COVID-19 đến 21h ngày 3/7: Số ca nhiễm vượt ngưỡng 11 triệu người

Trong khi Bắc Kinh tuyên bố đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm của ổ dịch virus SARS-CoV-2 mới bùng phát thì tình hình dịch bệnh của Ấn Độ vẫn rất phức tạp với 20.903 ca nhiễm mới trong ngày.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/7/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/7/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng thống kê worldometers.info, tính đến 21 giờ ngày 3/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 11.032.173 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 525.120 ca tử vong.

Trung Quốc tuyên bố kiểm soát được nguồn lây bệnh COVID-19 ở Bắc Kinh

AFP đưa tin giới chức trách thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 3/7 thông báo Bắc Kinh đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm của ổ dịch virus SARS-CoV-2 mới bùng phát và sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở hầu hết những cụm dân cư vào giữa đêm, nhiều tuần sau làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát ở thủ đô của Trung Quốc.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn Cục Công an thành phố Bắc Kinh, ông Phan Tự Hoành cho biết toàn bộ người dân sinh sống ở những khu vực nội đô được đánh giá là "ít nguy cơ" có thể được rời khỏi Bắc Kinh mà không cần kết quả xét nghiệm âm tính với virus, bắt đầu từ ngày 4/7.

Theo ông Phan, chiến dịch tấn công và truy quét (virus) quy mô lớn của Bắc Kinh "đã chặn đứng hiệu quả các nguồn lây nhiễm" với ít hơn 3 ca bệnh được phát hiện mỗi ngày trong những ngày gần đây.

COVID-19 đến 21h ngày 3/7: Số ca nhiễm vượt ngưỡng 11 triệu người ảnh 1Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 28/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thông báo trên được đưa ra sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ một số lệnh phong tỏa được áp đặt do khi phát hiện hàng trăm ca bệnh liên quan tới một khu chợ đầu mối hồi tháng 6, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng virus mới.

Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới cao kỷ lục

Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ sáng 3/7 công bố số liệu cho thấy nước này ghi nhận 20.903 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua.

Đây là mức tăng theo ngày cao kỷ lục, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 625.544, trong đó có 18.213 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh tại Ấn Độ là Maharastra với 186.626 ca, Tamil Nadu 98.392 ca, Delhi 92.175 ca và Gujarat 33.913 ca.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Amit Shah khuyến cáo thủ hiến các bang Uttar Pradesh, Haryana và Delhi tăng cường nỗ lực cũng như phối hợp phản ứng để ngăn chặn dịch COVID-19 ở Vùng thủ đô quốc gia (NCR), nơi có gần 30 triệu người sống tại các thành phố New Delhi, Gurugram, Noida và Ghaziabad thuộc 3 bang trên. Hiện khu vực NCR có tổng cộng hơn 100.000 ca bệnh.

Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) cho biết dự kiến sẽ sản xuất vắcxin COVID-19 đầu tiên của nước này (vắcxin BBV52 COVID) từ nay đến ngày 15/8 tới, sau khi hoàn thành tất cả các thử nghiệm lâm sàng tại 12 viện nghiên cứu được chỉ định.

Hàn Quốc đề phòng nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh vào mùa Thu tới

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Giám đốc Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Jung Eun-kyeong vừa cảnh báo từ nay cho tới khi phát triển được vắcxin phòng bệnh COVID-19, dự kiến sẽ còn nhiều đợt lây lan quy mô lớn nhỏ khác nhau.

COVID-19 đến 21h ngày 3/7: Số ca nhiễm vượt ngưỡng 11 triệu người ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đáng quan ngại khi mùa Thu tới, nhiệt độ xuống thấp, virus sẽ có điều kiện lây lan rộng hơn.

Để đối phó với các đợt lây lan mới, bà Jung nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc cần nỗ lực đảm bảo nhân lực, giường bệnh cần thiết.

Bên cạnh đó, người dân cũng phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy tắc phòng dịch cá nhân.

Theo bà Jung, đội ngũ nhân viên y tế đang trong tình trạng quá tải vì cuộc chiến chống COVID-19 kéo dài, đảm bảo nhân lực y tế đầy đủ là nhiệm vụ khó khăn nhất.

Vấn đề quan trọng hiện nay là phải hỗ trợ đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị để đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho các nhân viên y tế. Bà cũng đề nghị chính quyền các địa phương nỗ lực đào tạo, tập huấn và hỗ trợ đội ngũ y tế.

Giám đốc KCDC cho biết thêm đang xem xét điều chỉnh đối sách bảo vệ người trên 65 tuổi, nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, chuẩn bị để triển khai thuận lợi cơ chế giãn cách xã hội 3 cấp độ.

Iran ghi nhận 2.566 ca nhiễm mới

Hãng thông tấn IRNA đưa tin Iran đã ghi nhận thêm 2.566 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 235.429.

Người phát ngôn Bộ Y tế và Giáo dục Y khoa Iran, Sima Sadat Lari, cho biết trong tổng số ca bệnh mới, 1.438 trường hợp đã nhập viện. Đại dịch này cho đến nay đã khiến 11.260 người Iran tử vong. Ngoài ra, vẫn còn 3.123 ca bệnh nặng.

Ở chiều hướng tích cực, có tổng cộng 196.446 bệnh nhân đã phục hồi và được xuất viện.

Tính đến ngày 3/7, có tất cả 1.744.958 xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được thực hiện trên toàn lãnh thổ Iran.

Hiện 7 tỉnh gồm Kordestan, Kermanshah, Khuzestan, Hormozgan, Bushehr, Khorasan Razavi và Ilam vẫn thuộc diện có nguy cơ dịch bệnh ở mức cao.

Giới chức y tế Iran đang chuẩn bị phương án tái áp đặt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước này vẫn tăng cao.

Triều Tiên mở cửa một phần biên giới

Trong khi đó, Triều Tiên đang mở cửa một phần biên giới sau thời gian phong tỏa hoàn toàn để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Các nguồn thạo tin cho biết ngày 26/6 vừa qua, một công ty vận tải của Trung Quốc đã bắt đầu vận chuyển hàng hóa từ thành phố Hồn Xuân (tỉnh Cát Lâm) sang Triều Tiên.

Một đoàn tàu hỏa chở 6 container dài hơn 12m của công ty này đã di chuyển trên tuyến đường sắt Nga-Triều, đến ga Dumangang của Triều Tiên vào ngày 29/6.

Tuy nhiên, công ty trên không tiết lộ mặt hàng được vận chuyển sang Triều Tiên.

Sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan xét nghiệm nhanh cho du khách quốc tế

Sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Thái Lan đã triển khai các biện pháp xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 đối với một số du khách nước ngoài.

Hiện nước này đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm nhập cảnh kéo dài 3 tháng qua đối với người nước ngoài.

COVID-19 đến 21h ngày 3/7: Số ca nhiễm vượt ngưỡng 11 triệu người ảnh 3Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan ngày 25/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Toàn bộ người nước ngoài, ngoại trừ người có giấy phép làm việc tại Thái Lan, đã bị cấm nhập cảnh vào nước này kể từ tháng Ba vừa qua.

Tuy nhiên, sau hơn 5 tuần không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, Thái Lan đang cho phép một số nhóm người nước ngoài được phép nhập cảnh.

Các doanh nhân, nhà ngoại giao và quan khách chính phủ có thời gian lưu trú chưa tới 14 ngày tại Thái Lan được coi là các "du khách được làm thủ tục nhanh."

Họ sẽ được tiến hành xét nghiệm nhanh tại sân bay Suvarnabhumi để đảm bảo không mắc bệnh trước khi nhập cảnh vào Thái Lan.

Theo một quan chức thuộc cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Thái Lan, thời gian xét nghiệm nhanh mất khoảng 1 tiếng rưỡi với chi phí 3.000 baht (tương đương 96 USD) cho 1 lần xét nghiệm.

Trong thời gian tới, biện pháp này có thể được áp dụng cho cả các du khách và các đối tượng nước ngoài khác.

Đây là biện pháp bắt buộc đối với du khách nhập cảnh nhanh nếu không muốn cách ly 14 ngày.

Biện pháp này cũng được yêu cầu áp dụng đối với những đối tượng nước ngoài khác được phép nhập cảnh vào Thái Lan trong thời gian gần đây như những người có thẻ nhập cư lâu dài hoặc có gia đình tại Thái Lan và du học sinh.

Theo ước tính của Hội đồng Du lịch Thái Lan, nước này sẽ thu hút 8 triệu lượt khách nước ngoài trong năm nay, giảm 80% so với năm ngoái do ngành du lịch chịu tác động mạnh của dịch COVID-19.

Hồi năm ngoái, chi tiêu của 39,8 triệu lượt khách du lịch nước ngoài tại Thái Lan đã chiếm khoảng 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Serbia ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Belgrade

Ngày 3/7, Serbia đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Belgrade, tái áp đặt một số biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan sau khi số các ca nhiễm ở thủ đô tăng nhanh.

Theo lệnh tình trạng khẩn cấp, người dân ở thủ đô sẽ phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng trong nhà hoặc trên các phương tiện giao thông công cộng, thời gian mở cửa các quán cà phê và câu lạc bộ sẽ bị rút ngắn, và các cuộc tụ tập sẽ bị hạn chế ở mức 100 người nếu ở trong nhà và 500 người nếu ở ngoài trời.

COVID-19 đến 21h ngày 3/7: Số ca nhiễm vượt ngưỡng 11 triệu người ảnh 4Tay vợt số một thế giới Novak Djokovic dương tính với virus SARS-CoV-2. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tình trạng khẩn cấp này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Hiện các chính quyền ở miền Trung và miền Tây Serbia cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số thành phố có các ca mắc COVID-19 tăng cao.

Số ca mắc COVID-19 ở Serbia bắt đầu tăng kể từ tháng Năm vừa qua, khi chính phủ dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc.

Các trận bóng đá với số lượng cổ động viên lên tới hàng nghìn người, cùng các sự kiện tôn giáo và bầu cử quốc hội được cho là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 ở thủ đô gia tăng.

Tuần trước, một số quan chức cấp cao của liên minh cầm quyền tại Serbia, trong đó có chủ tịch quốc hội sắp miễn nhiệm và bộ trưởng quốc phòng đã mắc COVID-19.

Các quan chức này đã cùng tham gia sự kiện ăn mừng chiến thắng vang dội của đảng Cấp tiến Serbia (SNS) cầm quyền trong cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng trước.

Tay vợt số 1 thế giới, người Serbia, Novak Djokovic, cũng đã nhiễm bệnh.

Tính đến nay, Serbia ghi nhận 15.195 ca mắc COVID-19, tăng gần 4.000 trường hợp so với 1 tháng trước, trong đó có 287 người tử vong./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục