Tọa đàm giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận

Tính đến tháng 6/2020, Ninh Thuận có 13 dự án điện gió/678 MW được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 22.000 tỷ đồng, đến nay có 3 dự án/181 MW đã vận hành thương mại.
Tọa đàm giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận ảnh 1Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ngày 3/7, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận tổ chức buổi tọa đàm "Thực trạng và giải pháp phát triển năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận."

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sỹ Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm tổng hợp ý kiến đóng góp, phản biện của các đại biểu, chuyên gia về thực trạng phát triển năng lượng tái tạo, tương lai phát triển, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo để có những kiến nghị tới các nhà làm chính sách, các bên liên quan để làm cơ sở hoạch định, ban hành các chính sách góp phần thực hiện hóa chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Ông Đạo Văn Rớt - Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, theo các quy hoạch đã và đang lập, tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận định hướng đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 21.450 MW.

[Ninh Thuận: Gắn biển Trạm biến áp 220kV Ninh Phước và đấu nối]

Tính đến tháng 6/2020, Ninh Thuận có 13 dự án điện gió/678 MW được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 22.000 tỷ đồng, đến nay có 3 dự án/181 MW đã vận hành thương mại.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án điện mặt trời/2.417MW với tổng vốn trên 62.000 tỷ đồng, hiện có 22 dự án/1.384 MW đã hòa điện lưới quốc gia.

Ninh Thuận cũng đã có 215 dự án điện mặt trời trên mái nhà dưới 1MW, tổng quy mô công suất khoảng 30KWp đã hoàn thiện công tác thi công và được Công ty Điện lực Ninh Thuận nghiệm thu và lắp công tơ hai chiều.

Tuy nhiên, quá trình đầu tư các dự án cũng gặp không ít khó khăn, một trong những khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo.

Hệ thống truyền tải hiện có trên địa bàn tỉnh chỉ giải tỏa công suất khoảng 800-1.000 MW, chưa đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng đã và sẽ vận hành.

Trong số 25 dự án (22 dự án điện Mặt trời, 3 dự án điện gió) đã đưa vào vận hành thương mại, có đến 11 dự án phải giảm phát từ 20-30% công suất, có thời điểm giảm phát lên đến 60% công suất (1 dự án điện gió, 10 dự án điện Mặt trời) để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải.

Trong khi đó, các công trình lưới điện truyền tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện VII điều chỉnh, hầu hết đầu tư triển khai chậm tiến độ và đóng điện đều sau năm 2020.

Do đó, việc giải phóng công suất 2.000 MW đến hết năm 2020 như tính toán sẽ gặp rất nhiều khó khăn, làm thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của dự án và thu ngân sách của tỉnh.

Tọa đàm giải pháp phát triển năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận ảnh 2Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm được nâng công suất để giải toả công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngoài ra, quá trình giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo tại các địa phương cũng đang gặp vướng mắc về vấn đề quy chủ, xác định nguồn gốc đất đai để lập phương án bồi thường; quy định về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất liên quan đến đất rừng để thực hiện các dự án điện gió, điện Mặt trời cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài, rất mong được các Bộ, ngành sớm quan tâm, tháo gỡ.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu dành phần lớn thời gian tập trung trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến tính hiệu quả, đóng góp của dự án năng lượng tái tạo đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; những tác động tới đời sống, việc làm người dân vùng dự án ở điểm hiện tại và trong tương lai; quy trình xử lý thiết bị điện, pin năng lượng Mặt trời sau khi hết hạn sử dụng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Tại buổi tọa đàm, các nhà đầu tư kiến nghị các đại biểu quan tâm, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có kế hoạch bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình lưới điện truyền tải theo quy hoạch đã duyệt để giải tỏa hết công suất; cho kéo dài thời gian hưởng ưu đãi chính sách giá điện cho nhà đầu tư và các hộ dân để phù hợp với tình hình phát triển thực tế, nội địa hóa sản xuất thiết bị điện gió, ưu tiên cho nhà đầu tư năng lượng tái tạo kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải, xem xét điều chỉnh cho một số dự án được tăng công suất, quan tâm đào tạo nhân lực ngành điện cho các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận và các tỉnh trong khu vực.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng kiến nghị các Bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ cập nhật và tích hợp các nguồn năng lượng hiện có trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch điện VIII, đồng thời, nghiên cứu tính toán đấu nối đồng bộ với các dự án năng lượng tái tạo và hạ tầng truyền tải để giải tỏa hết công suất trong quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo điều kiện phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, làm cơ sở pháp lý kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục