Giá dầu châu Á giảm xuống dưới 43 USD mỗi thùng phiên cuối tuần

Sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu sẽ chững lại. Điều này khiến giá dầu tại thị trường châu Á giảm xuống dưới 43 USD/thùng.
Giá dầu châu Á giảm xuống dưới 43 USD mỗi thùng phiên cuối tuần ảnh 1Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/6/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Giá dầu tại thị trường châu Á giảm xuống dưới 43 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 3/7), khi sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu sẽ chững lại.

Dù vậy, giá dầu thô vẫn hướng tới tuần tăng giá nhờ nguồn cung dầu giảm và những dấu hiệu khả quan về sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 50 xu Mỹ (1,2%), xuống 40,15 USD/ounce. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng mất 52 xu Mỹ (1,2%), xuống 42,62 USD/ounce.

[Iraq giảm xuất khẩu dầu để tuân thủ thỏa thuận của OPEC+]

Trong ngày 2/7, Mỹ ghi nhận hơn 55.000 ca nhiễm COVID-19 mới, mức kỷ lục mới, qua đó nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lên 10,89 triệu người.

Xu hướng này khiến nhiều người quan ngại rằng đà tăng trưởng việc làm của Mỹ, vốn đạt kết quả tích cực trong tháng 6/2020, sẽ để tuột mất động lực đi lên trong thời gian tới.

Bộ Lao động Mỹ cho hay nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 4,8 triệu việc làm mới trong tháng 6/2020 khi các doanh nghiệp trên toàn quốc bắt đầu hoạt động trở lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 11,1%.

Tình hình trên diễn ra khi dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng hơn dự kiến và cho thấy người lao động đang quay trở lại làm việc trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 như dịch vụ giải trí, nhà hàng, khách sạn.

Giá cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng hơn 2% trong phiên 2/7, nhờ báo cáo của Bộ Lao động Mỹ về tình hình việc làm tháng Sáu, cũng như lượng dự trữ dầu thô của Mỹ suy giảm. Giá dầu Brent vẫn hướng tới mức tăng hơn 5% trong cả tuần này.

Các dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế và tình trạng nguồn cung thu hẹp nhờ nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+ đã giúp giá dầu Brent tăng hơn gấp đôi từ mức thấp nhất trong 21 năm ghi nhận vào tháng 4/2020.

Sản lượng dầu của OPEC hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong hàng thập kỷ qua và sản lượng dầu của Nga đã giảm xuống gần mức mục tiêu mà OPEC+ đưa ra.

Củng cố thêm vào kỳ vọng phục hồi kinh tế, khảo sát mới đây cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng với nhịp độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua trong tháng 6/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục