Sức mạnh thay đổi thế giới của những phong trào đường phố

Năm 2019, trên toàn cầu có tổng số 65 cuộc biểu tình có từ 50.000 người tham gia trở lên, bùng phát tại 45 quốc gia; gần một nửa các cuộc biểu tình trong số này đã đạt được những thành công nhất định.
Người dân tham gia biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ ngày 19/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân tham gia biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ ngày 19/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạp chí IPG đưa tin, các cuộc biểu tình rầm rộ, cho dù là bất bạo động hay bạo động, đều đã làm thay đổi thế giới trong thập kỷ qua. Liệu các làn sóng biểu tình sẽ chấm dứt?

Điều này hầu như khó có thể trông đợi.

Các cuộc biểu tình rầm rộ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd ở thành phố Minneapolis (Mỹ) đã cho thấy sự bình yên trong lòng xã hội mong manh đến nhường nào, ngay cả đối với các nước công nghiệp phát triển phương Tây.

Đồng thời, các cuộc biểu tình cũng cho thấy rằng chúng hoàn toàn có khả năng làm thay đổi chế độ chính trị hiện hành ở một đất nước.

Chúng cũng đại diện cho một xu hướng lớn của thập kỷ vừa qua, đó là sự gia tăng các phong trào phản kháng trên toàn thế giới - thứ đang bị gián đoạn tạm thời do ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội mà chính phủ các nước đang áp đặt để phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).

Các cuộc biểu tình năm 2019 không phải là "ngoại lệ" như thường được tuyên bố, mà nó là một phần của sự phát triển dài hạn làn sóng này.

Chúng ta đã trải qua một thập kỷ của các cuộc biểu tình với các mục tiêu vô cùng đa dạng, bao gồm từ các cuộc biểu tình rầm rộ trong thế giới Arab (bắt đầu từ năm 2011) đến cuộc biểu tình (và biểu tình phản đối biểu tình) của phong trào chống Hồi giáo Pegida ở Đức (từ năm 2014), cuộc biểu tình Gezi ở Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2013) đến các hiện tượng biểu tình xuyên quốc gia như phong trào Chiếm đóng (Occupy- năm 2011) hoặc các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Do những biện pháp hạn chế di chuyển, hội họp và tiếp xúc mà các nước trên thế giới đã và đang triển khai quyết liệt để ngăn chặn đại dịch COVID-19, làn sóng biểu tình rộng khắp này đã tạm thời dừng lại.

Nhưng các cuộc biểu tình ở Mỹ nhằm chống phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát cũng như biểu tình tại các quốc gia khác diễn ra gần đây cho thấy rằng việc chấm dứt làn sóng này gần như không thể, bởi tất cả các cuộc biểu tình đều có nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của nó.

Một báo cáo từ các viện nghiên cứu hòa bình hàng đầu ở Đức cho thấy, năm 2019 trên phạm vi toàn cầu có tổng số 65 cuộc biểu tình có từ 50.000 người tham gia trở lên, bùng phát tại 45 quốc gia.

Gần một nửa các cuộc biểu tình trong số này đã đạt được những thành công nhất định.

Sự hỗ trợ của đông đảo các tầng lớp dân chúng và sự huy động xã hội dài hạn là yếu tố rất quan trọng làm nên thành công của các cuộc biểu tình.

Một ví dụ điển hình cho điều này là trường hợp Algeria. Các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Abdelaziz Bouteflika tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 sau 20 năm nắm quyền đã diễn ra từ giữa tháng 2/2019 và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng trên toàn quốc.

Ngoài sự hỗ trợ của đa số dân chúng, sự kiên trì của những người biểu tình cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của cuộc biểu tình.

Một số cuộc biểu tình khác tuân thủ các quy định của luật pháp nước sở tại (ví dụ như các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu ở Australia) hoặc bị chính phủ "phớt lờ" (ví dụ như các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Serbia).

Triển vọng thành công của nhiều cuộc biểu tình là rất đáng chú ý vì chúng thường tác động đến tất cả các khuynh hướng chính trị cũng như tâm lý của xã hội.

Đại đa số các phong trào phản kháng xã hội diễn ra tại các quốc gia dân chủ (48 trong tổng số 65 cuộc biểu tình có trên 50.000 người tham gia trở lên), báo cáo của các viện nghiên cứu hòa bình hàng đầu ở Đức cho biết.

Có thể kể đến như các cuộc biểu tình rầm rộ ở Chile, Indonesia, Tunisia; biểu tình chống Brexit ở Anh hay biểu tình chống biến đổi khí hậu ở nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, tại một loạt quốc gia độc tài như Sudan hay Iran, người dân cũng rầm rộ xuống đường biểu tình (năm 2019), bất chấp những mối đe dọa về tính mạng hay thân thể có thể xảy đến ngay tức thì.

Các điều kiện kinh tế, xã hội cũng như các quy định của chính quyền không được người dân đồng tình đóng một vai trò nổi bật trong các phong trào phản kháng năm 2019.

[Anh: Đâm dao gây thương vong khi biểu tình ở thành phố Reading]

Ở Chile, việc chính quyền tăng giá vé giao thông công cộng cùng với chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng đã làm bùng phát làn sóng biểu tình phản đối.

Ở Ecuador là việc bãi bỏ các khoản trợ cấp giá nhiên liệu; ở Liban là do các loại thuế được áp dụng đối với xăng, thuốc lá và các cuộc gọi điện trực tuyến như thông qua ứng dụng WhatsApp trong điều kiện khủng hoảng kinh tế xã hội của đất nước; còn ở Sudan là việc bãi bỏ trợ cấp lương thực, thực phẩm.

Cộng đồng quốc tế cần cung cấp sự hỗ trợ về chính trị cũng như kinh tế, đặc biệt là đối với các cuộc biểu tình chống lại chế độ độc tài để chuyển sang chế độ dân chủ đã diễn ra thành công (rất hiếm).

Các "cuộc cách mạng" này cần được nhận ra một cách nhanh chóng để có thể thúc đẩy và hợp pháp hóa chúng. Sự can thiệp từ bên ngoài, một mặt phải luôn có sự đối thoại với chính phủ nước đó, mặt khác cần hỗ trợ tối đa cho các lực lượng xã hội dân sự trong các cuộc biểu tình.

Đại bộ phận người dân tham gia các cuộc biểu tình năm 2019 mang tính chất biểu tình ôn hòa, nhưng những vụ bạo lực vẫn thường xuyên xảy ra, có thể dưới hình thức đàn áp của các lực lượng an ninh nhà nước hoặc bạo lực từ chính các bên tham gia biểu tình.

Lực lượng an ninh của nhà nước thường cố gắng sử dụng vũ lực để đàn áp những người biểu tình, đặc biệt là trong các chế độ độc tài, chẳng hạn như trong các cuộc biểu tình ở Ai Cập năm 2019.

Nhưng ngay cả tại các nền dân chủ - ví dụ Chile, Colombia hoặc ở Mỹ hiện nay - việc lực lượng an ninh sử dụng bạo lực quá mức để đàn áp người biểu tình là không tương xứng với mức độ của cuộc biểu tình, điều này đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích gay gắt.

Liệu các nhân tố bên ngoài có thể giúp ngăn chặn các cuộc biểu tình leo thang thành bạo loạn? Tất nhiên là có.

Ví dụ như trong các cuộc biểu tình tại Sudan năm 2019, Liên minh châu Phi (AU) một mặt đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt đối với chính phủ nước này, mặt khác đứng ra làm trung gian hòa giải và tổ chức các cuộc đối thoại giữa các bên.

Điều này đã mang lại thành công. Liên minh châu Âu (EU) và Đức có thể học hỏi cách thức này.

Chiến lược giải quyết vấn đề không nên chỉ giới hạn trong việc lên án sự đàn áp của nhà nước đối với những người biểu tình mà còn phải bao gồm nhiều biện pháp khác.

Đặc biệt, sự hỗ trợ các cuộc đối thoại với mục tiêu cụ thể, các chương trình đào tạo về biểu tình bất bạo động cũng như quy tắc kiểm soát hành động bạo lực của lực lượng an ninh có thể sẽ góp phần ngăn chặn bạo lực, thúc đẩy biểu tình ôn hòa.

Một điều quan trọng không kém, đó là cần hỗ trợ tối đa về chính trị và tài chính cho các cuộc biểu tình thúc đẩy cải cách dân chủ, nhưng các nhà tài trợ không nên đặt ra các điều kiện quá lớn.

Trong trường hợp lực lượng an ninh nhà nước sử dụng bạo lực quá mức đàn áp người biểu tình, việc đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt sẽ trở nên hợp pháp và cần phải được tính đến.

Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này cần tránh đẩy nhà cầm quyền và giới tinh hoa tại quốc gia đó vào chân tường. Bởi vì sau đó, những người cầm quyền và những người ủng hộ chế độ sẽ liên kết với nhau một cách vững chắc hơn nhằm chống lại áp lực từ bên ngoài, dẫn đến việc giải quyết xung đột thông qua biện pháp hòa bình trở nên khó khăn hơn.

Cách thức mà phương Tây ủng hộ lực lượng đối lập ở Venezuela chống lại chế độ độc tài của Tổng thống Nicolas Maduro là một ví dụ, nó đã khiến chỉnh phủ Maduro đóng cửa hoàn toàn với bên ngoài.

Việc nhiều quốc gia công nhận tư cách Tổng thống Venezuela đối với Juan Guaidó đã giúp ích cho sự tuyên truyền của chính phủ, rằng các cuộc biểu tình đã bị phương Tây và nước ngoài kiểm soát.

Rốt cục, khả năng hòa giải quốc tế đối với cuộc tranh chấp này gần như bị vô hiệu hóa.

Sự suy giảm số lượng các cuộc biểu tình lớn do đại dịch COVID-19 dường như chỉ là một hiện tượng tạm thời.

Sự bất ổn gần đây ở Mỹ, Pháp và Brazil đã khẳng định điều đó. Do đó, đã đến lúc chính phủ Đức cần phải coi trọng thách thức này hơn trong các chính sách ngoại giao và phát triển.

Chính phủ liên bang nên chủ động hơn trong lĩnh vực ngoại giao, như đã làm trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi ở Sudan. Đặc biệt, tất cả các nhóm xã hội dân sự nên được coi là một phần của quá trình dân chủ hóa sau các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Tuy nhiên, Chính phủ Liên bang cũng có thể đẩy mạnh các nỗ lực của mình trong viện trợ phát triển và thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhanh chóng, có mục tiêu để bảo đảm quá trình chuyển đổi diễn ra một cách chắc chắn, trên cơ sở sự thành công của các phong trào biểu tình dân chủ hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục