Khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo

Đó là vấn đề được đặt ra hội nghị cấp Bộ trưởng lao động và giáo dục ASEAN, với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong thế giới công việc đang thay đổi”, diễn ra tại hơn 70 điểm cầu trong khu vực ngày 16/9.

Tại điểm cầu Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn như chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống và trực tiếp hiện hữu nhất vào thời điểm này là dịch bệnh. Nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất sẽ được thay thế. Nhân công sẽ bị đào thải. Những ngành nghề mới, phương thức mới, việc làm mới sẽ ra đời.     

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ phải bổ sung kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Tỷ lệ này ở ASEAN còn cao hơn. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở 5 nước ASEAN dự báo, 56% việc làm trong các nước này có thể bị ảnh hưởng nặng, thậm chí bị thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới.      

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, đại dịch COVID-19 tác động tới 2,7 tỷ lao động, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới. Theo một nghiên cứu chưa đầy đủ, quý II/2020 có 480 triệu việc làm bị mất, con số này trong khu vực ASEAN là trên 42 triệu.       

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu… Đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu là phải nhìn nhận lại thói quen làm việc, tiêu dùng để có cơ chế, chính sách tổ chức lại cho phù hợp hơn. Ở những nước nào người dân có thói quen tích lũy và có tính tương trợ cộng đồng cao thì khả năng thích ứng dường như tốt hơn với những giải pháp giãn cách xã hội dài ngày.      

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN ngày 16/9 là một minh chứng cho việc những nỗ lực như vậy cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, liên tục để có thể thực hiện thành công tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang thay đổi, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới của xã hội tương lai.    

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: LV

Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thành công của một nền giáo dục không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên, học viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của người học hay vị trí trên bảng xếp hạng quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới và sáng tạo của người lao động.     

Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vai trò của khối giáo dục sau phổ thông, bao gồm các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày càng được đẩy mạnh trong nâng cao năng lực tư duy, kĩ năng chuyển đổi của lực lượng lao động và hỗ trợ kết nối giữa kênh lao động và kênh giáo dục.     

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Đầu tư phát triển nguồn nhân lực không chỉ là đào tạo mới và đào tạo lại mà còn là công nhận và tận dụng nhân lực có trình độ đã qua đào tạo. Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thống nhất ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động kỹ năng ở tất cả các trình độ. Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được thành lập vào năm 1995 theo thỏa thuận của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN, cho tới nay đã phát triển bao gồm 30 trường đại học thành viên chính thức thuộc 10 nước, trong đó có 3 trường đại học của Việt Nam. Đây là một dấu mốc lớn trong công nhận một cách công bằng về chất lượng lao động giữa các quốc gia trong nội khối ASEAN.

 

Lê Vân/ Báo Tin tức
Đẩy mạnh hợp tác ASEAN về phát triển nguồn nhân lực
Đẩy mạnh hợp tác ASEAN về phát triển nguồn nhân lực

Họp báo thông tin về Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức diễn ra chiều 15/9 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN