Diễn biến tỷ giá Nhân dân tệ ảnh hưởng thế nào đến tỷ giá VND?

Sau đợt sụt giảm mạnh, tỷ giá nhân dân tệ chỉ thực sự được kiểm soát khi Trung Quốc áp dụng “yếu tố phản chu kỳ.” Điều này tác động thế nào tới VND khi hai đồng tiền có liên hệ mật thiết về tỷ giá?
Diễn biến tỷ giá Nhân dân tệ ảnh hưởng thế nào đến tỷ giá VND? ảnh 1Đồng nhân dân tệ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

“Sau khi đồng nhân dân tệ bị sụt giảm mạnh (kéo dài từ tháng Năm đến tháng Tám), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã nỗ lực can thiệp bằng nhiều biện pháp để giữ tỷ giá và đồng tiền này đã ổn định trở lại, tỷ giá gần như đi ngang, tăng nhẹ khoảng 0,5% và duy trì quanh ngưỡng 6,8 USD/CNY trong tháng Chín.

Điều này có ảnh hưởng tích cực tới tỷ giá VND do hai đồng tiền có liên hệ mật thiết về tỷ giá,” ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán – SSI cho biết.


[Chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng kinh tế tại châu Á]

Minh chứng rõ ràng hơn, ông Linh chỉ ra, trong tháng Tư, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bán ra 33,1 tỷ USD và đưa dự trữ ngoại hối của nước này về mức 3.109 tỷ USD. Tiếp đến vào đầu tháng Tám, Ngân hàng Trung ương tiếp tục nâng mức dự trữ bắt buộc từ 0% lên 20% đối với các hợp đồng giao dịch ngoại hối có kỳ hạn. Trước đó, công cụ này đã Chính phủ Trung Quốc áp dụng (từ tháng 7/2016 tới tháng 9/2017) và hiện được áp dụng trở lại nhằm siết chặt các giao dịch ngoại hối và bình ổn tỷ giá.

Tuy nhiên, ông Linh lại cho hay, tỷ giá nhân dân tệ chỉ thực sự được kiểm soát sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phải áp dụng “yếu tố phản chu kỳ” [Counter Cyclical Factor] để dẫn dắt kỳ vọng của thị trường trong việc tính toán tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ.

Kinh tế thế giới quay quanh trục của Mỹ

Trên thị trường quốc tế, kinh tế thế giới tiếp tục xoay quanh các hoạt động đàm phán thương mại - FTA giữa Mỹ và các đối tác. Cụ thể, Mỹ và Hàn Quốc đã ký FTA song phương. Bên cạnh đó, các quốc gia Bắc Mỹ cũng đạt được thỏa thuận cải tổ và thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bằng Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), sau khi cả hai nước Canada và Mexico đồng ý nhượng bộ một số điều khoản.

Thêm vào đó, sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đang trên đà leo thang khi Chính phủ Mỹ áp mức thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (từ ngày 24/9) và thuế suất sẽ nâng lên 25% (từ đầu năm 2019). Chưa hết, nước này tiếp tục đe dọa sẽ đánh thuế lên 267 tỷ USD tại các nhóm hàng hóa còn lại nếu Trung Quốc có hành động đáp trả. Song không vì thế mà Trung Quốc nhượng bộ, họ cũng ‘mạnh tay” đánh thuế lên gói hàng hóa 60 tỷ USD từ Mỹ, với thuế suất từ 5-10%.

Ở một động thái khác, giới đầu tư quốc tế dường cũng bắt đầu học được cách “sống chung” với cuộc đối đầu không khoan nhượng của hai “ông lớn” này. Bằng chứng cho thấy, thị trường tiền tệ toàn cầu không còn phản ứng quá mạnh mẽ với những diễn biến trên. Theo đó, giá trị của USD được duy trì khá ổn định. Cụ thể, chỉ số USD-Index sau khi chạm đỉnh 96,7 điểm trong tháng Tám đã giảm trở lại và dao động quanh vùng 94 điểm – 95 điểm tại tháng Chín.

Tại phiên họp ngày 26/9, Cục dự trữ liên bang - FED đã nâng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm (từ mức 2% lên 2,25%). Theo thống kê từ SSI, đây là lần nâng lãi suất thứ 3 trong năm 2018 và lần tăng thứ 8 kể từ tháng 12/2015. Với các tín hiệu lạc quan về triển vọng kinh tế, FED tiếp tục phát đi thông điệp cho thấy sự kiên định trong chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đưa lãi suất về mức cân bằng. Theo đó, sự kỳ vọng của giới đầu tư về khả năng nâng lãi suất lần thứ 4 vào tháng 12 càng được củng cố.

Trên thị trường, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt ngưỡng 3% và duy trì khá vững ở ngưỡng này. Theo ông Linh, đây là mốc rất quan trọng mà nhà đầu tư nên quan sát để xác định xu hướng thị trường chứng khoán.

Ngược lại, tại châu Âu, Anh và EU vẫn chưa tìm được lời giải cho vấn đề Brexit. Cùng với đó, các vấn đề ngân sách của Italy lại khiến nhà đầu tư thêm lo ngại, khi Chính phủ nước này đưa ra kế hoạch bội chi 2,4% GDP cho năm 2019.

“Con số này là quá cao và rủi ro đồng thời đi ngược với những thỏa thuận trong EU. Phản ứng với thông tin này, tỷ giá đã lùi về mức 1,15 EUR/USD, tương đương giảm 2% trong tuần cuối của tháng Chín. Và, điều này càng làm gia tăng sức mạnh USD,” ông Linh nói.

Diễn biến tỷ giá Nhân dân tệ ảnh hưởng thế nào đến tỷ giá VND? ảnh 2Kinh tế Mỹ khởi sắc, người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kiên định mục tiêu ổn định

Trên thị trường nội địa, Báo cáo từ Tổng cục thống kê cho thấy, trong chín tháng của năm, tăng trưởng tín dụng đạt 9,52% thấp hơn hẳn so cùng kỳ  năm 2017 (tăng 12,16%) và là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Song ông Linh cho rằng, mức tăng trưởng hiện tại là phù hợp với định hướng “hạn chế nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế” của Chính phủ.

Những năm trước đây, việc tín dụng tăng nhanh đã đẩy dư nợ tín dụng lên mức 7 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP so với mức 100% GDP vào cuối năm 2014.

Theo Báo cáo của SSI, mức chênh lệch này đang khá cao so với mặt bằng chung của các nước trên thế giới và khu vực (tỷ lệ này của Thailand, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc trong năm 2017 lần lượt là 6,1%, 6,8%, 12,7% và -2,4%).

Ông Linh đưa ra khuyến cáo, tỷ lệ tín dụng/GDP cao là một chỉ báo rủi ro cần phải kiểm soát để không gây lạm phát như đã từng xảy ra trong năm 2008 và 2010. Hơn nữa, CPI 9 tháng đã tăng 3,2% so với cuối năm 2017 và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Rủi ro lạm phát chi phí đang trở nên rõ ràng trong môi trường lãi suất và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng.

“Do đó, tăng trưởng tín dụng cần được kiểm soát chặt nhằm giảm bớt lượng sức ép thanh khoản, thu hẹp chênh lệch tín dụng/GDP và giữ lạm phát ở mức hợp lý,” ông Linh nói.

Trên thị trường tiền tệ, mặc dù không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp hướng tới việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn, thông qua Chỉ thị 04 với điều khoản không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Điểm sáng trên thị trường cũng đã xuất hiện, cụ thể cơ cấu vốn vay đang có sự dịch chuyển. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về mức 27,67% trong tháng Năm (trong khi cùng kỳ năm ngoái là 33,35%).

Trong tháng Chín, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có tăng ở kỳ hạn trên 12 tháng, song tại các kỳ hạn ngắn vẫn được duy trì khá ổn định. Kết quả, tăng trưởng huy động đạt 9,15% trong 9 tháng và thấp hơn so với mức 10,66% của năm 2017.

“Đây là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước hạ tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 45% xuống 40% từ đầu năm 2019, buộc các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh thu hút dòng vốn dài hạn nhằm tái cơ cấu nguồn vốn,” ông Linh cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục