Y tế cơ sở: Mới vai trò, cũ cả hình thức lẫn nội dung

Có đi xuống tận địa phương, mới thấy buồn cho những “người gác cổng” y tế tại cơ sở, tình trạng “vắng đìu hiu” là khá phổ biến.
Y tế cơ sở: Mới vai trò, cũ cả hình thức lẫn nội dung ảnh 1Cơ sở vật chất xuống cấp tại Bệnh viện đa khoa huyện Hà Quảng (Cao Bằng).

Có đi xuống tận địa phương, mới thấy buồn cho những “người gác cổng” y tế tại cơ sở, tình trạng “vắng đìu hiu” là khá phổ biến.

Buồn hơn cả, là cái sự một ngày một trạm y tế xã chỉ có 1-2 người đến khám, nó không nói lên chất lượng sức khỏe cộng đồng nơi đây đã tốt lên, bởi rất nhiều người bệnh ở vùng đó, kể cả hắt hơi sổ mũi cũng lao lên các bệnh viện tuyến trên khiến các bệnh viện này càng lúc càng quá tải.

[Hệ thống y tế cơ sở đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức]

Những tưởng rằng, từ ngày ngày 5/12/2016 Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, hệ thống y tế cơ sở được xác định có một vai trò lớn hơn, mang tính trung tâm, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh từ khâu địa phương, giảm tải cho bệnh viện tỉnh trung ương nhưng dường như vai trò đó vẫn còn quá bị xem nhẹ…

Mới vai trò, cũ cả hình thức lẫn nội dung

Với khoảng 80% số dân sống ở vùng nông thôn, thì y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Mạng lưới y tế cơ sở được xác định là tuyến y tế trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Quan trọng hơn cả, y tế cơ sở nếu được khai thác triệt để, sẽ góp phần rất lớn trong việc sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, giảm thiểu các ca trọng bệnh mà khi lên đến cấp tỉnh, trung ương cũng đã vào giai đoạn “y học bó tay!”

Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6, khóa 12 cũng đã đặt ra mục tiêu với ngành y tế là phải bảo đảm “y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.”

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn dẫn chứng, Việt Nam đã có một hệ thống y tế cơ sở trong đó có trạm y tế tham gia rất tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Hệ thống trạm y tế rải khắp trên toàn quốc là một trong những điểm mạnh của y tế Việt Nam.

Điển hình nhất là năm 2003, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thanh công dịch SARS, trong đó có vai trò của y tế cơ sở. Từ thực tiễn đã cho thấy, hệ thống y tế cơ sở rất gần dân, do vậy khi tăng cường lực lượng chuyên môn ở tuyến trên về nên đã kịp thời phát hiện và kiểm soát khống chế thành công.

Bên cạnh đó có rất nhiều chương trình triển khai như tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, vệ sinh môi trường... Điều này trong giai đoạn vừa qua y tế cơ sở đã làm rất tốt.

Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra đó là hiện nay mạng lưới cơ sở y tế này chưa thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu bệnh tật, sự phát triển của xã hội, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Quan trọng hơn cả, y tế cơ sở nếu được khai thác triệt để, sẽ góp phần rất lớn trong việc sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật, giảm thiểu các ca trọng bệnh mà khi lên đến cấp tỉnh, trung ương cũng đã vào giai đoạn “y học bó tay!”

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện trên cả nước đang có hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản… Tuy nhiên, trong số này nhiều trạm y tế xã ó cơ sở vật chất ở đang ở giai đoạn xuống cấp trầm trọng. Cụ thể hơn, theo khảo sát có tới gần 3.200 trạm y tế cần được xây mới và khoảng 3.600 trạm y tế đang cần được nâng cấp và sửa chữa.

Về chất lượng, đánh giá của Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), hiện nay các trạm y tế thực hiện được khoảng 60% các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật. Nguyên ngân chính là là do thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa được đào tạo, thiếu trang thiết bị.

Y tế cơ sở: Mới vai trò, cũ cả hình thức lẫn nội dung ảnh 2Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Phân tích sâu về vấn đề này, phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính cho hay, hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tổng thể hệ thống y tế quốc gia và luôn được coi là trụ cột để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cơ bản của người dân.

Tuy nhiên, qua quá trình vận hành lâu dài, đến thời gian gần đây hệ thống này đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập nghiêm trọng. Chẳng hạn như mô hình cung ứng dịch vụ và mô thức quản trị (Hệ thống y tế cơ sở) cũ không còn phù hợp với tình hình mới (với những thay đổi cơ bản cả về cầu và cung dịch vụ y tế); sự bất cân xứng giữa hệ thống y tế cơ sở và y tế chuyên sâu ngày càng rõ nét…


Gà cùng một mẹ sao hoài đá nhau

Chỉ rõ nguyên nhân của tuyến y tế cơ sở hiện nay trong trong tình trạng thưa vắng bệnh nhân, phó giáo sư Hằng cho hay, y tế cơ sở chưa có hệ thống quản lý chất lượng, trái ngược với hệ thống bệnh viện.

“Hiện nay hệ thống bệnh viện đã xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện tương đối đồng bộ và triển khai có hiệu quả. Tương phản với điều này là hệ thống y tế cơ sở hiện nay chưa có hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nguyên nhân nữa đó là đứng về mặt nội bộ hệ thống có sự cạnh tranh,” bà Hằng chỉ rõ.

Theo đại diện Bộ Y tế, khi Nghị định 85 về cơ chế hoạt động, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở khám chữa bệnh được công lập ban hành, chính vì bệnh viện phải tự chủ nên họ làm sao cải tiến để hút bệnh nhân. Từ đó, các đơn vị cũng phải có các biện pháp tham mưu cho Bộ Y tế để làm sao giảm cạnh tranh trong hệ thống.

“Trong hệ thống y tế chuyên sâu và y tế cơ sở chưa có sự phối hợp mà thành thực vẫn còn có sự cạnh tranh. Đơn cử như bệnh viện tuyến Trung ương hút bệnh nhân của tỉnh, hay tỉnh hút bệnh nhân của huyện, huyện lại hút các bệnh nhân của xã. Đây là một vấn đề rất mâu thuẫn trong vấn đề quản trị. Vì vậy, hệ thống y tế cơ sở đã yếu lại càng yếu thêm…” Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế.

Một trong những nguyên nhân tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt trong hệ thống y tế chung đó là sự bất hợp lý trong cơ cấu tài chính.

Về vấn đề tài chính y tế, phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng thẳng thắn: “Có thể thấy rằng, chi ngân sách nhà nước cho y tế còn thấp, thậm chí rất thấp, đặc biệt là y tế cơ sở vì cơ chế tài chính còn nhiều bất cập chưa phù hợp. Chẳng hạn như ngân sách nhà nước chưa đảm bảo chi 30% cho dự phòng và ngân sách cho trạm y tế chỉ chi lương, không có kinh phí chi hoạt động. Chưa có hướng dẫn cơ chế tài chính cho trung tâm y tế đa chức năng. Chưa chi cho dự phòng, khám sàng lọc, phát hiện sớm, khám chữa bệnh lưu động, đây là những điểm rất bất cập.”

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố gần đây nhất cho thấy, trong số 30 nước được đánh giá, Việt Nam đứng thứ 29/33 nước về tỷ lệ chi cho y tế và phần chi công của nhà nước chiếm khoảng hơn 30% còn lại khoảng 70% là chi từ tiền túi của người dân. Trong khi WHO khuyến cáo mức hợp lý nhất chi tiền túi của người dân dưới mức 30% sẽ giảm được chi phí thảm họa.

“Nhưng bất cập hơn, đó là chi cho y tế đã thấp, chi cho y tế cơ sở còn thấp, đặc biệt trong dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp hơn,” bà Hằng chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay khi thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan đã trao đổi và có các văn bản cụ thể và đang trong quá trình xây dựng để tăng chi cho y tế dự phòng 30% để đảm bảo mức đó, từ trước đến nay cao nhất chỉ 15-17%.

Theo vị đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tỷ trọng ngân sách nhà nước hiện nay đầu tư cho ngành y tế, ở tuyến xã còn rất hạn chế. Vì vậy, cần phải tập trung những nguồn lực từ nước ngoài, vốn ODA, các nguồn lực khác và kể cả ngân sách, làm sao để nâng cấp đồng đều tuyến y tế xã. Như vậy, mới có khả năng tạo niềm tin cho người dân gắn bó với tuyến y tế, xã, phường, thị trấn.

Y tế cơ sở: Mới vai trò, cũ cả hình thức lẫn nội dung ảnh 3Cơ sở vật chất cũ kỹ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch An (Cao Bằng). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Chiếc áo không làm nên thầy tu

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong thời gian vừa qua, Ủy ban đã tiến hành rất nhiều cuộc giám sát, khảo sát ở các địa phương và tập trung vào các tuyến y tế cơ sở.

Đầu tháng 8/2018, Ủy ban đã tiến hành phiên giải trình về chất lượng hiệu quả của hệ thống y tế cơ sở và cho thấy, mức đầu tư cho tuyến y tế xã, phường còn hạn chế, từ huyện trở lên chúng ta làm tương đối tốt.

Ông Lợi cho hay, bên cạnh những thành tựu như vậy, ông cho rằng có một số thách thức tồn tại hiện nay. Đó là việc chưa làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để cho nhân dân tự chăm lo sức khỏe hoặc nhận thức đúng về tuyến y tế cơ sở.

“Qua khảo sát, bệnh rất đơn giản nhưng người dân vẫn lên huyện. Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế và Chính phủ nên tổng kết lại việc thông tuyến. Khi chúng ta cho thông tuyến trong điều kiện kỹ thuật chưa xác định được, rõ ràng dẫn đến người dân sẽ chuyển lên tuyến trên và không khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Thông tuyến là vấn đề nhân văn, rất tốt nhưng trong điều kiện hiện nay chúng ta phải tính toán lại. Chúng tôi đang xem xét để sửa Luật khám chữa bệnh cho phù hợp,” - ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Từ những bất cập đã nêu, các chuyên gia của ngành cho rằng, chính những điểm bất cập đang tồn tại đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực cung ứng dịch vụ, chất lượng dịch vụ và tính bền vững của hệ thống cung ứng dịch vụ y tế cơ sở- loại hình dịnh vụ y tế tối quan trọng này. Đồng thời khuyến nghị, đây là thời điểm quyết định để Bộ Y tế bắt tay vào việc thiết kế và triển khai một Chương trình đổi mới sâu rộng hệ thống y tế cơ sở.

Phó giáo sư Hằng cho rằng, việc thiết kế Chương trình đổi mới này đã được Bộ Y tế tiến hành thận trọng, dựa vào các kết quả đánh giá thực trạng hệ thống y tế cơ sở mang tính hệ thống, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về đổi mới và phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như tham khảo rộng rãi quan điểm của các bên liên quan.

Bàn về giải pháp, ông Bùi Sỹ Lợi chỉ ra: “Tôi vẫn đề nghị với Bộ Y tế, qua giám sát, việc xác định ít nhất trạm y tế xã có một bác sĩ là tốt. Nhưng không nhất thiết đây là mô hình cơ bản. Chúng ta có thể luân chuyển các bác sỹ từ tuyến huyện, tuyến tỉnh xuống tuyến xã làm việc một ngày, hai ngày. Việc làm này có hai mục tiêu: Một là bác sỹ giỏi làm tăng niềm tin của người dân đối với công tác chữa bệnh tuyến y tế cơ sở; thứ hai bác sỹ giỏi, bác sỹ có chuyên môn có chức năng đào tạo hệ thống cán bộ y tế của tuyến xã để làm sao chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực.”

Ông Lợi cũng cho biết thêm, trong những năm vừa qua, hệ thống y tế cơ sở xác định có trung tâm y tế bệnh viện tuyến huyện; trạm y tế xã, thôn bản; thực tế nên thêm bộ phận y tế tư nhân góp phần làm cho y tế cơ sở của chúng ta mạnh lên. Tôi đề nghị cần đánh giá y tế tư nhân và kêu gọi, vận động, khuyến khích y tế tư nhân tham gia cùng y tế cơ sở của nhà nước để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân một cách tốt nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục