Trung Quốc-Australia bước vào cuộc chiến thương mại 2.0?

Hơn một tháng kể từ khi Trung Quốc khởi xướng tranh chấp thương mại với Australia, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn vẫn không đáp lại bất kỳ cuộc gọi nào từ người đồng cấp Australia.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng scmp.com đưa tin, đã hơn một tháng kể từ khi Trung Quốc khởi xướng tranh chấp thương mại với Australia bằng cách tuyên bố áp thuế đối với lúa mạch và cấm thịt bò từ 4 công ty, và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn vẫn không đáp lại bất kỳ cuộc gọi nào từ người đồng cấp Australia, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham.

Trung Quốc lần đầu tiên đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà máy chế biến thịt lớn ở Queensland và New South Wales, trước khi xác nhận mức áp thuế 80,5% đối với hàng xuất khẩu lúa mạch của Australia sau khi kết thúc cuộc điều tra chống bán phá giá. Cả hai đều giáng những đòn mạnh vào các ngành công nghiệp của nhau.

Trong khi dường như việc xem xét thương mại hai chiều trị giá khoảng 235 tỷ AUD (161 tỷ USD) từ tháng 7/2018 đến tháng 6/2019 là đáng báo động, mối quan hệ Australia-Trung Quốc đã suy giảm ít nhất trong 5 năm qua.

Một mặt, thương mại giữa hai nước đã bùng nổ với mức tăng trưởng hơn 20% hàng năm trong giai đoạn năm 2018-2019, nhưng mặt khác, không có chuyến thăm cấp nhà nước của thủ tướng Australia tới Trung Quốc kể từ chuyến thăm của Malcolm Turnbull vào tháng 4/2016.

Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison đã không đến thăm Trung Quốc kể từ khi thay thế Turnbull vào tháng 8/2018, mặc dù Bộ trưởng Thương mại Birmingham đã tham dự Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc tại Thượng Hải vào tháng 11/2018.

Mối quan hệ đã biến dạng trong một thời gian, với những căng thẳng nổi lên, ngay cả trong chuyến thăm được mong đợi của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Sydney và Canberra vào đầu năm 2017.

Có thể thấy mối quan hệ Trung Quốc-Australia đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2007 khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia, đặc biệt là xuất khẩu khai thác mỏ, khuyến khích Đại sứ Trung Quốc khi đó tại Australia, Chương Quân Tái, nỗ lực đóng góp cho quan hệ hai nước.

Một sự cố nhỏ xảy ra vào năm 2008 khi Thủ tướng Kevin Rudd có bài phát biểu tại Đại học Bắc Kinh, được cho là đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng.

Trong khi điều đó không làm quan hệ với Trung Quốc xấu đi, với việc cả hai nước cuối cùng phải kêu gọi một cuộc đình chiến vào năm 2009, thương mại giữa hai bên tiếp tục tăng, dẫn đến một hiệp định thương mại tự do vào năm 2015.

Ngoài ra, Canberra thậm chí còn có một số quan điểm ủng hộ Bắc Kinh, bao gồm cả việc gia nhập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc điều hành, được thành lập vào tháng 12/2015 để hỗ trợ tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á.

Theo Tom Switzer, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu độc lập, điều này cũng bao gồm cả việc Australia cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin trong 99 năm và không tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông của Mỹ.

Ông Switzer nói: “Quãng thời gian tốt nhất trong hai thập kỷ- từ giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2010- Chính phủ Australia của cả Công đảng và đảng Bảo thủ đều hài hòa mối quan hệ với đối tác thương mại quan trọng nhất là Trung Quốc và đồng minh an ninh quan trọng nhất là Mỹ. Tôi thường tranh luận rằng Canberra đã khéo léo cưỡi hai con ngựa cùng một lúc. Vào năm 2014, chính phủ Australia và Trung Quốc đã đồng ý mô tả quan hệ hai nước là một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việc Washington khó chịu là điều dễ hiểu.”

Dù đồng minh lớn nhất của Australia là Mỹ có liên quan gì đến quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Australia hay không, những gì diễn ra sau đó không phản ánh sự tiến triển tự nhiên của hai nước đang tìm cách thúc đẩy mối quan hệ thương mại cởi mở hơn.

Năm 2015, sau khi Thủ tướng Malcolm Turnbull lên nắm quyền, người ta đã tiết lộ rằng cựu thượng nghị sỹ Australia Sam Dastyari đã nhận tiền từ tập đoàn Yuhu của Trung Quốc để giúp ủng hộ một dự luật, một động thái được cho là “làm suy yếu chính sách đối ngoại của Australia,” khi ông công khai bảo vệ chính phủ Trung Quốc từ chối tuân theo các phán quyết của tòa án quốc tế về Biển Đông.

Tập đoàn Yuhu do tỷ phú Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc thành lập. Tỷ phú này đã bị thu hồi thường trú tại Australia vào tháng 2/2019 do các cáo buộc can thiệp nước ngoài.

Điều này diễn ra vào thời điểm kinh tế Trung Quốc mở rộng sang Australia và nhiều nền kinh tế phương Tây khác - cả về đầu tư vào tài sản cũng như phát triển tài sản - đang bùng nổ.

Tiền Trung Quốc đã chảy nhanh vào bất động sản của Australia vào khoảng năm 2013 và tiếp tục tăng trong suốt thời kỳ bùng nổ giữa năm 2014 và 2018.

Điều này khiến các chủ đất địa phương cảm thấy lo lắng về việc mất đất vào tay những người mua Trung Quốc và đẩy giá nhà lên cao, điều cũng sẽ buộc họ rời khỏi thị trường.

Tập đoàn Yuhu là một phần của cơn sốt bất động sản, mua đất và khởi xướng các dự án bất động sản trong nước và thương mại.

[Căng thẳng với Trung Quốc, Australia tăng chi tiêu quốc phòng]

Từ thời điểm đó, một số phương tiện truyền thông Australia thường xuyên theo đuổi một câu chuyện chống Trung Quốc, cho rằng các hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã gia tăng, với một số thông tin truyền thông có động cơ tiếp tục đưa tin trong suốt thời gian bùng phát dịch COVID-19.

Vụ việc Dastyari đã dẫn đến việc thông qua một bộ luật mới của Australia nhằm ngăn chặn sự can thiệp nước ngoài vào năm 2018, ngay cả khi Turnbull phủ nhận nó nhắm vào Trung Quốc.

Trung Quốc-Australia bước vào cuộc chiến thương mại 2.0? ảnh 1Thịt bò được bày bán tại một cửa hàng ở Melbourne, Australia ngày 12/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông Switzer và Giám đốc Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc, James Laurenceson, chính phủ Turnbull, từ tháng 9/2015 đến tháng 8/2018, đã chứng kiến mối quan hệ lạnh nhạt nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ.

Ông Switzer nói: “Rất khó để xác định một bước ngoặt chính xác trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Australia xấu đi.”

Laurenceson nói, đó không chỉ là sự thay đổi chính sách và quan điểm của chính phủ Australia mà lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc là do sự nổi lên của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Vào năm 2017, Ngoại trưởng Julie Bishop cũng cảnh báo Bắc Kinh trong một bài phát biểu tại Singapore rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được tiềm năng đầy đủ trừ khi nước này ủng hộ nền dân chủ.

Huawei sau đó đã bị cấm cung cấp công nghệ 5G tại Australia, vài giờ trước khi Turnbull bị phế truất thủ tướng năm 2018. Giới học giả và những người theo dõi Trung Quốc cũng nói rằng Bắc Kinh không quên hoặc làm tốt những gì Turnbull đã làm trong năm 2017, khi ông "tái sử dụng" sai cách một khẩu hiệu nổi tiếng của Trung Quốc được Mao Trạch Đông sử dụng trong quá trình thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Mao Trạch Đông lần đầu tiên sử dụng cụm từ “Người dân Trung Quốc đã đứng lên”, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949 để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” và niềm tự hào dân tộc, nhưng Turnbull đã sử dụng nó để cố gắng nói với người Australia về việc “đứng lên” chống sự can thiệp nước ngoài của Trung Quốc.

Gareth Evans, Ngoại trưởng Australia từ năm 1988-1996, nói: “Không có nhiều dấu hiệu của [mối quan hệ Trung Quốc-Australia] đang phục hồi… có một số lý do khiến hành vi của Trung Quốc thực sự độc đoán hơn, thực tế họ đã quyết đoán hơn, hung hăng hơn và không thực hiện quyền lực mềm nữa.”

“Không phải là không có sự khiêu khích. Những lời lẽ của [Australia] đã leo thang, đôi khi vượt quá sức chịu đựng... một số khía cạnh về hành vi của chính phủ Australia là rất khiêu khích… những nhận xét của Malcolm Turnbull 3 năm trước về việc cần thiết phải 'đứng lên' không bị lãng quên ở Bắc Kinh.”

Trong một bước ngoặt mới nhất, tuần trước, cảnh sát liên bang Australia đã khám xét nhà và văn phòng của chính trị gia bang New South Wales Shaoquett Moselmane trong một cuộc điều tra mà Thủ tướng Morrison gắn với sự can thiệp nước ngoài được cho là Trung Quốc.

Moselmane cũng đã bị đình chỉ tư cách đảng viên Công đảng vào cuối tuần trước chỉ vài giờ sau khi lục soát, và đã rời khỏi Quốc hội.

Moselmane năm nay đã thu hút sự chỉ trích từ các chính trị gia vì ca ngợi phản ứng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, nhưng tuyên bố rằng quan điểm của ông về Trung Quốc là quan điểm mà bất kỳ người Australia nào cũng “được cho là có”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục