Lý do nước Mỹ "tả tơi" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

Biểu đồ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) của nước Mỹ cao vọt lên rồi chạy ngang ở trên cao như một dải bình nguyên.
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biểu đồ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) ở Anh, Canada, Đức và Italy nhấp nhô như núi, lúc lên cao, lúc lại xuống thấp.

Tuy nhiên, biểu đồ đại dịch COVID-19 của nước Mỹ cao vọt lên rồi chạy ngang ở trên cao như một dải bình nguyên.

Số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) của Mỹ đã có lúc giảm xuống nhưng hiện lại tăng vọt lên 22% chỉ trong 14 ngày qua.

Trước diễn biến đại dịch đang tiếp tục lan rộng ở nhiều bang trên nước Mỹ, một bài bình luận của tờ New York Times nhận định rằng Mỹ có lẽ là nước duy nhất trong nhóm nước phát triển bị đại dịch vùi dập "tả tơi" bởi chính sự ứng phó không thể tệ hơn của nước này.

Dưới đây là nội dung bài bình luận khiến dư luận Mỹ "dậy sóng" và thu hút tới 2.515 bình luận chỉ trong hơn một ngày sau khi được đăng tải.

Mới cách đây không lâu, người Mỹ còn tưởng rằng tình trạng như Italy hồi đỉnh dịch là kịch bản tồi tệ nhất.

Tuy nhiên, số ca nhiễm trên đầu người của nước Mỹ lúc này đã tương đương với số ca ghi nhận vào ngày tồi tệ nhất của Italy và còn nhiều dấu hiệu cho thấy con số này vẫn tiếp tục gia tăng.

Phải chăng nước Mỹ thật khác biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump? Nước Mỹ giờ đây không những có số ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất trên thế giới mà nước này còn có một hệ thống chính trị không vận hành nổi đúng chức năng để có thể chiến đấu hiệu quả với đại dịch.

Ở cấp độ liên bang hay tiểu bang, Mỹ đều tỏ rõ cho tất cả thấy rằng đất nước này coi thường các yếu tố bằng chứng khoa học thông qua chính kiểu tiếp cận đầy bảo thủ đối với nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề chống biến đổi khí hậu và có lẽ cả khả năng sẵn sàng chịu tổn thất về người.

[Dịch COVID-19: Bang Washington tạm ngừng chuyển sang giai đoạn 4]

Khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh mới xảy ra, Tổng thống Trump đã hành động như thể ông chỉ cần ước ao là SARS-CoV-2 sẽ ngay lập tức biến mất.

Tuy nhiên, sau một thời gian, ông Trump cũng đã tỏ ra thực sự coi đại dịch là vấn đề đáng quan ngại. Sau đó, Chính quyền Trump lại tiếp tục kiểu đánh giá cho rằng đại dịch không phải là vấn đề gì quá nghiêm trọng.

Có thể thấy nhóm lãnh đạo đặc nhiệm do Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đứng đầu giờ đã bị gạt sang một bên và các thành viên của nhóm chỉ họp 2 lần mỗi tuần.

Ngày 16/6 vừa qua, ông Pence đã có bài bình luận trên tờ Wall Street Journal nhận định rằng "nước Mỹ đang chiến thắng đại dịch- kẻ thù vô hình."

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News tuần qua, ông Trump cũng tuyên bố SARS-CoV-2 đang dần biến mất. Thậm chí, ông Trump còn nói với tờ Wall Street Journal rằng một số người đeo khẩu trang chỉ để nhằm mục đích phản đối ông và ông cũng đưa ra ý kiến cá nhân trái ngược hẳn với những chỉ dẫn, khuyến cáo đảm bảo sức khỏe cộng đồng đã được kiểm chứng, rằng "đeo khẩu trang có thể khiến mọi người dễ nhiễm bệnh hơn."

Chính vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người đến dự buổi tiếp xúc cử tri của ông ở Tulsa Okaloma, nơi số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang tăng nhanh, không hề đeo khẩu trang.

Giờ đây khi New York đang bắt đầu mở cửa trở lại thì nhiều bang khác, trong đó có Arizona, lại trở thành điểm nóng đại dịch. Vậy mà ông Trump vẫn tổ chức vận động tranh cử ở Phoenix, Arizona, ngày 23/6 vừa qua.

Số ca mắc COVID-19 đang tăng nhanh chóng ở bang Texas, Florida và nhiều bang khác. Có thể thấy đại dịch COVID-19 mấy tháng trước tập trung ở các bang thuộc phe Dân chủ nhưng giờ lại đang chuyển sang các bang thuộc phe Cộng hòa.

Hồi tháng Ba vừa qua, khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 bắt đầu tăng "chóng mặt" ở các bang Bờ Đông, nhiều lãnh đạo đảng Dân chủ đã cho thấy họ thất bại thảm hại trong vấn đề ứng phó với đại dịch.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo không những buộc các nhà dưỡng lão phải đưa những người đã nhập viện vì mắc COVID-19 về mà còn cấm các nhà dưỡng lão này xét nghiệm xem liệu những người sống ở đó có nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

Lý do nước Mỹ "tả tơi" trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ảnh 1Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở Brooklyn, New York của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính vì lệnh sai lầm này của Thống đốc Cuomo mà đại dịch COVID-19 đã hoành hành tại các nhà dưỡng lão khiến hơn 6.000 người, tương đương khoảng 6% trong số hơn 100.000 người sống tại nhà dưỡng lão, bị tử vong.

Khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 của bang New York tăng vọt, Thống đốc Cuomo đã hiểu rằng tiểu bang của ông đang đối mặt với thảm họa và lập tức ra lệnh phong tỏa để ngăn ngừa đại dịch lây lan.

Tuy nhiên, hiện nay các bang Arizona, Florida và Texas lại không tiến hành những biện pháp đơn giản như yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang.

Tệ hơn, tuần qua, thống đốc các bang Arizona và Texas đã ngăn cản chính quyền địa phương ở các thành phố của bang không được bắt buộc người dân đeo khẩu trang.

Cho tới nay, chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy những cuộc biểu tình rầm rộ sau vụ bạo lực của cảnh sát gần đây là nguyên nhân gây ra tình trạng đại dịch tái bùng phát nhưng những người ủng hộ biểu tình ngay lập tức cho rằng việc chính quyền áp dụng quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt chẳng qua là để kiểm soát người dân.

Thói đa nghi và dễ phẫn nộ vốn đã là một phần trong văn hóa "mỗi người đều có quyền" của nước Mỹ lại hướng sự tấn công vào chính những người đưa ra cảnh báo về mối nguy hiểm của đại dịch.

Trên khắp nước Mỹ, những nhân viên sức khỏe cộng đồng bị dọa giết, gây sự và nhiều người quá khích đến tận nhà để phản đối. Tình trạng nước Mỹ tồi tệ đến thế nhưng dường như giới chức lãnh đạo đất nước vẫn chưa có đủ sự cương quyết để kiểm soát đại dịch.

Chính vì vậy, trong khi nhiều nước khác đã dần trở lại cuộc sống bình thường, nước Mỹ vẫn bị đại dịch hoành hành.

Hồi giữa tháng Năm vừa qua, khi số ca tử vong vì COVID-19 của nước Mỹ lên tới khoảng 85.000 người, ông Lindsey Graham, một người luôn ca ngợi ông Trump, tuyên bố rằng số ca tử vong của nước này sẽ không vượt quá 120.000 người và nói chính ông Trump là người đã hạn chế được sự tổn thất về người của nước Mỹ trong cuộc chiến chống COVID-19. Tuy nhiên, con số này giờ đã vượt quá 123.000 người và chưa dừng lại.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của nước Mỹ vẫn phải tiếp diễn nhưng thực sự ông Trump đã thua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục