WB công bố chỉ số vốn nhân lực 2020, Việt Nam tăng điểm

Theo WB, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam cao hơn mức trung bình của các nước có cùng thu nhập. Tuy nhiên, tỷ lệ thấp còi lên đến 25% của trẻ em ở Việt Nam vẫn là thách thức lớn.
WB công bố chỉ số vốn nhân lực 2020, Việt Nam tăng điểm ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 16/9, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố chỉ số Vốn nhân lực khảo sát 174 nước trên thế giới, chiếm 98% tổng dân số thế giới, cung cấp đường cơ sở về tình hình về sức khoẻ và giáo dục trẻ em.

Theo đó, chỉ số này của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69 trong vòng 10 năm (2010-2020). Cụ thể, 98/100 trẻ em sinh ra ở Việt Nam sống được đến 5 tuổi. Một đứa trẻ bắt đầu đi học từ năm 4 tuổi có thể hoàn thành 12,9 năm học lúc 18 tuổi. Khi quy đổi sang chất lượng học, số năm học thực chất giảm xuống chỉ còn 10,7 năm.

Chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn.

Tuy nhiên, thách thức lớn để tiếp tục cải thiện chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam là tỷ lệ thấp còi tương đối cao (25/100 trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt phổ biến tại các dân tộc thiểu số).

[Học trực tuyến: Giải pháp hữu hiệu cho học sinh thời dịch COVID-19]

Theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư vào vốn nhân lực (bao gồm kiến thức, kỹ năng và sức khỏe trong suốt cuộc đời) là chìa khóa để phát huy tiềm năng của con người và cải thiện tăng trưởng kinh tế ở mọi quốc gia.

Theo kết quả phân tích, trước đại dịch, hầu hết quốc gia đã có bước tiến vững chắc trong việc xây dựng vốn nhân lực cho thế hệ kế tiếp, trong đó, những bước tiến lớn nhất được ghi nhận tại các quốc gia có thu nhập thấp.

Mặc dù đã có nhiều bước tiến bộ và chưa tính đến những ảnh hưởng gần đây của đại dịch, một đứa trẻ sinh ra ở một quốc gia điển hình dự kiến chỉ đạt được 56% tiềm năng vốn nhân lực so với trường hợp đứa trẻ đó được tiếp cận giáo dục và y tế đầy đủ.

Do ảnh hưởng của đại dịch, hầu hết trẻ em (trên 1 tỷ trẻ em) phải nghỉ học và bình quân có thể mất nửa năm học, dẫn đến thiệt hại đáng kể về tài chính. Dữ liệu cũng cho thấy gián đoạn đáng kể đối với các dịch vụ y tế thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em, và nhiều trẻ em đã bị lỡ các mũi tiêm chủng quan trọng.

Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết: "Đại dịch gây rủi ro đối với thành tựu xây dựng nguồn nhân lực của cả thập kỷ, bao gồm những cải thiện về sức khỏe, tỷ lệ sống sót, tỷ lệ đi học và giảm thấp còi. Tác động kinh tế của đại dịch đặc biệt mạnh mẽ đối với phụ nữ và những gia đình khó khăn nhất, khiến nhiều người dễ rơi vào cảnh không còn cái ăn và đói nghèo. Bảo vệ và đầu tư cho con người có vai trò sống còn khi các quốc gia nỗ lực thiết lập nền tảng cho phục hồi và tăng trưởng bền vững và bao trùm trong tương lai.”

Chỉ số Vốn nhân lực 2020 cũng thể hiện cái nhìn tổng quan về sự phát triển các kết quả vốn nhân lực từ năm 2010 đến năm 2020, cho thấy ghi nhận cải thiện tại tất cả các khu vực và ở tất cả các mức thu nhập (với những nước thu thập được dữ liệu). Những kết quả này phần lớn là nhờ cải thiện về sức khỏe, thể hiện ở tỷ lệ sống sót tốt hơn của trẻ em và người lớn và giảm thấp còi, cũng như tăng tỷ lệ đi học. Tiến bộ này hiện đang gặp rủi ro do đại dịch diễn ra trên toàn cầu.

Phân tích cho thấy kết quả về nguồn vốn nhân lực đối với trẻ em gái bình quân cao hơn so với trẻ em trai. Tuy nhiên, kết quả này chưa chuyển thành các cơ hội bình đẳng trên thị trường lao động: tỷ lệ việc làm bình quân của nữ giới thấp hơn 20 điểm phần trăm so với nam giới, với chênh lệch lớn hơn ở nhiều quốc gia và khu vực.

Hơn nữa, đại dịch đang làm trầm trọng thêm nguy cơ bạo lực giới, tảo hôn và mang thai ở tuổi vị thành niên, tất cả những vấn đề này đều làm giảm cơ hội học tập và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái.

Các chuyên gia WB nhấn mạnh để bảo vệ và mở rộng những thành tựu về vốn nhân lực trước đó, các quốc gia cần nâng cao phạm vi bao phủ và chất lượng dịch vụ y tế cho các cộng đồng bị thiệt thòi, thúc đẩy kết quả học tập song song với tỷ lệ nhập học và hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương với các biện pháp bảo trợ xã hội được điều chỉnh phù hợp với quy mô của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ngoài ra, những biện pháp chính sách tham vọng và dựa trên bằng chứng về y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội có thể khôi phục những thành tựu đã mất và mở đường để trẻ em ngày nay đạt kết quả tốt hơn thành tựu vốn nhân lực và chất lượng cuộc sống của các thế hệ trước.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục