châu mua về cất giấu trước đó tại nhà mẹ đẻ.

Qua điều tra xác định, Nguyễn Ánh Châu làm nghề kinh doanh tự do tại Thành phố Hồ Chí Minh. Biết nhiều loại thuốc kháng sinh, thuốc thần kinh có nhu cầu sử dụng cao nên Nguyễn Ánh Châu tìm mua thuốc sắp hết hạn và hết hạn dùng, thay đổi nhãn hiệu và nâng hạn sử dụng để bán lại kiếm lời.

Với mục đích này, Nguyễn Ánh Châu đã tìm hiểu trên mạng xã hội, trao đổi với người bán các loại thuốc đã cận hoặc hết hạn sử dụng để mua về, cất giấu tại nhà mẹ đẻ và tổ chức cho mẹ đẻ và các thành viên trong gia đình là Nguyễn Ánh Nhi (em ruột) và Nguyễn Đình Tuấn Anh (em vợ) tẩy rửa nhãn thuốc cũ các loại thuốc đã hết hạn sử dụng, sau đó dán giả nhãn mới vào để bán ra thị trường thu lợi bất chính.

Theo thẩm định của cơ quan chức năng, số lượng thuốc tân dược mà Nguyễn Ánh Châu và các đồng phạm làm giả đã bị phát hiện có tổng giá trị trên 38,3 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục