EU: "Bộ tứ tằn tiện" tỏ ra mềm mỏng hơn với quỹ phục hồi hậu COVID-19

Trước đó, bốn nước gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển cho biết họ muốn siết chặt gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro của châu Âu, vốn được dành chủ yếu cho các quốc gia khó khăn nhất ở miền Nam.
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Áo và Hà Lan, hai trong số bốn nước được gọi là "Bộ tứ tằn tiện" vốn luôn phản đối gói hỗ trợ phục hồi hậu COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU), mới đây đã cho thấy những dấu hiệu họ sẽ thể hiện lập trường “mềm mỏng” hơn tại cuộc họp sắp tới.

Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU sẽ gặp nhau tại một cuộc họp thượng đỉnh tổ chức tại Brussels vào tuần tới.

Cuộc họp này nhằm thống nhất ý kiến về kế hoạch cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (843 tỷ USD) cho các nước châu Âu để giải quyết những tác động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trước đây, bốn nước gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển cho biết họ muốn kiềm chế việc chi tiêu của châu Âu, vốn được dành chủ yếu cho các quốc gia nghèo khó nhất ở miền Nam.

[EU họp hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên từ khi dịch bùng phát]

“Bộ tứ tằn tiện” dứt khoát cho rằng các khoản vay có điều kiện khắc nghiệt nên là phương thức giải cứu được lựa chọn chứ không phải cái khoản tài trợ.

Song vào ngày 9/7, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte có vẻ đã “dịu giọng” hơn khi cho biết ông coi đề xuất về quỹ này là "rất quan trọng," miễn là có các điều kiện kèm theo các khoản tiền hỗ trợ.

Trước cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin, Thủ tướng Rutte nói rằng một quỹ hỗ trợ như vậy đi cùng với các chính sách cải cách để tất cả các quốc gia thành viên EU đều trở nên mạnh mẽ hơn.

Cũng trong ngày thứ Năm, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho hay nước này có thể ủng hộ gói viện trợ nếu có một số điều kiện gắn kèm, như bảo vệ khí hậu, cải cách và vấn đề pháp trị.

Được Đức và Pháp hỗ trợ, theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EC), quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro phải được nằm trong trong ngân sách giai đoạn 2021-2027.

Dự kiến 2/3 ngân sách của quỹ sẽ được huy động theo hình thức tài trợ, trong khi phần còn lại sẽ là từ các khoản vay dựa trên điều kiện mà các quốc gia có thể áp dụng.

Theo dự án của EC, các quốc gia nộp đơn đề nghị hỗ trợ sẽ phải đưa ra những mục tiêu về tài chính và các kế hoạch cải cách để đảm bảo nền kinh tế của họ thích ứng tốt hơn trong tương lai.

Hồi giữa tuần này, Thủ tướng Đức Merkel đã kêu gọi các nước EU thể hiện sự đoàn kết và vượt qua tình trạng chia rẽ sâu sắc hiện tại để có thể phê duyệt kế hoạch phục hồi hậu COVID-19 của khối vào mùa Hè này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục