Đổi mới toàn diện ngành y tế để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Bộ Y tế đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025 là đổi mới mạnh mẽ, toàn diện ngành y tế, phấn đấu đạt thứ hạng cao về y tế-chăm sóc sức khỏe so với các nước ASEAN và khu vực Tây Thái Bình Dương.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 17/9, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2020, ước thực hiện cả năm, giai đoạn 2016-2020 và dự kiến đề xuất các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021, giai đoạn 2021-2026, thuộc lĩnh vực y tế-dân số.

Tại phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vẫn đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 xảy ra.

Nổi bật là các chỉ tiêu Quốc hội giao như về số giường bệnh trên vạn dân và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đều đạt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 85/2019/QH13 và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết 142/2016/QH13.

Dự báo ngành Y tế đạt được một số chỉ tiêu khác như tuổi thọ trung bình tăng, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em giảm mạnh.

Một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động của ngành Y tế năm qua là y tế dự phòng được tăng cường, ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Ebola, Mers-CoV, duy trì kết quả tiêm chủng, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, triển khai phòng, chống dịch bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên, tích cực triển khai Chương trình sức khỏe Việt Nam, chú trọng dự phòng, phát hiện sớm, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm.

Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để phòng, chống đại dịch COVID-19 như giám sát, phát hiện, truy vết, cách ly, xét nghiệm, phòng, chống dịch tại nơi công cộng, cơ quan, đơn vị...; điều trị, thực hiện tốt công tác phát hiện sớm, khoanh vùng gọn, xét nghiệm nhanh để không chế dịch lây lan.

Bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn một số tồn tại hạn chế như tình trạng thiếu công bằng trong chăm sóc sức khỏe về khả năng tiếp cận dịch vụ, thụ hưởng các dịch vụ có chất lượng; chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng miền còn lớn; chưa thực hiện tốt việc quản lý, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; chất lượng, trình độ chuyên môn ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu; còn quá tải ở các bệnh viện trung ương.

[Hành trình 30 năm Việt Nam bền bỉ đối phó với dịch HIV/AIDS]

Việc quản lý hành nghề y tư nhân còn hạn chế; đội ngũ bác sỹ, dược sỹ phân bổ, sử dụng chưa hợp lý; chưa đầu tư thỏa đáng cho phát triển y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và y tế ở vùng khó khăn.

Việc giao tự chủ cho các đơn vị ở nhiều địa phương còn chưa đúng quy định.

Đổi mới toàn diện ngành y tế để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ảnh 1Sử dụng hệ thống chụp cắt lớp khám, điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm do năng lực của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi các quy định, về tổ chức quản lý dự án.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đã đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025 là đổi mới mạnh mẽ, toàn diện ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe ngày càng cao của nhân dân; phấn đấu đạt thứ hạng cao về y tế-chăm sóc sức khỏe so với các nước ASEAN và khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trong đó, Bộ Y tế xác định tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh tật; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vật tư, thuốc để chủ động trong phòng, chống dịch bệnh và điều trị…

Đánh giá cao việc thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế năm qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, toàn ngành tập trung cho phòng, chống dịch bệnh, đồng thời vẫn bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu Quốc hội giao trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị Bộ Y tế làm rõ các đề xuất của Bộ trong việc tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả chi phí quản lý, khấu hao; ban hành mức giá tối đa của các dịch vụ theo yêu cầu, trên nguyên tắc tính đầy đủ chi phí; hợp tác công tư (PPP).

Chỉ ra một số tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công, bất công bằng trong chăm sóc sức khỏe; vi phạm đấu thầu mua sắm trang thiết bị; sự tồn tại mất cân đối nhân lực ngành y tế; quy hoạch phát triển cơ sở khám chữa bệnh, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ Y tế có giải pháp tham mưu về tự chủ bệnh viện phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và túi tiền của người dân; rà soát bảo đảm chi được cho 30% cho y tế dự phòng; phát triển mô hình bác sỹ gia đình, khám chữa bệnh từ xa; đánh giá đủ về già hóa dân số-gắn với chăm sóc sức khỏe nhân dân; trình dự toán ngân sách chi cho y tế thuyết phục trong giai đoạn tới.

Ông Bùi Sỹ Lợi đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến thảo luận tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo để chuẩn bị cho phiên họp toàn thể Ủy ban cũng như trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục