Indonesia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất

Indonesia ghi nhận thêm 1.853 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 68.079 ca.
Indonesia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất ảnh 1Kiểm tra thân nhiệt của học sinh tới dự kỳ thi đại học ở Limo, Tây Java, Indonesia, ngày 6/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang worldometers.info, tính đến 17h ngày 8/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 11.976.310 ca nhiễm COVID-19, trong đó 547.142 ca tử vong, 6.920.841 ca phục hồi.

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất

Ngày 8/7, Indonesia ghi nhận thêm 1.853 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 68.079 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất ở Indonesia. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 50 ca lên 3.359 ca.

Dịch bệnh khiến tiêu dùng bị đình trệ, theo đó doanh thu bán lẻ tại Indonesia trong tháng Năm vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm.

Một cuộc khảo sát do Ngân hàng trung ương Indonesia tiến hành cho thấy doanh thu bán lẻ của nước này trong tháng Năm đã giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008, và giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 16,9% trong tháng Tư. Trong đó, doanh thu từ các sản phẩm thời trang và hoạt động giải trí giảm sâu nhất.

Theo dự báo, đà giảm này sẽ chậm lại ở mức 14,4% trong tháng Sáu. Trong khi đó, lĩnh vực hàng hóa của nền kinh tế đã dần phục hồi kể từ tháng Sáu, trong bối cảnh các trung tâm mua sắm mở cửa trở lại, cùng với việc tuân thủ các biện pháp hạn chế.

Lào quy định người xuất cảnh phải có chứng nhận âm tính với virus

Cùng ngày, báo Vientiane Times cho biết Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 của Lào vừa ra thông báo cho biết mọi cá nhân, kể cả người nước ngoài và công dân Lào, khi xuất cảnh khỏi nước này sẽ phải trình chứng nhận y tế có kết quả âm tính với COVID-19.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giấy chứng nhận y tế đối với du khách, báo trên dẫn lời Phó Giám đốc bệnh viện Mittaphab (Hữu nghị), Tiến sỹ Vangnakhone Dittaphong cho biết có rất nhiều điểm kiểm tra y tế ở các nước và nhà chức trách sẽ yêu cầu du khách trình các chứng nhận y tế từ quốc gia khởi hành. Những người không có chứng nhận y tế hợp pháp có thể bị các quốc gia đích đến từ chối cho nhập cảnh.

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất ảnh 2Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Vientiane, Lào. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Tiến sỹ Vangnakhone, để được cấp chứng nhận y tế, những người muốn xuất cảnh Lào phải đến các bệnh viện được chỉ định tại Lào để xét nghiệm COVID-19 và phải trả phí.

Tại thủ đô Vientiane, bệnh viện Mittaphab, bệnh viện Mahosot, Viện Pasteur là các cơ sở y tế có thẩm quyền cấp chứng nhận y tế liên quan COVID-19.

Tuy nhiên, những trường hợp có các biểu hiện như ho, sốt, đau họng hoặc có vấn đề về hô hấp hoặc đã có tiền sử tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ không được cấp chứng nhận y tế.

Campuchia dành hơn 1 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế-xã hội

Tại Campuchia, Quốc vụ khanh phụ trách Kinh tế và Tài chính Vongsey Vissoth thông báo chính phủ nước này đã quyết định phân bổ 1,16 tỷ USD để giải quyết các tác động kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19. Trong đó, 564 triệu USD dành cho hỗ trợ y tế và xã hội, 600 triệu USD dùng để hỗ trợ kinh tế thông qua việc cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Campuchia đã chi 364 triệu USD để hỗ trợ kinh tế và xã hội.

Ông Vissoth nêu rõ gói kích thích trên không bao gồm giãn thuế cho các công ty bị ảnh hưởng, đặc biệt trong các ngành may mặc và du lịch.

[Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay]

Theo Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề lao động Campuchia Heng Sour, đại dịch đã khiến xuất khẩu các sản phẩm may mặc, giày dép, hàng hóa du lịch của nước này giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020. Trong hai quý đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng này đạt 3,78 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch là lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Campuchia, với khoảng 750.000 lao động, 1.100 nhà máy và các chi nhánh.

Tính tới thời điểm này đã có 45 nhà máy may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch ở Campuchia phải ngưng hoạt động do dịch bệnh. Trong khi đó, ước tính gần 3.000 cơ sở liên quan đến ngành du lịch đã phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, ảnh hưởng đến 45.405 lao động.

Theo Bộ Y tế Campuchia, nước này đã ghi nhận tổng cộng 141 ca mắc COVID-19, trong đó 131 bệnh nhân đã bình phục và 10 người đang điều trị trong bệnh viện.

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong ngày cao nhất ảnh 3Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi chờ xe buýt tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản ngày 8/7 thông báo trong 24 giờ qua, đã ghi nhận thêm 75 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm bệnh ở Tokyo giảm xuống còn hai con số trong vòng bảy ngày qua.

Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại địa phương này là hơn 7.000, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca mắc bệnh trên toàn Nhật Bản.

Thủ đô Tokyo đang phải đối phó với số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào cuối tháng Năm.

Dù tốc độ gia tăng lây nhiễm tại Nhật Bản đã chậm lại, nhưng số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo đã tăng trở lại sau mức tăng kỷ lục 206 ca được ghi nhận vào ngày 17/4 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục