IMF: “Cơn ác mộng” hay “vị cứu tinh” của Nam Phi?

Nhiều tin tức cho thấy Nam Phi đã và đang đàm phán về ý định thư (LOI) với IMF, chứng tỏ việc hỗ trợ tài chính của IMF sẽ gắn với những điều kiện khó khăn hơn.
Một cửa hàng bán đồ uống tại Johannesburg, Nam Phi ngày 1/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cửa hàng bán đồ uống tại Johannesburg, Nam Phi ngày 1/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng Đối thoại (theconversation.com) cuối tuần qua đăng bài phân tích của Giáo sư Danny Bradlow (chuyên ngành luật phát triển quốc tế và quan hệ kinh tế châu Phi), Đại học Pretoria (Nam Phi) về những vấn đề đặt ra trước việc Nam Phi đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp khoản vay trị giá 4,2 tỷ USD nhằm đạt được mục tiêu 7 tỷ USD hỗ trợ từ các thể chế tài chính đa phương trong cuộc chiến chống COVID-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo tác giả bài viết, Chính phủ Nam Phi đã đề nghị IMF cung cấp khoản vay trị giá 4,2 tỷ USD thuộc Cơ chế tài trợ khẩn cấp (RFI) - gói tài chính được dành để hỗ trợ các quốc gia đang phải đối mặt với sự mất cân bằng khẩn cấp về nhu cầu thanh toán và không cần đưa ra chương trình chi tiết tổng thể làm điều kiện để phê duyệt gói hỗ trợ.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết điều này có nghĩa là bên đi vay có thể tự quyết định việc chi tiêu khoản vay. Tuy nhiên, nhiều tin tức cho thấy Nam Phi đã và đang đàm phán về ý định thư (LOI) với IMF, chứng tỏ việc hỗ trợ tài chính của IMF sẽ gắn với những điều kiện khó khăn hơn.

Ý định thư là một lá thư từ Chính phủ Nam Phi gửi IMF, đưa ra các chính sách mà nước này dự định thực hiện để khắc phục các vấn đề kinh tế vĩ mô khiến bên đi vay phải tìm kiếm sự hỗ trợ của IMF. Hội đồng điều hành IMF sẽ quyết định cung cấp khoản vay cho nước yêu cầu dựa trên bức thư này. Nội dung bức thư là mấu chốt của các điều kiện gắn liền với khoản vay từ IMF.

Vào cuối tháng 7/2020, người dân Nam Phi sẽ biết được các điều khoản thực tế trong khoản vay từ IMF khi Hội đồng điều hành của thể chế tài chính này xem xét yêu cầu hỗ trợ tài chính của đất nước "Cầu Vồng."

[Các lựa chọn chính sách can thiệp kinh tế của Nam Phi hiện nay]

Nhưng nhiều người đã đưa ra những phán đoán khác nhau về giao dịch này. Một số người cho rằng yêu cầu hỗ trợ từ IMF là một thất bại đáng xấu hổ của Nam Phi bởi nước này sẽ buộc phải từ bỏ một phần chủ quyền và chấp nhận hạ thấp bản thân, cũng như chịu sự áp đặt các chính sách kinh tế.

Những người khác coi đó là bước đầu tiên giúp Nam Phi thoát khỏi vực thẳm: IMF sẽ buộc nước này phải chấp nhận liều thuốc - thậm chí rất đắng - để có được “sức khỏe” của nền kinh tế.

Cả hai quan điểm này đều có vẻ quá cực đoan và không phản ánh đầy đủ thực tiễn. Trong mối quan hệ với IMF, Nam Phi có nhiều quyền để thương lượng hơn so với những ý kiến nêu trên. Cuối cùng, các điều khoản của thỏa thuận với IMF sẽ phụ thuộc vào khả năng của Chính phủ Nam Phi trong đàm phán với thể chế tài chính này.

Để hiểu điều này, chúng ta cần trả lời ba câu hỏi: Liệu Nam Phi sẽ phải từ bỏ một phần chủ quyền cho IMF? Liệu IMF có phải là đối tác đàm phán đặc biệt không hợp lý không? Trách nhiệm của IMF trong đàm phán các điều kiện?

Liệu Nam Phi sẽ phải từ bỏ một phần chủ quyền cho IMF?

Chủ quyền là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm, đặt ra những mối quan ngại về quyền tự chủ của quốc gia và khả năng tự kiểm soát vận mệnh. Một trong những khía cạnh của chủ quyền là quyết định của quốc gia trong ký kết thỏa thuận quốc tế.

Khả năng này chứng tỏ quốc gia là chủ thể trên trường quốc tế có khả năng đạt được các thỏa thuận ràng buộc đối với những chủ thể khác của luật quốc tế, các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế như IMF.

IMF: “Cơn ác mộng” hay “vị cứu tinh” của Nam Phi? ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa Pretoria, Nam Phi, ngày 1/7/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tuy nhiên, hầu hết các thỏa thuận quốc tế đều hạn chế quyền tự do hành động của quốc gia có chủ quyền.

Chẳng hạn, Hiệp định Thương mại Tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) buộc Nam Phi phải mở cửa nền kinh tế nước này khi giao dịch với các nước châu Phi. Trước khi “tự trói mình” vào các ràng buộc này, Nam Phi đã đàm phán với các bên ký kết để giảm thiểu chi phí đối với các cam kết và tối đa hóa lợi ích mà nước này sẽ đạt được từ AfCFTA.

Cam kết của Nam Phi với IMF cũng tương tự như với AfCFTA: Nam Phi đang thực thi chủ quyền khi quyết định tham gia thỏa thuận với IMF. Trước khi bị chính thức ràng buộc về mặt pháp lý, Nam Phi sẽ phải đàm phán để có được một thỏa thuận tốt nhất có thể với IMF.

Liệu IMF có phải là đối tác đàm phán đặc biệt không hợp lý không?

Không có một ngân hàng, tổ chức từ thiện hoặc tổ chức tài chính quốc tế nào cung cấp những khoản tài chính lớn mà không kèm theo các điều kiện ràng buộc để đảm bảo rằng bên nhận sẽ sử dụng tiền vay một cách có trách nhiệm và trả lại bên cho vay theo thỏa thuận giữa hai bên. Những điều kiện này có thể bao gồm từ yêu cầu tài sản thế chấp đến những cam kết hạn chế hành vi tương lai của bên nhận tiền theo thỏa thuận, chẳng hạn như giới hạn các cách thức có thể sử dụng nguồn tài chính nhận được.

IMF quy định những ràng buộc thông qua chính sách thay vì tài sản thế chấp hoặc cam kết về việc sử dụng vốn. Trong quá khứ, những điều kiện này thường dựa các ràng buộc chính trị-kinh tế đầy tranh cãi: Giảm vai trò kinh tế của nhà nước, nền kinh tế đi vay phải điều chỉnh để trở nên thân thiện với thị trường và toàn cầu hóa hơn.

Gần đây, lãnh đạo IMF đã kết hợp các vấn đề như tính toàn diện, tính bền vững, mạng lưới an toàn xã hội và bình đẳng giới trong gói điều kiện.

Không dễ dàng để dự đoán chính xác sự phức hợp các điều kiện trong từng trường hợp cụ thể. Kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy sự phức hợp thực tế là kết quả của quá trình đàm phán. Do đó, nội dung và cách thức diễn giải của các điều kiện sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế của Nam Phi, mức độ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán đầy khó khăn với IMF, cũng như khả năng của nước này trong việc thuyết phục IMF về sự hợp lý của các quan điểm được bên đi vay nêu ra.

IMF có trách nhiệm gì trong việc đàm phán các điều kiện?

Các Điều khoản Thỏa thuận của IMF khẳng định thể chế tài chính này sẽ hỗ trợ các quốc gia khắc phục những thiếu sót trong cán cân thanh toán thông qua các biện pháp không làm cản trở sự thịnh vượng của quốc gia đi vay hoặc trên phạm vi quốc tế.

Do đó, IMF cần chứng minh rằng bất kỳ điều kiện nào mà thể chế này đặt ra khi xem xét khoản vay đều phù hợp với sự thịnh vượng trong trung hạn của bên nhận. IMF cũng phải chứng tỏ rằng thể chế này không giúp một quốc gia thành viên trong khi không đảm bảo trách nhiệm với các quốc gia thành viên khác.

Ngoài ra, giống như bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác, IMF cần tuân thủ các nguyên tắc luật pháp quốc tế hiện hành.

Thứ nhất, IMF phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia thành viên, bao gồm cả luật pháp trong nước.

Thứ hai, thể chế tài chính này phải tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của các quốc gia thành viên và không làm suy yếu khả năng đáp ứng các nghĩa vụ này.

Thứ ba, với vai trò là một cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc, IMF phải tuân thủ Tuyên ngôn Nhân quyền trong việc góp phần bảo đảm sự công nhận và tuân thủ phổ quát và hiệu quả về quyền con người.

Dựa trên những nguyên tắc này, trong thỏa thuận đang đàm phán với Nam Phi, IMF cần thể hiện 3 khía cạnh trách nhiệm. Trước hết, IMF phải đảm bảo rằng các điều kiện kèm theo khoản vay phù hợp với Hiến pháp Nam Phi.

Nghĩa là IMF phải đảm bảo rằng các điều kiện đặt ra phù hợp với các điều khoản cơ bản về nhân quyền trong Hiến pháp Nam Phi. Ngoài ra, IMF phải đảm bảo rằng thể chế này không yêu cầu bất cứ điều gì không phù hợp với các cam kết hiệp ước của Nam Phi, trong đó có cam kết của bên đi vay đối với nhân quyền quốc tế và nghĩa vụ về môi trường.

Bên cạnh nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của Nam Phi, IMF phải tôn trọng việc giải thích các cam kết giữa hai bên của Nam Phi, với điều kiện sự giải thích đó không trái với luật pháp quốc tế.

Cuối cùng, IMF cần phải chứng minh được bằng cách nào thể chế này có thể đảm bảo các điều kiện đặt ra phù hợp với các nguyên tắc pháp lý quốc tế hiện hành.

Điểm lưu ý quan trọng là yêu cầu này không có nghĩa là IMF không thể đề nghị bên đi vay thực hiện các hành động như cắt giảm ngân sách, đồng thời IMF có trách nhiệm chỉ ra rằng sự cắt giảm này là cách ít tốn kém nhất để đạt được các mục tiêu của IMF.

Người dân Nam Phi không nên xem IMF chỉ là “cơn ác mộng” hoặc “vị cứu tinh.” Thay vào đó, Nam Phi nên ứng xử với IMF như bất kỳ với tổ chức tài chính nào khác. IMF cần khẳng định rằng thể chế này phải tuân thủ các trách nhiệm quốc tế của riêng mình và chứng minh được thỏa thuận của IMF với Chính phủ Nam Phi sẽ có lợi cho tất cả người dân của đất nước "Cầu Vồng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục