SJC vượt xa mốc 50 triệu đồng/lượng, có nên đầu tư mua vàng?

Theo đà tăng của vàng thế giới, đầu giờ sáng giao dịch ngày 9/7, giá vàng SJC bán ra vượt xa mốc 50 triệu đồng/lượng, có nơi bán ra rất cao ở mức 50,42 triệu đồng/lượng.

Chú thích ảnh
Trong vòng gần 10 năm trở lại đây, hiện nay lần đầu tiên giá vàng miếng bỏ xa mốc trên 50 triệu đồng/lượng. Ảnh: Doji.

Vàng thế giới tiếp tục tăng dữ dội và lần đầu tiên kể từ năm 2011 lên trên ngưỡng cản quan trọng 1.800 USD/ounce. Tới 8 giờ 30 sáng 9/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.808 USD/ounce. Theo đà tăng của vàng thế giới, đầu giờ sáng giao dịch ngày 9/7, giá vàng SJC bán ra vượt xa mốc 50 triệu đồng/lượng, có nơi bán ra rất cao ở mức 50,42 triệu đồng/lượng.

Cụ thể: Với mức giao dịch ngưỡng 1.808 USD/ounce, cao hơn 14 USD/ounce so với cùng thời điểm của phiên liền trước; tăng trên 41,0% (526 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Quy đổi theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới có giá 51,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, cao hơn khoảng 950.000 đồng so với giá trong nước.

Xu hướng tăng tiếp diễn do giới đầu tư thận trọng với chứng khoán và đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp; căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như những rủi ro lạm phát khi ngân hàng Trung ương và Chính phủ các nước được dự báo sẽ tiếp tục bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế. Chính vì vậy, vàng trong nước vẫn bám sát theo đà tăng của giá vàng thế giới.

Tại thị trường trong nước lúc 9 giờ sáng 9/7, giá vàng miếng trong nước được hệ thống Doji niêm yết ở mức 50,08 - 50,33 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng mua vào và tăng 100.000 đồng bán ra so với cuối phiên ngày 8/7. Còn tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC mua vào - bán ra ở mức 50,00 - 50,42 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng ở cả 2 chiều so với cuối phiên giao dịch 8/7.

Đại diện Doji cho biết, tính từ đầu tháng 7/2020 tới nay, lượng vàng bán ra tăng mạnh so với các tháng trước. Trong bối cảnh giá vàng trong nước vượt mốc 50 triệu đồng/lượng, lượng vàng ép vỉ Âu Vàng Phúc Long của Doji và vàng miếng Doji bán ra tăng khoảng 30% so với trung bình tháng trước.

Còn tại ngân hàng, vàng SJC giao dịch tại Vietinbank Gold niêm yết ở mức 50 - 50,4 triệu đồng/lượng tại Hà Nội, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng tăng 40.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 400.000 đồng/lượng. Tại MaritimeBank, giá vàng niêm yết ở mức 49,25 - 50,35 triệu đồng/lượng, ngang giá so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.

Theo đại diện Doji, trong khi nhiều người ồ ạt chốt lời, nhiều nhà đầu tư vẫn có tâm lý lưỡng lự, quan sát xu hướng để đưa ra quyết định chứ chưa dám gia nhập thị trường mạnh mẽ hơn bởi nhiều người lo sợ lịch sử của gần 9 năm trước sẽ lặp lại một lần nữa - sau khi chạm mức này vàng đã rớt giá rất mạnh.

Nếu như trước đây, mỗi khi giá vàng trong nước áp sát mức 49 triệu đồng/lượng, thị trường vàng gần như lên "cơn sốt", người người xếp hàng chờ mua vàng; chênh lệch mua - bán cũng bị kéo giãn lên mức hàng triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, thị trường vàng hiện vẫn “nguội” dù một số công ty vàng đã thu hẹp chênh lệch giá mua - bán để kích thích sức mua. 

Một số cửa hàng vàng trên phố Hàng Bạc (Hà Nội) chia sẻ: Mấy ngày nay, khá nhiều khách hàng quen đã gọi điện liên tục cập nhật giá vàng nhưng vẫn tỏ ra lưỡng lự, nghe ngóng chứ chưa có giao dịch đầu tư phát sinh. Bên cạnh đó, giá chênh lệch mua vào, bán ra vẫn cao nên người mua vàng chần chừ.

Chủ tịch Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), ông Trần Thanh Hải đánh giá: Giá vàng miếng SJC hiện không hề có “bong bóng” như hồi năm 2011 khi đang bám sát giá thế giới. Với mức tăng 18 - 20% tính từ đầu năm đến nay, vàng đã vượt xa hẳn các kênh đầu tư khác như chứng khoán, gửi lãi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp...

Theo ông Trần Thanh Hải, giá vàng thế giới dù đã vượt 1.800 USD/ounce nhưng vẫn chưa chạm mức giá lịch sử đã xác lập vào năm 2011 ở 1.923 USD/ounce do đó còn dư địa tăng. Vàng trong nước liên tục bám sát thế giới nên những người có kiến thức về vàng, thời gian cũng như tài chính có thể tham gia trong ngắn hạn từ nay đến tháng 8/2020.

“Sức khỏe của các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nhiều thì chứng khoán rất khó hấp dẫn. Ngược lại, giá vàng vượt qua mức cản tâm lý 1.800 USD/ounce, lực cầu trên thị trường xuất hiện nhiều hơn đã thu hút vốn chảy từ thị trường chứng khoán. Nhưng cần lưu ý vàng có thể đảo chiều khi có vắc-xin chống dịch COVID-19 và chặn đứng được đà lây lan trên thế giới; cũng như những thông tin về tranh cử tổng thống Mỹ và chính sách hoạch định kinh tế của nước này sẽ có sự thay đổi khi một người khác lên”, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo.

Một số chuyên gia tài chính cho rằng: Với vùng 50 triệu đồng/lượng, rủi ro với nhà đầu tư tham gia thị trường vàng trong ngắn hạn là rất lớn. Vì mua vàng đang ở mức đỉnh, chỉ cần giá đứng im thì nhà đầu tư cũng lỗ vì giữ vàng không có lãi - khoản lãi duy nhất từ vàng hiện nay là phải tăng giá. Trong khi gửi tiết kiệm, mua cổ phiếu, trái phiếu… đều có lợi tức. Do đó, đầu tư vàng thời điểm này chỉ nên dành cho những nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi hoặc mua để dành trong thời gian dài như gửi tiết kiệm.

"Cơ hội lướt sóng vàng gần như không có, đặc biệt với thị trường Việt Nam. Nếu có xu hướng nhà đầu tư ở các kênh khác như chứng khoán, bất động sản… chuyển sang vàng cũng rất ít, trong bối cảnh chính sách quản lý thị trường vàng chặt chẽ của Việt Nam hiện nay. Chưa kể, vàng đã tăng giá từ năm 2018 đến nay và mua bán vàng vật chất với số lượng lớn thời điểm này cũng không dễ dàng như trước”, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nói.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Giá vàng lập đỉnh mới: Người dân vẫn thờ ơ
Giá vàng lập đỉnh mới: Người dân vẫn thờ ơ

Ngày thứ 2 sau khi giá vàng lập đỉnh lịch sử, thị trường vàng trong nước vẫn yên ắng và người dân tỏ ra thờ ơ với kim loại quý này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN