Chân dung hai chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2018

Tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh một thế giới hòa bình chỉ có thể xây dựng nên nếu phụ nữ và các quyền cơ bản của nữ giới được công nhận và bảo vệ trong chiến tranh.
Chân dung hai chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2018 ảnh 1Nadia Murad phát biểu sau khi nhận Giải thưởng nhân quyền Sakharov (do Nghị viện châu Âu tổ chức) vì lòng quả cảm và nỗ lực giúp đỡ cộng đồng người tị nạn tại buổi lễ được tổ chức ở Strasbourg, Pháp, ngày 13/12/2016. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bác sỹ người Congo Denis Mukwege và cô Nadia Murad, hai chủ nhân của giải Nobel 2018, bằng những cách riêng của mình, đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế đối với nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh, tạo tiền đề để tìm kiếm và xét xử thích đáng những kẻ gây ra tội ác này.

Trong tuyên bố chính thức công bố ngày 5/10, Ủy ban Nobel Na Uy tôn vinh 2 nhân vật nhận giải Nobel Hòa bình 2018 đã có những đóng góp trọng yếu giúp nâng cao nhận thức toàn cầu và chống lại các tội ác chiến tranh.

Bác sỹ Denis Mukwege đã dành cả sự nghiệp để bảo vệ và cứu giúp những nạn nhân bị bạo lực tình dục. Trong khi đó, cô Nadia Murad là nhân chứng trực tiếp kể lại những tội ác chống lại phụ nữ và nhân loại.

Tuyên bố nhấn mạnh một thế giới hòa bình chỉ có thể xây dựng nên nếu phụ nữ và các quyền cơ bản của nữ giới được công nhận và bảo vệ trong chiến tranh.

Bác sỹ Mukwege, 63 tuổi, là người đã sáng lập bệnh viện Panzi ở Bukavu thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1988 để chữa trị cho những phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể trong thời chiến và các nạn nhân bị bạo hành tình dục.

Trong hơn 2 thập kỷ hành nghề, ông đã giúp đỡ hàng chục nghìn nạn nhân vượt lên trên nỗi đau và nỗi kinh hoàng, trở thành một tiếng nói mạnh mẽ chống lại nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang.

Trong khi đó, cô Nadia Murad, 25 tuổi, là một nhà hoạt động nhân quyền người Yazidi, một cộng đồng sắc tộc tôn giáo người Kurd, đến từ tỉnh Sinjar, miền Bắc Iraq.

Tháng 8/2014, cô là một trong số hơn 5.000 người Yazidi bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt cóc và buộc phải làm nô lệ tình dục khi lực lượng này chiếm các vùng lãnh thổ ở miền Bắc Iraq.

Ba tháng sau, cô đã trốn thoát và chạy tới một trại tị nạn trước khi xin tị nạn tại Đức. Cô đã chia sẻ câu chuyện của mình với truyền thông quốc tế, trở thành một tiếng nói đại diện cho những phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc.

[Nobel Hòa bình tôn vinh nỗ lực chống bạo lực tình dục chiến tranh]

Kể từ tháng 9/2016, cô là Đại sứ thiện chí tại Liên hợp quốc ủng hộ những nạn nhân sống sót trong các vụ buôn bán người.

Theo Ủy ban Nobel Na Uy, bác sỹ Denis Mukwege và cô Nadia Murad là đại diện cho cuộc đấu tranh chống lại một vấn nạn toàn cầu, không bó hẹp trong phạm vi biên giới một quốc gia hay một cuộc xung đột này.

Cả hai đều đã dũng cảm đặt an toàn cá nhân vào nguy hiểm để chống lại các tội ác chiến tranh và tìm kiếm công lý cho các nạn nhân chiến tranh.

Qua đó, họ đã giúp thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia thông qua việc bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Mô tả ảnh

Với quyết định hoãn trao giải Nobel Văn học 2018 sang năm sau của Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển do những bê bối lạm dụng tình dục, giải Nobel Hòa bình năm nay trở thành giải thưởng giành được nhiều sự quan tâm.

Có tổng số 331 cá nhân và tổ chức được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2018, một con số gần chạm mức kỷ lục.

Lễ trao giải Nobel hòa bình sẽ được tổ chức tại Oslo vào ngày 10/12 tới, cũng chính là kỷ niệm 122 năm ngày mất của Alfred Nobel, "cha đẻ" của giải thưởng Nobel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục