Tăng sức hấp dẫn cho du lịch Đông Nam Bộ - Bài 1: Định vị sản phẩm, chọn điểm nhấn 

Vùng Đông Nam Bộ gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai, có vị trí chiến lược quan trọng đối với việc phát triển các ngành kinh tế của cả nước nói chung, ngành du lịch nói riêng.

Chú thích ảnh
Khách tham quan tại Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Theo Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đông Nam Bộ được xác định là một trong 7 vùng phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với du lịch cả nước.

Mỗi địa phương một thế mạnh

Thành phố Hồ Chí Minh và từng địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ đều có nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch rất đa dạng. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến sôi động, thị trường gửi khách và nhận khách năng động bậc nhất cả nước; mỗi năm đón khoảng 40 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Thành phố có lợi thế là đầu mối giao thông của cả nước gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Từ thành phố đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc qua Quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất, sân bay Tân Sơn Nhất; vị trí thuận lợi trong việc giao lưu với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên như Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh hiện sở hữu rất nhiều tài nguyên du lịch nhân văn như: Các di tích lịch sử - văn hóa: Địa đạo Củ Chi - Đền Bến Dược, Hội trường Thống Nhất, Bưu điện thành phố, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; các di tích khảo cổ: Lò gốm Hưng Lợi, di tích mộ Chum Giồng cá vồ, Giồng Phệt ở huyện Cần Giờ.

Trên địa bàn Thành phố còn có nhiều khu du lịch, vui chơi giải trí, các bảo tàng là điểm đến trong hành trình của du khách. Với nhiều lợi thế, các sản phẩm du lịch chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, triển lãm, sự kiện…), du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, du lịch đường thủy, vui chơi giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Thành phố cũng coi trọng việc kết nối với các địa phương trong cả nước và quốc tế cùng hợp tác làm phong phú sản phẩm du lịch, để thành phố thực sự là nơi hội tụ, điểm hẹn của nhiều sự kiện văn hóa, du lịch nổi bật.  

Chú thích ảnh
Bình minh trên Bãi Sau, biển Vũng Tàu. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Cùng thuộc khu vực Đông Nam bộ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu lại tập trung khai thác các sản phẩm du lịch từ biển đảo, gồm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch tàu biển, du lịch thể thao, du lịch sức khỏe và du lịch. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trịnh Hàng khẳng định: Đối với phát triển sản phẩm du lịch, việc định vị sản phẩm đặc sắc của từng vùng nhằm tạo sức hút đối với du khách là rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy ở nhiều vùng, sự liên kết du lịch khó hiệu quả vì các địa phương đều có các sản phẩm du lịch “na ná”, gần giống nhau. Vì vậy, chọn điểm nhấn là du lịch biển đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có được thế mạnh riêng so với các địa phương trong vùng.

Khác với Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương được biết đến với những làng nghề nổi tiếng đã định vị trên địa bàn hơn 300 năm, tiêu biểu như: Làng gốm sứ Lái Thiêu, làng mộc, chạm khắc gỗ ở Chánh Nghĩa, Phú Thọ, làng sơn mài Tương Bình Hiệp… Bình Dương có lợi thế từ hệ thống các con sông chảy qua địa phận Bình Dương như: sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính cùng các con kênh rạch; vườn cây trái Lái Thiêu, Khu du lịch Đại Nam, khu du lịch Núi Cậu – lòng hồ Dầu Tiếng, làng tre Phú An, Khu du lịch địa đạo Củ Chi mở rộng phía Bình Dương...

Là địa phương có núi Bà Đen cao 986m - được mệnh danh là “nóc nhà Đông Nam Bộ”, tỉnh Tây Ninh lại có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ sinh thái đa dạng, vừa có sông, núi, hồ và rừng. Tây Ninh còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn dồi dào với nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhân loại và di sản văn hóa vật thể cấp Quốc gia như: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, múa trống Chhay-dăm, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen. Đặc biệt, tỉnh nằm trên tuyến đường Xuyên Á- là tuyến giao thông huyết mạch đóng vai trò kết nối vận chuyển hàng hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ sang Campuchia và các nước ASEAN; có đường Hồ Chí Minh đi qua nối địa phương với cả nước.

Chú thích ảnh
Chuỗi nhà hàng, khách sạn thơ mộng ở Bãi Sau. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cùng ở vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh có nhiều sản phẩm du lịch rất riêng như núi Bà Đen, Khu di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Không những thế, địa phương cũng có nhiều đặc sản ẩm thực có sức hấp dẫn với du khách như: Bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương, mãng cầu núi Bà Đen, ổi, dưa lưới, bò tơ Tây Ninh...

Phát triển sản phẩm mới

Đánh giá về lợi thế cũng như những sản phẩm du lịch đã được hình thành, khai thác tại các địa phương khu vực Đông Nam bộ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng khẳng định: Vùng Đông Nam Bộ là khu vực động lực phát triển phía Nam với các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Biên Hòa( tỉnh Đồng Nai)… Đặc biệt, Thành phố là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, thương mại và du lịch lớn nhất cả nước; là trung tâm kết nối, thu hút và lan tỏa mọi hoạt động kinh tế - xã hội của vùng nói riêng và cả nước nói chung. Đây chính là lợi thế, khác biệt so với các vùng khác trong phát triển du lịch và phát triển sản phẩm du lịch.

Năm 2019, cả nước đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; trong đó riêng vùng Đông Nam bộ đã đón và phục vụ 9,5 triệu lượt khách quốc tế, gần 40 triệu lượt khách nội địa. Theo nhiều chuyên gia du lịch và đại diện các hãng lữ hành, để các địa phương vùng Đông Nam bộ tiếp tục được du khách lựa chọn là điểm đến, một trong những điểm mấu chốt là mỗi địa phương cũng như toàn vùng không chỉ dừng lại ở các sản phẩm đang được khai thác mà cần quan tâm phát triển các sản phẩm mới theo hướng gia tăng sự trải nghiệm, sự độc đáo, không trùng lặp.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng nhận định: Đối với việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, tránh trùng lặp, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ cần xác định các nhóm sản phẩm để tập trung đầu tư phát triển ở từng địa phương, ví dụ như: Nhóm sản phẩm du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng; nhóm sản phẩm dựa trên việc khai thác giá trị các đô thị lớn trong vùng phát triển du lịch đô thị, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo); nhóm sản phẩm dựa trên khai thác các giá trị tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; nhóm sản phẩm dựa trên khai thác các giá trị tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Linh Sơn Thiên Thạch động (Ðiện Bà) trong  quần thể di tích núi Bà Ðen. Ảnh:  Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Coi trọng phát triển sản phẩm du lịch, góp phần phát triển bền vững du lịch Đông Nam bộ, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, toàn vùng cần tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch đã hình thành và phát triển thêm sản phẩm mới, tour tuyến mới theo nhiều chủ đề, đáp ứng đa dạng nhu cầu và thị hiếu của các phân khúc du khách; tiếp tục nghiên cứu đưa thêm sản phẩm du lịch y tế và du lịch xanh, du lịch tâm linh vào các chương trình kích cầu du lịch.

Theo thông tin từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm phát triển sản phẩm du lịch. Riêng ở sản phẩm du lịch đường thủy thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục liên kết với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh, thành phố Tây Nam bộ, tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn, điểm nhấn cũng như xây dựng hệ thống các nhà chờ, bến đậu; nâng cao chất lượng môi trường nước trên các tuyến đường thủy của thành phố, các tuyến nội đô kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé, rạch Lò Gốm, tạo thuận lợi cho sự đi lại của các phương tiện du lịch thủy trên thượng lưu sông Sài Gòn.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho hay: Sắp tới, tỉnh tập trung khai thác tuyến du lịch đường sông nhằm đón đối tượng du khách đi theo tuyến đường sông Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Củ Chi. Bên cạnh đó, quần thể núi Cậu, lòng hồ Dầu Tiếng hay làng tre Phú An (được coi là Bảo tàng tre lớn nhất Việt Nam)… là những điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục phát triển, làm mới nhiều sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách khi đến Bình Dương.

Quan tâm đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới, chất lượng, lấy dẫn chứng cụ thể tại Tây Ninh - một địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ, đại diện Tập đoàn Sun Group chia sẻ: Khởi đầu là quần thể khu du lịch Núi Bà Đen với hệ thống cáp treo hiện đại, doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai nhiều hạng mục khác để biến Núi Bà Đen thành điểm đến du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn bậc nhất Nam bộ. Tương lai, Tây Ninh sẽ có thêm vườn Thượng uyển, công viên chủ đề, các khu nghỉ dưỡng, sân golf… góp phần phát triển du lịch ở Tây Ninh, đưa tỉnh trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng kinh tế Đông Nam bộ.

Bài cuối: Liên kết để cùng phát triển

Thanh Trà  (TTXVN)
Kích cầu du lịch TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Liên kết điểm đến trọng yếu
Kích cầu du lịch TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Liên kết điểm đến trọng yếu

Khai thác hiệu quả thị trường hơn 100 triệu dân đòi hỏi những "đầu tàu" thúc đẩy du lịch nội địa, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang từng bước khẳng định vai trò liên kết, xúc tiến du lịch với nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN