Nghị quyết gia nhập Công ước 105 của ILO về Xóa bỏ lao động cưỡng bức

Quốc hội Việt Nam quyết nghị gia nhập và áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105 được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 25/6/1957 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức với tỷ lệ 95,24% số đại biểu tán thành. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức với tỷ lệ 95,24% số đại biểu tán thành. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 104/2020/QH14 gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức (Công ước số 105).

Theo Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị gia nhập Công ước số 105 được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế thông qua ngày 25/6/1957 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Về áp dụng điều ước quốc tế, Quốc hội quyết nghị áp dụng trực tiếp toàn bộ nội dung của Công ước số 105.

Nghị quyết nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Công ước số 105; phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương, địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 105; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 105 và những nội dung liên quan để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân.

[Phê chuẩn Công ước số 105: Việt Nam cam kết xóa bỏ lao động cưỡng bức]

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đối ngoại về việc gia nhập Công ước số 105 và thông báo thời điểm Công ước số 105 có hiệu lực đối với Việt Nam.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục