Giám sát việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Ngày 2/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại tỉnh Cao Bằng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tỉnh quán triệt chỉ đạo tổ chức các hoạt động giáo dục theo định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa; chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; bảo đảm các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, nhân lực; biên soạn thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, tổ chức tập huấn bồi dưỡng giáo viên.

Tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng đang gặp một khó khăn khi triển khai Nghị quyết như: số lượng các điểm trường trong tỉnh còn rất lớn (hơn 800 điểm trường), đặc biệt là ở bậc Mầm non và cấp Tiểu học. Do vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học cho các bậc, cấp học này gặp nhiều khó khăn. Việc bổ sung các môn học mới như: Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ đối với cấp Tiểu học; môn Tin học bắt buộc đối với cấp Trung học cơ sở và môn Nghệ thuật đối với cấp Trung học Phổ thông đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải được đầu tư xây dựng thêm các phòng chuyên môn, chức năng, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học.

Về đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh, việc tính và giao biên chế giáo viên theo tỉ lệ giáo viên/lớp đối với địa bàn các tỉnh miền núi chưa hợp lý; thiếu đội ngũ giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày đối với cấp Tiểu học và thiếu giáo viên dạy các môn học đáp ứng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, năng lực quản trị nhà trường, năng lực thích ứng của một số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên trong việc đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa còn hạn chế...

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ giáo dục Trung học, Bộ giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc. 

Các đại biểu của Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Cao Bằng cần làm rõ những giải pháp, lộ trình thực hiện, trách nhiệm và những đề xuất, kiến nghị của địa phương về các vấn đề cần thiết trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Cụ thể, tại tỉnh Cao Bằng có số lượng phòng học kiên cố cấp Tiểu học thấp (chỉ đạt 49% so với mặt bằng chung 75% của cả nước), toàn tỉnh còn hơn 800 điểm trường lẻ; tồn tại các vấn đề như: thiếu giáo viên cục bộ và tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn còn thấp...

Về sách giáo khoa, là một trong số các tỉnh chọn sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục (88% cơ sở giáo dục lựa chọn), Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Cao Bằng cần tổng hợp ý kiến của phụ huynh, giáo viên, học sinh về lựa chọn sách giáo khoa và giá tiền của sách giáo khoa; cần làm rõ tính phù hợp, nội dung, phương pháp của sách giáo khoa khi áp dụng vào thực tế ở địa phương; khi chọn sách giáo khoa cần tính đến tính chất vùng miền và vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tỉnh Cao Bằng cần làm rõ việc lồng ghép triển khai công tác giáo dục trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương...

Kết luận cuộc giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đề nghị tỉnh Cao Bằng đẩy nhanh tiến độ các công việc chuẩn bị để thực hiện Nghị quyết 88 (chuẩn bị chương trình sách khoa lớp 1, chuẩn bị thiết bị dạy học, kiên cố trường học, nâng cấp phòng học...). Tỉnh cần tập trung nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên...

Tin, ảnh: Chu Hiệu (TTXVN)
 Trên 800 cán bộ, giáo viên được tập huấn dạy học sách giáo khoa lớp 1 mới
Trên 800 cán bộ, giáo viên được tập huấn dạy học sách giáo khoa lớp 1 mới

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn hoàn tất công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai từ năm học 2020-2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN