Hà Nội: Một số cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu về xử lý chất thải lỏng

Một số bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải lỏng đã xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, một số trạm y tế hiện chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng nên cần được đầu tư.

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện nay các cơ sở y tế của thành phố phát sinh một lượng lớn chất thải rắn với khối lượng 26.531 kg/ngày, trong đó có 7.457kg chất thải rắn nguy hại; đồng thời phát sinh 10.443 m3 chất thải lỏng/ngày.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra, giám sát 98 cơ sở y tế trong và ngoài công lập về kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải y tế.

Qua kiểm tra cho thấy, 100% các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung, đã ký hợp đồng với các công ty có đủ thẩm quyền vận chuyển và xử lý chất thải y tế. Các cơ sở đều có nơi lưu giữ chất thải và có đầy đủ sổ giao nhận chất thải với đơn vị xử lý chất thải theo quy định.

Tuy nhiên, một số bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải lỏng đã xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, một số trạm y tế hiện chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng nên cần được đầu tư.

[Chủ động phương án xử lý chất thải lây nhiễm, khẩu trang y tế thải bỏ]

Sở Y tế Hà Nội đã chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó đã tổ chức 3 buổi tập huấn trực tuyến về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho 3.000 cán bộ tại các cơ sở y tế; 2 buổi tập huấn trực tiếp về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho 550 cán bộ làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải tại cơ sở y tế.

Các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại cơ sở theo hướng dẫn của Sở Y tế; kết hợp tập huấn với tuyên truyền các biện pháp phòng hộ cá nhân, vệ sinh bàn tay cho cán bộ y tế và người bệnh, người nhà người bệnh tại cơ sở y tế.

Để công tác quản lý chất thải y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn đạt hiệu quả hơn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đề nghị các đơn vị cần phân công rõ trách nhiệm của lãnh đạo, trưởng các khoa, phòng và cá nhân trong công tác quản lý chất thải y tế; đồng thời bố trí đủ nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải y tế theo quy định, thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc quản lý chất thải tại đơn vị.

Đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân cần tuyên truyền tuân thủ việc phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, việc vệ sinh bàn tay để phòng, chống nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục