Quan hệ hợp tác Việt Nam - Malaysia sẽ có biến chuyển tích cực sau khi RCEP được ký kết

Giáo sư Hoo Ke Ping, chuyên gia phân tích kinh tế và chính trị tại Malaysia, cho rằng, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết, quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Malaysia sẽ có những thay đổi tích cực.

Chú thích ảnh
Bốc xếp gạo xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Bangladesh tại cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Theo Giáo sư Hoo Ke Ping, với việc tham gia RCEP, Việt Nam và Malaysia sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trước hết là trong những lĩnh vực mà hai bên có lợi thế và có thể bổ sung cho nhau.

Dẫn chứng về quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng, ông cho rằng kinh nghiệm của Malaysia sẽ rất hữu ích cho Việt Nam. Theo chuyên gia này, Malaysia có kinh nghiệm về phát triển hạ tầng nói chung và hệ thống đường cao tốc nói riêng trong nhiều thập kỷ qua và đã được quốc tế công nhận. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang có nhu cầu phát triển hạ tầng rất lớn và khá cấp thiết nên hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

Chuyên gia kinh tế độc lập này cũng gợi ý hai thành viên ASEAN có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt cá khi đây là vấn đề được hai nước quan tâm và có thể tính đến các phương án hợp tác phù hợp. Ví dụ, hai bên có thể hợp tác, đưa các ngư dân Việt Nam sang đánh bắt cá tại các vùng biển của Malaysia. Đi kèm với đó là các quy định về phương thức đánh bắt cá bền vững và cơ chế phân chia lợi nhuận phù hợp. Điều này sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho các bên, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp hay công nghiệp thực phẩm, Việt Nam và Malaysia cũng có thể hợp tác. Việt Nam có những sản phẩm chất lượng hàng đầu thế giới, như cà phê, hồ tiêu…, trong khi Malaysia có khả năng tiếp thị tốt và có thị trường rộng lớn, bao gồm thị trường Hồi giáo với khoảng 1,8 tỷ người. Chứng chỉ Halal (chứng nhận việc sản xuất theo tiêu chuẩn của đạo Hồi) của Malaysia có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường hơn, mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa. 

Tham gia RCEP, Malaysia vẫn có thể tiếp tục là nguồn FDI quan trọng của Việt Nam, bởi Malaysia có một nguồn vốn dồi dào, thậm chí là dư thừa. Malaysia cũng có khả năng huy động những nguồn vốn lớn trên các thị trường thế giới. Nếu bắt tay hợp tác trong lĩnh vực này, hai nước có thể thu hút được nguồn FDI nhiều hơn từ bên ngoài. 

Ngoài ra, dịch vụ vốn và tài chính cũng là một lĩnh vực mà Việt Nam và Malaysia có tiềm năng to lớn và có thể khai thác sau khi ký kết RCEP. Trong thời gian qua, Malaysia và Campuchia đã hợp tác khá thành công trong lĩnh vực này và điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực giữa Việt Nam và Malaysia. 

Tuy nhiên, theo Giáo sư Hoo Ke Ping, khi nói đến RCEP, các nước tham gia không chỉ nên nhìn đến những lợi ích mà nó mang lại. Việt Nam, Malaysia và các nước khác cũng cần xem xét những khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh hiện nay. 

Vị chuyên gia, từng viết nhiều cuốn sách về kinh tế trong đó có cuốn về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, cho rằng, sau khi ký kết, tất cả các nước tham gia RCEP sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn xuất phát từ xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc. Những xung đột này đã biểu lộ rõ qua việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và sự đảo ngược dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua. Một khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, động lực cho quá trình đảo ngược xu thế toàn cầu hóa sẽ tăng tốc. Sự đảo ngược này sẽ cản trở hoạt động của bất kỳ khối thương mại nào.

Theo ông Hoo, Trung Quốc, thành viên lớn nhất của RCEP, hiện lâm vào tình trạng tăng trưởng âm. Nhập khẩu của nước này sụt giảm trong 15 tháng liên tiếp và điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia xuất khẩu trong RCEP. Cùng với đó, dòng vốn FDI rời khỏi Trung Quốc đang tăng tốc với điểm đến thay thế là các thành viên khác của RCEP, như Nhật Bản, Hàn Quốc... Chuyên gia này đặt câu hỏi, tương lai của RCEP sẽ ra sao trước xu hướng dịch chuyển vốn này? 

Trong khi Trung Quốc đang đối mặt với tăng trưởng chậm lại thì các nước thành viên khác của RCEP như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam lại đang thực sự phát triển nhanh hơn. Trong tình hình như vậy, dưới tác động của xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, vai trò của Trung Quốc trong RCEP có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Hoàng Nhương - Mạnh Tuân (PV TTXVN tại Kuala Lumpur)
Thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Malaysia sớm đạt mức 15 tỷ USD
Thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Malaysia sớm đạt mức 15 tỷ USD

Chiều 23/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin để trao đổi về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN