Cử tri An Giang lo về nguồn nước ô nhiễm và suy kiệt tài nguyên đất

Đại biểu HĐND An Giang chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và khai thác lớp đất mặt để sản xuất gạch tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong hai ngày 9 và 10/7, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiến hành Kỳ họp thứ XV.

Tại kỳ họp lần này Hội đồng Nhân dân tỉnh dành nhiều thời gian để lãnh đạo các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân đối thoại và trả lời chất vấn của cử tri về các vấn đề "nóng."

Đại biểu Hội đồng Nhân dân An Giang đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và khai thác lớp đất mặt để sản xuất gạch đang diễn ra trên địa bàn các huyện Châu Phú, Châu Thành và Chợ Mới.

Cử tri hai xã Bình Chánh và Bình Phú (huyện Châu Phú) lo ngại rằng nguồn nước tại khu vực này đang có dấu hiệu ô nhiễm-nước chuyển màu, gây ngứa da…

Cử tri muốn biết nguồn nước mà họ đang sử dụng có bị ô nhiễm hay không.

Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết: Kết quả quan trắc năm 2020 tại nơi hợp lưu giữa kênh Xáng Cây Dương và Kênh 13 (thuộc ranh giới hai xã Bình Phú và Bình Chánh) cho thấy nước đã bị ô nhiễm do các chất hữu cơ và vi sinh vật theo quy chuẩn nước sông dùng để cấp nước sinh hoạt.

Số liệu quan trắc thể hiện: lượng ôxy hòa tan thấp hơn quy chuẩn, hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt 2,2 lần; hàm lượng nhu cầu ôxy hóa học (COD) vượt 1,5 lần; hàm lượng phosphat vượt 2,2 lần; vi sinh vật (coliform) vượt 1,7 lần.

Theo ông Trí, nguồn nước ô nhiễm một phần do Dự án "Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú" và Dự án "Khu sản xuất giống cá tra ba cấp chất lượng cao Nam Việt Bình Phú" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (Công ty Nam Việt Bình Phú).

"Sở đã tổ chức kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại hai dự án này vào tháng 12/2019. Cuộc kiểm tra cho thấy, Công ty Nam Việt Bình Phú đã xây dựng các hạng mục công trình khi đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường," ông Trí cho biết.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, kết quả phân tích mẫu nước mặt các kênh 11, 12, 13, khu vực thuộc hai dự án của Công ty Nam Việt Bình Phú cho thấy, hầu hết các mẫu đều có thông số vượt so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép.

Hiện tại, nguồn nước mặt có dấu hiệu ô nhiễm.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty Nam Việt Bình Phú nhanh chóng có giải pháp xử lý nước thải phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản theo đúng quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, trong tháng 6/2020 sở đã kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại hai dự án của Công ty Nam Việt Bình Phú và hai dự án của công ty này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

[Khởi công dự án nuôi cá tra công nghệ cao với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng]

Hiện, Công ty Nam Việt Bình Phú đã xây dựng và bố trí các công trình xử lý chất thải (nước thải, bùn thải...) để xử lý nước thải phát sinh từ vùng nuôi trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

Ông Trí cho rằng Công ty Nam Việt Bình Phú chưa nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chậm trễ thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định.

Để giám sát chất lượng nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất và được Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương lắp đặt trạm quan trắc nước mặt liên tục tự động tại khu vực này.

Về tình trạng khai thác lớp đất mặt để sản xuất gạch ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành, Chợ Mới, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo: Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy, tình trạng khai thác lớp đất mặt diễn ra ở một số điểm ở các xã Nhơn Mỹ, Mỹ Hội Đông, An Thạnh Trung, Kiến An, Long Giang… (huyện Chợ Mới); các xã An Hòa, Cần Đăng, Hòa Bình Thạnh… (huyện Châu Thành), trong 6 tháng đầu năm 2020, sở đã phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương tổ chức 23 đợt kiểm tra, phát hiện 18 trường hợp vi phạm, chủ yếu ở địa bàn huyện Chợ Mới; xử phạt 12 trường hợp khai thác lớp đất mặt trái phép với tổng số tiền gần 164 triệu đồng.

Nhằm chấn chỉnh việc khai thác đất mặt đất nông nghiệp trái phép làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp như thông tin việc xử lý vi phạm về khai thác lớp đất mặt trái phép trên phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền trên địa bàn các xã có tình trạng vi phạm, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đất đai; Ủy ban Nhân dân cấp xã lập các chốt kiểm tra, giám sát 24/24 giờ nơi có tình trạng khai thác trái phép; tăng cường kiểm tra các bãi tập kết đất làm nguyên liệu để sản xuất, phương tiện vận chuyển đất lưu thông trên các tuyến đường giao thông; rà soát, nắm danh sách các người thường xuyên có hoạt động mua, bán lớp đất mặt để tuyên truyền, vận động.

Tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang đã biểu quyết thông qua 16 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân tỉnh như Nghị quyết về bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất tỉnh; Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung đối với người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định số lượng, chức danh và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khóm trên địa bàn tỉnh An Giang; Nghị quyết chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2021...

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang Võ Anh Kiệt đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo tăng trưởng hợp lý trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục