Không bố trí giáo viên không đạt yêu cầu dạy chương trình mới  

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ khi chia sẻ về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020 - 2021.

 Bố trí đủ giáo viên đứng lớp         

Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành việc chọn sách giáo khoa lớp 1 và đang bước vào tập huấn sách giáo khoa. Bộ trường Phùng Xuân Nhạ đề nghị, cần tiếp tục hoàn hiện tài liệu giáo dục địa phương, tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy lớp 1 với tinh thần “không bố trí giáo viên không đạt yêu cầu đứng lớp”, tiếp tục chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cho dạy và học...     

Chú thích ảnh
Học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy vào giờ học đầu tiên tại trường sau thời gian dài nghỉ ở nhà vì dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

“Năm học 2020- 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Đây cũng là năm diễn ra Đại hội Đảng cấp tỉnh/thành phố, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Do đó, nếu khởi đầu tốt đẹp sẽ góp phần vào thành công của cả năm học”, Bộ trưởng khẳng định.      

Năm học 2020 - 2021, cả nước có 14.332 trường tiểu học với gần 2 triệu học sinh lớp 1. Đánh giá của Bộ GD&ĐT: Về cơ bản, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ đều được địa phương ưu tiên cao nhất cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.     

Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch, rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên của từng môn học, cấp học. Tỉnh cũng chủ động sắp xếp, bổ sung đội ngũ, đồng thời phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.     

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết: Bình quân, hầu hết các tỉnh đạt tỷ lệ 1,3 – 1,4 giáo viên/lớp, một số ít tỉnh đạt tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Với tỷ lệ này, về cơ bản các tỉnh thực hiện được việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với phương án trên 32 tiết/tuần.   

 Đối với giáo viên tiếng Anh, TS Thái Văn Tài cho biết: "Năm 2018, tỷ lệ lớp 1 học tiếng Anh còn thấp nhưng năm 2019, chúng ta đã nâng hệ số GV tiếng Anh lên 0,16 – sẵn sàng cho Chương trình giáo dục phổ thông mới”.    

 Môn Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3. Nhưng hiện nay còn 27/63 tỉnh chưa sẵn sàng giáo viên cho môn Tin học. Tỷ lệ cần đạt tối thiểu là 0,04 giáo viên/lớp để đủ dạy môn Tin học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các tỉnh cần có giải pháp quyết liệt để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đủ số giáo viên tin học dạy môn Tin học bắt buộc trong Chương trình mới từ năm học 2022 - 2023.    

Số phòng học đảm bảo

 Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT: Đến nay, đa số cơ sở giáo dục đều sẵn sàng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Tùy điều kiện cụ thể, trường tiểu học trên toàn quốc đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình ở các mức khác nhau, từ mức tối thiểu bắt buộc (thực hiện các môn học bắt buộc theo chương trình), đến thực hiện ở mức tối ưu (thực hiện các môn học tự chọn, thực hiện chương trình theo nhu cầu người học).     

Còn khoảng 139 trường (0,97%) do điều kiện chưa bảo đảm nên dự kiến tổ chức được dạy học ở mức 25 tiết/tuần (chưa tính môn tự chọn) - đây là mức yêu cầu tối thiểu của chương trình. Tuy nhiên, với tinh thần quyết liệt và trách nhiệm cao, địa phương đều cam kết tiếp tục cố gắng để các trường đều thực hiện chương trình đối với lớp 1 ở mức tối ưu nhất.     

TS Thái Văn Tài cho biết: Các tỉnh, thành phố bảo đảm tỷ lệ phòng học trên lớp xấp xỉ 1 phòng/lớp. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các tỉnh chưa đủ tỷ lệ 1 phòng học/lớp đều có giải pháp, lộ trình tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng trường lớp, thực hiện quy hoạch, dồn ghép điểm trường, bảo đảm đủ phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhiều tỉnh đã ưu tiên cho lớp 1, rà soát thống kê số phòng học còn thiếu để xây dựng đề án, dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất nói chung, phòng học nói riêng đáp ứng yêu cầu chương trình mới theo lộ trình. 

Được biết, việc tập huấn cho giáo viên theo chương trình, sách giáo khoa mới có nhiều phức tạp và bị chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhưng đến nay, các địa phương cũng đang rốt ráo thực hiện việc tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên để chuẩn bị vào năm học mới.

Lê Vân/ Báo Tin tức
COVID-19: Phòng dịch mùa thi và đề xuất bổ sung giáo viên vào đối tượng nhận hỗ trợ
COVID-19: Phòng dịch mùa thi và đề xuất bổ sung giáo viên vào đối tượng nhận hỗ trợ

Đến 14/4, Việt Nam đã có 89 ngày không lây nhiễm virus SARS CoV-2 trong cộng đồng. Tại các địa phương, việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp được chú trọng đặc biệt khâu phòng dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN