Giải quyết hậu quả chiến tranh: Điểm sáng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ

Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh.
Giải quyết hậu quả chiến tranh: Điểm sáng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ảnh 1Cán bộ phụ trách dự án giới thiệu các phương pháp hoạt động khảo sát, rà phá bom mìn tại Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Trong những năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong một loạt lĩnh vực hợp tác như kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, giáo dục-đào tạo, khoa học-đào tạo…, trong đó không thể không nhắc tới lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, một điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Nhân 25 năm Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao, phóng viên TTXVN tại Hoa Kỳ đã phỏng vấn ông Timothy Rieser, Cố vấn cao cấp Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách Thượng viện Mỹ, người luôn ủng hộ mạnh mẽ cho quan hệ hai nước, đặc biệt là việc giải quyết hậu quả chiến tranh. Đối với những người bạn Việt Nam, ông còn được coi là “Người bạn Mỹ thầm lặng” bởi những việc ông đã, đang và sẽ làm để giúp đỡ các nạn nhân của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tháng 12/2006, theo lời mời của Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Cựu binh Hoa Kỳ tại Việt Nam (VVAF) Bobby Muller và các đồng nghiệp ở VVAF trở lại đất nước, nơi họ từng tham chiến, để nhận Huy chương vì Hòa bình, Hữu nghị giữa các dân tộc vì những đóng góp trong quá trình hòa giải giữa hai dân tộc. Ông Timothy Rieser, không phải là cựu binh, cũng có mặt trong đoàn vì ông được xem là “người trong cuộc”.

Ông đảm đương vị trí Trợ lý chính sách đối ngoại cho Văn phòng Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, một nghị sĩ có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở Quốc hội Hoa Kỳ và cũng là người phụ trách viết luật chi ngân sách trước khi đưa ra biểu quyết tại quốc hội. Sang Việt Nam, ông Rieser có điều kiện trao đổi trực tiếp với quan chức Việt Nam về vấn đề chất độc da cam, về người khuyết tật… để hiểu hơn về tình hình ở Việt Nam và sự cần thiết có hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ. Kể từ đó, ông đã nỗ lực hết mình trong công việc giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.

[Nghị quyết kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ]

Ông Rieser cho biết từ đầu năm 1990, các cuộc thảo luận về cách thức Hoa Kỳ có thể giúp đỡ và hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh đã bắt đầu diễn ra, đặc biệt trong việc hỗ trợ những người tàn tật do tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Đó chính là sự bắt đầu của quá trình hợp tác kéo dài 30 năm qua trong lĩnh vực giải quyết hậu quả chiến tranh và cũng là khởi nguồn của mối quan hệ sau này được phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa hai nước.

Cho tới nay, chương trình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giải quyết hậu quả chiến tranh đã được mở rộng tới 8 tỉnh ở Việt Nam, trong đó có cả hỗ trợ những người khuyết tật do phơi nhiễm gián tiếp hoặc trực tiếp chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra, Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác hiệu quả trong nỗ lực xử lý những khu vực bị nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, đầu tiên là ở sân bay Đà Nẵng và hiện nay là khu vực sân bay Biên Hòa.

Đây là những dự án phức tạp về mặt kỹ thuật và khá tốn kém mà hai nước đã phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện. Trong thời gian qua, Hoa Kỳ cũng nhận được sự hỗ trợ lớn của Việt Nam trong việc tìm kiếm binh lính Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh và sự hợp tác này vô cùng quan trọng.

Theo ông Rieser, sắp tới, Hoa Kỳ sẽ lần đầu tiên thông qua Bộ Quốc phòng để hỗ trợ khoảng 2,5 triệu USD cho dự án MIA, giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh. Với nguồn tài trợ này, Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam tiếp cận các tài liệu quan trọng, giúp phân tích ADN, hỗ trợ trao đổi cựu binh và các cách thức mà Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam tìm kiếm và xác định được hài cốt bộ đội mất tích. Việt Nam đã giúp tìm kiếm nhiều binh lính Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam và giờ Hoa Kỳ mong muốn giúp Chính phủ Việt Nam để tìm kiếm hàng trăm nghìn bộ đội mất tích.

Đây được đánh giá là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng nhất mà Hoa Kỳ thực hiện trong chương trình giải quyết hậu quả chiến tranh với Việt Nam, bởi hầu hết các gia đình người dân Việt Nam đều ít nhiều bị ảnh hưởng của chiến tranh theo cách này hay cách khác và gần như gia đình nào cũng có người thân bị thương tật, thiệt mạng hay mất tích trong chiến tranh. Dự án MIA cho thấy trách nhiệm của Hoa Kỳ cũng như mong muốn của người dân nước này trong việc hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm bộ đội mất tích trong chiến tranh.

Theo ông Rieser, đây là những thành tựu hợp tác nổi bật giữa hai nước, không chỉ giúp làm vơi bớt nỗi đau mà người dân đang phải gánh chịu do hậu quả của chiến tranh, mà trên hết là mở ra cơ hội hợp tác lớn hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khác như an ninh, trao đổi giáo dục, khoa học, kinh tế, thương mại..

Trong bối cảnh hiện nay, ông cho rằng ưu tiên trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh của hai nước là tiếp tục tập trung hỗ trợ người tàn tật do tai nạn bom mình và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, làm sạch những vùng bị nhiễm chất độc da cam và tìm kiếm quân nhân mất tích. Điều này đã đạt được thống nhất cao trong nhiều cuộc gặp giữa Thượng nghị sĩ Patrich Leahy cùng các nghị sĩ khác với các quan chức Việt Nam.

Ngoài ra, hai bên cũng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác cho các vấn đề khác như an ninh, biến đổi khí hậu, năng lượng, lương thực, giáo dục, truyền thông và công nghệ. Đây là những lĩnh vực Hoa Kỳ có nhiều lợi thế có thể chia sẻ cùng Việt Nam.

Ông Rieser khẳng định dù Hoa Kỳ và Việt Nam có hệ thống chính trị khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất chính là nhận thức chung của hai nước đối với cách thức giải quyết hậu quả chiến tranh, mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai và giúp hai nước đạt được những thành tựu vượt xa những gì đã làm được cho tới thời điểm hiện nay.

Ông Rieser chia sẻ dù không tham gia chiến tranh, nhưng những người lính mà ông đã gặp và những gì ông đã chứng kiến ở Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam khiến ông hiểu rằng chiến tranh gây ra những đau thương và mất mát cho cả hai dân tộc. 35 năm gắn bó với công việc, đối với ông đó là cơ hội tuyệt vời để biết về văn hóa và con người Việt Nam. Đặc biệt, ông cảm thấy may mắn vì đã là một phần của công việc sửa chữa sai lầm của chiến tranh cũng như hàn gắn vết thương chiến tranh, giúp hai nước xích lại gần nhau hơn và phát triển mối quan hệ từ đau thương, mất mát, hận thù thành mối quan hệ hợp tác, thấu hiểu, cùng có lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục