Vị Hoàng đế Pháp hai lần bị đuổi khỏi nước Nga

Không lâu sau khi bị đuổi khỏi Nga trong bẽ bàng, vị hoàng đế lưu vong Louis XVIII đã trở lại xứ bạch dương để rồi lại phải ra đi lần thứ hai.

Chú thích ảnh
Vua Louis 18 phải sống lưu vong ở Nga thời Đệ nhất Cộng hòa Pháp.

Cuộc Cách mạng Pháp thế kỷ 18 đã buộc một bộ phận lớn giới quý tộc Pháp phải chạy khỏi đất nước, tìm kiếm tị nạn ở các Hoàng gia châu Âu thân thiện. Trong số này có nhiều thành viên Hoàng tộc Bourbon, bao gồm Vua Louis XVIII – vị Hoàng đế Pháp không vương quốc.

Nước Nga - sự lựa chọn cuối cùng

Bá tước Louis-Stanislav Xavier (còn gọi là Louis XVIII) đã tự xưng là Vua Pháp vào năm 1795, sau khi Louis XVII - cháu trai 10 tuổi của ông, Louis-Charles - bị tra tấn đến chết trong nhà ngục Temple.

Các hoàng gia châu Âu đều chấp nhận đề nghị tị nạn của Louis XVIII nhưng không thể tiếp đãi ông quá lâu. Khi đó, chính quyền Đệ nhất Cộng hòa Pháp săn lùng những người Bourbon, sử dụng nhiều biện pháp, gồm cả đe dọa vũ lực để buộc các tòa án nước chủ nhà phải trục xuất gia đình Louis khỏi lãnh thổ của họ.

Ở đỉnh điểm của tuyệt vọng, Louis XVIII đành phải coi nước Nga lạnh lẽo và xa xôi trở thành một lựa chọn mới.

Ban đầu, Hoàng đế Nga Paul I đưa ra đề nghị cho Vua Louis XVIII cư trú trong một dinh thự ở thành phố Jever, Đức, khi đó thuộc sở hữu của Hoàng gia Nga. Tuy nhiên, vì thành phố này rất gần với các vị trí của Pháp ở Hà Lan, nên Louis đã không dám mạo hiểm.

Chú thích ảnh
Vua Pháp Louis XVIII. Ảnh: Getty Images

Cuối cùng, Louis XVIII được đề nghị sống trong một cung điện ở Mitau (nay là Jelgava, Latvia), nơi ông dọn đến vào năm 1798. Hoàng đế Paul I đã phái 100 binh sĩ tới đây làm nhiệm vụ bảo vệ cho Louis XVIII - một con số ít ỏi so với đội quân 7.000 cận vệ hùng mạnh của Louis, Hoàng tử xứ Conde – một thành viên dòng họ Bourbon khác cũng đang trốn ở Nga.

Nhưng vị vua tính khí thất thường Louis XVIII không hài lòng với dinh thự Mitau, ông phàn nàn việc Paul I đã không chu đáo với một sự chào đón khiêm tốn như vậy. “Khu nhà dành cho tôi, Nữ hoàng và Công tước Angouleme thì xa hoa. Trong khi đó không ai bận tâm chuẩn bị bất kỳ phòng nào cho đoàn tùy tùng và các thành viên khác trong gia đình tôi. Chúng tôi chỉ thấy những bức tường trần trụi trong cung điện khổng lồ này… Chúng tôi phải mua tất cả nhu yếu phẩm bằng tiền túi của mình”, ông viết lại.

Khi những lời than phiền của Vua Pháp đến tai, Hoàng đế Nga Paul I bắt đầu thay đổi cái nhìn về ông, một cảm giác coi thường thay vì sự tôn trọng như trước. 

Nhưng không phải những cảm xúc cá nhân đã buộc Paul I khước từ đề nghị của Vua Louis XVIII về một nơi trú ẩn an toàn và một “Versaille nhỏ” cho vị vua lưu vong, mà là lý do chính trị.

Chú thích ảnh
Cung điện Mitau, ở Nga, nơi Louis XVIII tá túc. Ảnh: Public Domain

Nga - Pháp bắt tay và cuộc ra đi của Louis XVIII

Khi đó Hoàng đế Nga ngày càng mất kiên nhẫn với các đồng minh trong liên minh chống Pháp. Người Áo là những người đầu tiên khiến Paul I tức giận, họ đã nghi ngơi thư giãn ở tuyến sau trong khi các lực lượng Nga đổ máu trong các trận chiến ở miền bắc Italy và Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, chính hành vi của người Anh mới là giọt nước tràn ly. Vào tháng 9/1800, khi đánh bật một đơn vị đồn trú của Pháp ra khỏi Malta, người Anh, thay vì tự mình chiếm hòn đảo, đã trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của nó là Các Hiệp sĩ Malta.

Hoàng đế Nga Paul I đã giận dữ coi đây hành động xúc phạm cá nhân. Điều này dẫn đến một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của ông: Nga bắt đầu tìm cách ngừng bắn với Pháp.

Napoleon Bonaparte, lúc này là Đệ nhất Tổng tài của nền Cộng hòa Pháp thứ nhất, với tầm nhìn xa về chính trị, đã nhanh chóng ủng hộ ý tưởng liên kết với Nga, thậm chí ông còn phóng thích 6.000 tù binh Nga. Một thời kỳ quan hệ tích cực giữa hai nhà cầm quyền đã bắt đầu, với những kế hoạch đầy tham vọng như cướp Ấn Độ khỏi Vương quốc Anh. “Cùng với sức mạnh của ngài, chúng ta sẽ thay đổi bộ mặt thế giới”, Napoleon tuyên bố với Hoàng đế Paul.

Chú thích ảnh
Hoàng đế Nga Paul I. Ảnh: Bảo tàng Hillwood 

Khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên hòa hảo, việc ở lại Nga trở thành một lựa chọn ngày càng kém hấp dẫn đối với Vua Louis XVIII. Vào ngày 19/1/1801, ông nhận được yêu cầu từ Hoàng đế Nga buộc phải rời khỏi lãnh thổ Nga ngay lập tức. 

Nhà vua Pháp lưu vong rời Mitau và tiến về biên giới phía Tây Nga. “Tôi thấy mình rơi vào tình cảnh khó khăn. Không có tiền và phải thương lượng, mang danh dự một vị Vua để bảo đảm, mới có được một chút từ người khác”, Louis XVIII viết.

Thay vì một cung điện, quốc vương không ngai đã phải ngủ trong các nhà trọ ven đường. Có lúc một sĩ quan Nga đã thẳng thừng từ chối nhường phòng ngủ của mình, dù biết rằng anh ta đang hộ tống một vị Vua Pháp.

Sau này khi đang sống ở Warsaw (khi đó thuộc Phổ), Louis XVIII được biết về cái chết của Hoàng đế Paul I dưới bàn tay của giới quý tộc Nga. “Tôi không thể diễn tả cảm xúc khi đó. Tôi đã quên hết mọi bất công đến với mình và chỉ nghĩ tới cái chết đã đến với ông ta”, Vua Pháp viết. 

Lần thứ hai trở lại Nga

Trở thành người ngự trên ngai vàng Nga, Hoàng đế Alexander I đã đảo ngược chính sách đối ngoại trước đó của Paul I, đưa đất nước một lần nữa đứng lên chống Pháp. Vì thế Louis XVIII một lần nữa được cung cấp nơi ẩn náu ở Nga. Tuy nhiên ông chỉ nhận lời vào năm 1804, khi đó, dưới áp lực của Napoleon, vua Phổ Friedrich-Willmus III đã buộc phải đề nghị Louis XVIII rời Warsaw.

Nhà vua dòng họ Bourbons một lần nữa chuyển đến “Versaille nhỏ” ở Mitau, Nga. Mùa xuân năm 1807, một cuộc gặp lịch sử đã diễn ra ở đó giữa Louis XVIII và Hoàng đế Nga Aleksandr, người đã hứa sẽ "không bao giờ bỏ rơi Louis, và sẽ luôn có một vị trí dành cho ông, ở cả đế chế Pháp và trong tình bạn". 

Chú thích ảnh
Hoàng đế Alexandr I của Nga và Hoàng đế Pháp Napoleon khi ký Hiệp ước Tilzit. Ảnh: Getty Images

Trên thực tế, không giống như cha mình là Paul I, Hoàng đế Alexander I không đánh giá cao nhà vua Pháp. Sau cuộc họp năm 1807, ông nói với đoàn tùy tùng của mình rằng một người đàn ông khốn khổ như vậy sẽ không bao giờ có thể cai trị đất nước. 

Niềm hy vọng của Louis XVIII rằng “người anh em” Alexander I sẽ hất cẳng "gã người Corse” (tức Napoleon) và đưa ông trở lại ngai vàng Pháp cuối cùng sụp đổ hoàn toàn khi Hoàng đế Nga và Napoleon ký một hiệp ước hòa bình ở Tilzit (nay là thành phố Sovetsk, vùng Kaliningrad) và Nga một lần nữa trở thành đồng minh với Pháp.

Louis XVIII tội nghiệp lúc đó quá hiểu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Việc hai đối thủ trở thành bạn bè chắc chắn sẽ buộc ông một lần nữa phải rời nước Nga trong bẽ bàng. Nhưng lần này Louis XVIII đã chủ động ra đi, mà không cần phải chờ đến khi được yêu cầu. 

Vị vua lưu vong Pháp lang thang đến Thụy Điển, và sau đó là Anh, nơi ông sống cho đến khi quyền lực được phục hồi vào năm 1814. 

Chú thích ảnh
Tranh Vua Alexander I của Nga, Louis XVIII của Pháp, Vua Francis I của Áo và Frederick William III của Phổ, năm 1815. 

 

Thu Hằng/Báo Tin tức (History)
Bí ẩn những lô vàng giả thế chấp để vay 2 tỉ USD ở Trung Quốc - Kỳ 2
Bí ẩn những lô vàng giả thế chấp để vay 2 tỉ USD ở Trung Quốc - Kỳ 2

Hoạt động của Kingold - công ty thế chấp vàng giả để vay trên 2 tỉ USD - được cho là không vững chắc như những gì thể hiện ra. “Nhiều năm nay chúng tôi biết họ không có nhiều vàng, tất cả những gì họ có là đồng” - một nguồn tin nói.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN