Bà Rịa-Vũng Tàu: Sẵn sàng tạo điều kiện để các chuyên gia Pháp sang làm việc

Ngày 2/7, phái đoàn Đại sứ quán Pháp do Đại sứ tại Việt Nam Nicolas Warnery làm Trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chú thích ảnh
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Trước đề nghị của Đại sứ Nicolas Warnery, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc hoan nghênh các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào tỉnh và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh lâu dài; đồng thời đề nghị Đại sứ quán Pháp cung cấp thông tin các chuyên gia, nơi làm việc và những yêu cầu (nếu có) để tỉnh xem xét và bố trí khu vực thực hiện cách ly phù hợp trước khi trở lại làm việc.

Pháp hiện có 5 dự án liên doanh đầu tư tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn hơn 682 triệu USD, trong đó có 4 dự án đã đi vào hoạt động, 1 dự án đang xây dựng, ngoài ra còn có dự án "Thu gom, xử lý và thoát nước thành phố Vũng Tàu" từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp.

Ngay sau buổi làm việc, Đại sứ Pháp cùng đoàn đã đến thăm Dự án Cảng nước sâu Germalink khu vực Cái Mép-Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) do tập đoàn Germadept (Việt Nam) và CMA-CGM (Pháp) liên doanh với tổng vốn đầu tư 520 triệu USD. Cảng Germalink khi hoàn thành sẽ là cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam và nằm trong số 19 cảng nước sâu lớn nhất thế giới, có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 200.000 DWT (tương đương 23.000 TEU). Cảng có tổng chiều dài cầu bến là 1,5 km, có thể đồng thời tiếp nhận 3 tàu mẹ và 2 tàu feeder ra vào làm hàng. Năng lực xếp dỡ của cảng đạt 1,5 triệu TEU/năm giai đoạn 1 và toàn dự án là 2,4 triệu TEU/năm.

Dự án cảng Germalink được khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 330 triệu USD hiện đã hoàn thành 80% khối lượng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ và vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2020, chính thức khai thác vào đầu năm 2021. Dự án cảng Germalink được kỳ vọng là hạt nhân cho sự phát triển các Trung tâm Logistics, mạng lưới cảng cạn vệ tinh, kho bãi liền kề, các khu công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ… tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và khu vực.

Trước đó, sáng cùng ngày, Đại sứ Pháp cùng phái đoàn cũng đã dự lễ khánh thành Nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà thuộc dự án Thu gom, xử lý và thoát nước thành phố Vũng Tàu, sử dụng nguồn vốn ODA  của Chính phủ Pháp. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.124 tỷ đồng (tương đương 40 triệu Euro). Trong đó, vốn ODA vay ưu đãi của Chính phủ Pháp là 450 tỷ đồng (tương đương 16 triệu Euro); vốn đối ứng (ngân sách tỉnh) là 674 tỷ đồng (tương đương 24 triệu Euro). Dự án được xây dựng với quy mô 1 nhà máy xử lý nước thải Rạch Bà (thành phố Vũng Tàu) có công suất 22.000 m3/ngày; sử dụng công nghệ xử lý sinh học và bùn hoạt tính, đảm bảo nước thải đầu ra cột B theo TCVN 5945:1995 về nước thải sinh hoạt. Nhà máy được đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom nước thải gồm 7 trạm bơm nước thải, 37 giếng tách dòng, 28 km đường ống thu gom các loại.

Dự án được khởi công từ tháng 4/2011 và vận hành chính thức tháng 2/2016, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12/2017.

Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)
146 chuyên gia nước ngoài đến Vĩnh Phúc hoàn thành cách ly y tế
146 chuyên gia nước ngoài đến Vĩnh Phúc hoàn thành cách ly y tế

Ngày 26/6, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho 146 chuyên gia nước ngoài đến Vĩnh Phúc làm việc tại Khách sạn Dic Star Vĩnh Phúc ở thành phố Vĩnh Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN