Sẽ xử lý căn bản các loại 'rác viễn thông' vào cuối năm 2020

Đây là chia sẻ từ Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm về vấn đề xử lý SIM rác và các loại rác viễn thông khác tại Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu 2020 của Bộ.
Sẽ xử lý căn bản các loại 'rác viễn thông' vào cuối năm 2020 ảnh 1Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phan Tâm tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 6/7 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 66 điểm cầu. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị. 

Sẽ xử lý căn bản "rác viễn thông"

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết vấn đề SIM "rác" cũng như những loại "rác viễn thông" phát sinh như tin nhắn "rác", cuộc gọi "rác" sẽ được cơ quan chức năng xử lý căn bản vào cuối năm 2020.

"Đến hết năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý căn bản các loại 'rác viễn thông', tiếp tục thanh tra diện rộng, chấn chỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp nếu còn tiếp diễn tình trạng SIM 'rác' trên thị trường", Thứ trưởng Tâm nhấn mạnh.

Việc dọn "rác viễn thông" cũng sẽ mở đường cho những dịch vụ viễn thông mới như Mobile Money đang sắp được triển khai thí điểm.

Trước đó từ 1/7, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone triển khai giải pháp công nghệ để lọc và cắt liên lạc các thuê bao phát tán cuộc gọi 'rác'.

Sẽ xử lý căn bản các loại 'rác viễn thông' vào cuối năm 2020 ảnh 2(Ảnh minh họa)

Theo công văn mới từ Cục Viễn thông về việc thực hiện ngăn chặn cuộc gọi 'rác' gửi các nhà mạng, cơ quan này đã đưa ra nhiều giải pháp để phối hợp cùng nhà mạng triệt tiêu tình trạng phát tán cuộc gọi 'rác' gây ảnh hưởng tới người dùng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất người dùng sẽ nhập số chứng minh nhân dân một lần khi nạp thẻ để cập nhật thông tin thuê bao. Đây là động thái nhằm siết quản lý SIM 'rác' cũng như cập nhật lại thông tin thuê bao chính chủ.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhưng ngành thông tin và truyền thông đã hoàn thành mục tiêu kép đề ra trên cả 6 lĩnh vực quản lý nhà nước, gồm: Bưu chính; viễn thông; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp ICT; báo chí tuyên truyền.

Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết bưu chính đã duy trì đảm bảo giao thương thông suốt hàng hoá, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tổng sản lượng gói, kiện đạt trên 377 triệu, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Sẽ xử lý căn bản các loại 'rác viễn thông' vào cuối năm 2020 ảnh 3(Ảnh: PV/Vietnam+)

Hoạt động trên không gian mạng tăng lên nhưng số lượng cuộc tấn công mạng giảm 26% so với 6 tháng cuối năm 2019; giảm 27,1% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019.

Doanh thu an toàn an ninh mạng 6 tháng đầu năm đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cùng kỳ so 6 tháng đầu năm 2019; trong đó doanh thu sản phẩm nội địa so với doanh thu nhập khẩu tăng từ 37,2% năm 2019 lên 50,8% vào tháng 6/2020.

Công nghiệp ICT đặt dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển khi Việt Nam chủ động đầu tư nghiên cứu, sản xuất các thiết bị mạng 5G và thiết bị đầu cuối 5G; thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên thiết bị 5G Make in Việt Nam và dự kiến một số thiết bị 5G đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam sẽ được thương mại hóa vào cuối năm 2020.

Về lĩnh vực viễn thông, hạ tầng viễn thông thế hệ mới hay còn gọi là hạ tầng số bao gồm: Hạ tầng viễn thông băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây là hạ tầng quan trọng nhất của kinh tế số.

[Phó Thủ tướng: Việt Nam kiên trì mục tiêu chiến lược chuyển đổi số]

Trong tháng 7/2020, Bộ cũng sẽ cho triển khai thử nghiệm thiết bị 5G Việt Nam và tiến tới triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G sử dụng thiết bị Việt Nam vào tháng 10/2020.

Để thực tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã  yêu cầu các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của bộ, ngành và địa phương tham mưu cho các bộ, ngành và địa phương ra nghị quyết chuyên đề của cấp uỷ và chiến lược chuyển đổi số của cấp chính quyền, ngay trong năm 2020 này. Các cục và trung tâm công nghệ thông tin của các bộ ngành đề xuất bổ sung thêm nhiệm vụ và nghiên cứu phương án đổi tên thành cục chuyển đổi số hoặc trung tâm chuyển đổi số.

Các bộ, ngành và địa phương đặt mục tiêu đưa dịch vụ công lên trực tuyến đạt 100% mức độ 4, chậm nhất là năm 2021; hỗ trợ 100% các địa phương triển khai nền tảng kết nối liên thông dữ liệu (LGSP); hỗ trợ 100% các hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan chính quyền phải thực hiện bảo vệ 4 lớp, ngay trong năm 2020 này.

Từ nay đến hết năm 2020, bộ hỗ trợ hướng dẫn để 100% các địa phương lập kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới; nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng thụ động lên 17-20%.

Bộ cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp sản xuất smartphone và các doanh nghiệp công nghệ số nói chung hợp tác để đảm bảo mỗi người dân sẽ có 1 máy điện thoại thông minh. Mỗi gia đình có 1 đường cáp quang, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.

Sẽ xử lý căn bản các loại 'rác viễn thông' vào cuối năm 2020 ảnh 4Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị sơ kết. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay trong năm 2020, Bộ sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm các tỉnh, thành phố.

Với phương châm hành động “biến nguy thành cơ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định “Không vì đại dịch mà giảm chỉ tiêu tăng trưởng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục