Ngành khách sạn thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trầm trọng

Theo Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam, ngành khách sạn Việt Nam đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân sự chất lượng cao. Mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động, trong khi lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm.

Ngày 8/7, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các đơn vị đã tổ chức hội thảo công bố, phát động chương trình “Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn”.

Chú thích ảnh
Các đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường, Hiệp hội du lịch Việt Nam kí kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực quốc tế cho ngành quản trị khách sạn.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam, cho biết những năm gần đây, Việt Nam luôn được đánh giá là thị trường phát triển bậc nhất về ngành khách sạn tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, ngành khách sạn Việt Nam đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân sự chất lượng cao. Trong khi đó, chương trình đào tạo nhân lực ngành khách sạn vẫn thiên về lý thuyết hơn thực hành, sinh viên ra trường vẫn yếu về ngoại ngữ, thiếu kinh nghiệm thực tế…

“Cụ thể, các trường đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế bởi hết 4 năm đại học, có 85% thời gian của sinh viên vẫn tập trung cho việc học lý thuyết, chỉ có 15% là tập trung học thực hành. Trong khi tại các nước phát triển, sinh viên chỉ dành 15% thời gian cho việc học lý thuyết, còn lại 85% là đi học việc tại thực tế. Vì thế, nhiều sinh viên Việt Nam khi ra trường chuyên môn, nghiệp vụ yếu, không có kinh nghiệm, vốn ngoại ngữ hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong tìm việc tại các khách sạn 4-5 sao theo chuẩn quốc tế”, GS.TS Đào Mạnh Hùng nói.

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện Việt Nam có hơn 120 khách sạn 5 sao, 270 khách sạn 4 sao, khoảng 500 khách sạn 1-3 sao với gần 35.000 phòng. Mặc dù các khách sạn đã cố gắng thu hút, đào tạo và hoàn thiện đội ngũ nhân sự quản lý cao cấp nhưng các khách sạn vẫn gặp khó về nguồn nhân lực này. Đặc biệt, các khách sạn xa trung tâm luôn tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng. Trong khi đó, nhân lực ngành khách sạn Việt Nam lại tồn tại nghịch lý, đó là đội ngũ nhân lực có chất lượng ngành quản trị khách sạn thiếu trầm trọng thì những người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên lại đang dư thừa.

Chú thích ảnh
Sinh viên ngành khách sạn đang thực hành sắp xếp đồ dùng trong các phòng khách sạn.

Ông Huỳnh Trung Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Imperial, cho biết với sự tăng trưởng đột biến của du lịch Việt Nam, những năm gần đây có hàng nghìn phòng có tiêu chuẩn 4-5 sao được đưa vào khai thác phục vụ du khách. Kéo theo đó, các khách sạn 4-5 sao cũng cần hàng chục nghìn nhân sự có chuẩn nghề chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ quản trị khách sạn. Thế nhưng, vừa qua đơn vị đã "đỏ mắt" tìm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của Tập đoàn  nhưng vẫn khó có đủ nguồn nhân lực theo yêu cầu.

Theo ông Huỳnh Trung Nam, để giải quyết bài toán thiếu nhân lực chất lượng cao ngành khách sạn, trước mắt các đơn vị cần liên kết, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp để hiện thực hóa khóa đào tạo ngắn hạn tại các cơ sở khách sạn đã được chuẩn hóa quốc tế, từ đó mới có chuẩn đầu ra quốc tế, đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường và khu vực. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần cam kết đồng hành tham gia triển khai các khóa đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thị trường, góp phần định vị niềm tự hào của thương hiệu du lịch Việt Nam.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Du lịch nội địa phục hồi nhanh, mang đến hình ảnh Việt Nam năng động
Du lịch nội địa phục hồi nhanh, mang đến hình ảnh Việt Nam năng động

Sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đã bắt đầu khởi động trở lại từ đầu tháng 5 và có tăng trưởng trong những tháng gần đây. Một loạt các địa phương, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục ngành du lịch, mang đến một hình ảnh Việt Nam năng động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN