Ngành dược phẩm toàn cầu đầu tư 1 tỷ USD cho kháng sinh thế hệ mới

Các tập đoàn dược phẩm cam kết đầu tư 1 tỷ USD trong việc nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh thế hệ mới để đối phó với vấn nạn kháng kháng sinh hiện nay.
Ngành dược phẩm toàn cầu đầu tư 1 tỷ USD cho kháng sinh thế hệ mới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Thinkstock)

Ngày 9/7, một nhóm 20 tập đoàn dược phẩm toàn cầu đã đưa ra cảnh báo rằng tình trạng kháng kháng sinh có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tồi tệ hơn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay

Các tập đoàn này cũng cam kết đầu tư 1 tỷ USD trong việc nghiên cứu và phát triển thuốc kháng sinh thế hệ mới để đối phó với vấn nạn này.

Theo Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế (IFPMA), nhóm 20 tập đoàn ủng hộ dự án trên, trong đó có các "đại gia" Pfizer, Roche và Bayer, nhấn mạnh kháng kháng sinh đang là cuộc khủng hoảng lớn toàn cầu có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng hơn dịch COVID-19 cả về số ca tử vong lẫn chi phí y tế.

Hiện mới chỉ có một vài thuốc kháng sinh thế hệ mới đang được xét duyệt do thiếu vắng thị trường tiềm năng. Ngoài ra, việc các thuốc kháng sinh mới được sử dụng một cách "dè xẻn" để bảo toàn tác dụng của nó cũng khiến nhiều công ty ngừng đầu tư vào sản phẩm này do thiếu tính bền vững về mặt thương mại. 

Do đó, nhóm công ty trên cam kết đầu tư 1 tỷ USD phục vụ cho công tác nghiên cứu và điều chế các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới với mục tiệu cung cấp cho thị trường tới 4 loại kháng sinh mới vào năm 2030.

Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào các công ty nhỏ, phát triển các phương pháp điều trị diệt khuẩn, phối hợp với các quỹ từ thiện, ngân hàng phát triển, các chính phủ và các tổ chức khác. 

Theo IFPMA, ước tính khoảng 700.000 người trên thế giới tử vong mỗi năm do kháng kháng sinh. Trong khi đó, một nghiên cứu của Anh cho thấy vi khuẩn kháng thuốc có thể khiến 10 triệu người tử vong/năm vào năm 2050.

Bất chấp tình trạng kháng kháng sinh gia tăng, nhiều hãng dược phẩm đã rời xa mảng nghiên cứu kháng sinh trong nhiều năm do không mang lại nhiều lợi nhuận.

Trong khi đó, thị phần những công ty công nghệ sinh học nhỏ, vốn sở hữu khả năng sản xuất những loại thuốc kháng sinh đầy hứa hẹn, đã giảm mạnh trong thời gian gần đây.

Theo nghiên cứu do Trung tâm Chính sách Y tế Margolis thuộc Đại học Duke (Mỹ) hồi năm 2017, chỉ 5 trong số 16 thuốc kháng sinh xuất hiện trên thị trường từ năm 2000 tới năm 2015 đạt doanh số thường niên từ 100 triệu USD trở lên.

Từ đó tới nay, phần lớn thuốc kháng sinh mà các hãng dược tung ra thị trường đều có doanh số èo uột. Một phần nguyên nhân là do những thuốc kháng sinh mới phải thường xuyên cạnh tranh với thuốc gốc (thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược hết hạn, nhờ đó thường có giá rẻ)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục