Việt Nam đang ở giai đoạn tốt nhất để bùng nổ điện toán đám mây và AI

Các chuyên gia dự báo, trong 2-3 năm tới, điện toán đám mây sẽ thực sự bùng nổ tại Việt Nam và trở thành một nhân tố quan trọng cho việc phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam đang ở giai đoạn tốt nhất để bùng nổ điện toán đám mây và AI ảnh 1Hội thảo trực tuyến với chủ đề Lợi ích khi áp dụng điện toán đám mây cho AI (Trí tuệ nhân tạo) và phục hồi kinh doanh. (Ảnh: Hiệp hội Internet Việt Nam)

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo để giải quyết bài toán tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong thời đại của công nghệ. 

Thông tin trên được đưa ra tạn hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Lợi ích khi áp dụng điện toán đám mây cho AI (Trí tuệ nhân tạo) và phục hồi kinh doanh” do Hiệp hội Internet Việt Nam cùng với Google và Câu lạc bộ Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam tổ chức.

Điện toán đám mây và AI là xu hướng tất yếu

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đánh giá, năm 2020 là năm của điện toán đám mây bởi phần lớn lượng thông tin đều được số hoá.

Lượng thông tin bùng nổ khiến việc lưu trữ thông tin theo những phương pháp truyền thống không thể đáp ứng được yêu cầu hiện tại. Do đó, điện toán đám mây là xu hướng tất yếu của quá trình  phát triển.

Theo ông Liên, điện toán đám mây không đơn thuần chỉ là trung tâm dữ liệu mà còn là trung tâm của điều hành, vận hành của các tổ chức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp.

Các chuyên gia dự báo, trong 2-3 năm tới, điện toán đám mây sẽ thực sự bùng nổ tại Việt Nam và trở thành một nhân tố quan trọng cho việc phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, sử dụng điện toán đám mây cho AI và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đang là giải pháp mang tính xu hướng trên thế giới và cả Việt Nam.

[Việt Nam sẽ thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây]

Ông Trần Minh Khôi, đại diện Viettel IDC cho biết, doanh thu của các ứng dụng dựa trên nền tảng AI và nền tảng để các ứng dụng AI khai thác có thể tăng trưởng 33-35%/năm với doanh thu lên tới 120 triệu USD vào năm 2025. Trong khi đó cải tiến nghiệp vụ doanh nghiệp, nhận diện thương hiệu và nghiên cứu dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ dữ liệu tại Việt Nam có mức tăng trưởng 21-24% và có thể đạt doanh thu khoảng 160-180 triệu USD.

Ông Vũ Minh Trí, Tổng giám đốc Công ty VNG-Cloud, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điện toán đám mây Việt Nam nhận định Việt Nam đang ở giai đoạn tốt nhất dẫn tới sự bùng nổ về trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây do hội tụ ba yếu tố cơ bản.

Thứ nhất, số lượng dữ liệu mà Việt Nam hiện có đã đủ dùng để phân tích xu thế sẽ diễn ra trong tương lai. Thứ hai, mức độ sẵn sàng của điện toán đám mây có thể cung cấp được khả năng tính toán, xử lý dữ liệu dựa trên các mô hình được lập trình. Thứ ba, sự sẵn sàng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã được xây dựng trong thời gian qua từ cả những tập đoàn lớn ở nước ngoài và của Việt Nam.

Nhiều khó khăn khi triển khai AI và điện toán đám mây

Tuy có một tương lai đầy hứa hẹn nhưng việc làm chủ kiến thức, sự hiểu biết về AI và điện toán đám mây tại Việt Nam còn khá hạn chế. Theo báo cáo phát hành năm 2018 của Viettel IDC, tốc độ tăng trưởng của ngành cơ sở hạ tầng điện toán đám mây (IaaS) năm 2019 trên thế giới là 27,5%.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mức chi trung bình của mỗi doanh nghiệp cho điện toán đám mây chỉ khoảng 1,7 USD trong năm 2016, thấp hơn 100 lần so với Singapore, thấp hơn 6,5 lần so với Malaysia và thấp hơn 2,4 lần so với Thái Lan. Các chuyên gia chỉ ra thực tế, các doanh nghiệp còn ngần ngại khi ứng dụng AI.

Việt Nam đang ở giai đoạn tốt nhất để bùng nổ điện toán đám mây và AI ảnh 2Ảnh minh hoạ (Nguồn: techradar)

Bên cạnh đó, ông Trần Minh Khôi, đại diện Viettel IDC cũng chia sẻ, khó khăn khi triển khai các dịch vụ AI đó là sự thiếu hụt nhân tài, khả năng truy cập dữ liệu và chi phí phát triển đầu tư cho AI rất lớn.

Các chuyên gia trong hội thảo nhận định, trong bối cảnh nguồn lực các doanh nghiệp còn hạn chế, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và AI cần cần đưa ra các gói giải pháp để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được một cách tốt nhất.

Dẫn chứng cho điều này, ông Vũ Minh Trí chia sẻ, VNG Cloud xây dựng giải pháp đặc thù cho từng ngành. Doanh nghiệp có thể sử dụng các giải pháp sẵn có tích hợp sẵn AI, giải quyết các bài toán thực tế trong từng ngành cụ thể.

Trong khi đó, phía Viettel IDC cũng đưa ra các dịch vụ cung cấp từ hạ tầng cho tới quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Ông Vũ Minh Trí cũng đưa ra quan điểm, AI nên bắt đầu từ những điều nhỏ để làm sao đại chúng hóa được AI, càng dùng nhiều hơn thì sẽ càng có nhiều dữ liệu.        

Tại hội nghị, các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước cũng đã phân tích chi tiết, lấy ví dụ cụ thể và cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho việc phân tích, nhìn nhận, đánh giá, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng những đơn vị, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn, tiên phong đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và trong lĩnh điện toán đám mây và AI tại Việt Nam nói riêng đều là những doanh nghiệp có ý thức đối với cộng đồng và xã hội.

Những doanh nghiệp này không chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm mà còn hướng dẫn, hỗ trợ, chia sẻ, dẫn dắt sự phát triển của khách hàng trong những lĩnh vực công nghệ mới.

Đây đồng thời cũng là những doanh nghiệp có khả năng kích cầu tiêu dùng trong lĩnh vực ứng dụng, sử dụng công nghệ để thay đổi phương thức hoạt động, điều hành, quản lý, sản xuất của doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp, họ cần sản phẩm để phục vụ doanh nghiệp Việt và người Việt. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm, các doanh nghiệp cũng muốn tìm cơ hội kinh doanh với các công ty nước ngoài để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và cũng để tìm hiểu các công nghệ và ứng dụng tiên tiến có thể hỗ trợ hoạt động đạt hiệu quả cao cho chính doanh nghiệp của mình.

Các chuyên gia cũng đã chia sẻ những ứng dụng thiết thực giúp giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam; giúp các doanh nghiệp có thể tự vươn mình, thay đổi bản thân để tiếp cận với nhiều công nghệ mới của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục