Những tình tiết 'gay cấn' khi xét xử liên quan đến DAB - giai đoạn 2

Những hành vi phạm tội của các bị cáo dẫn đến thiệt hại hàng nghìn tỷ cho ngân hàng. 

Ngày 23/6 vừa qua, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB ) và 11 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản," gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng - là giai đoạn 2 của vụ án này. Kết thúc phần xét hỏi, dư luận đã phần nào hiểu được những hành vi phạm tội của các bị cáo dẫn đến thiệt hại hàng nghìn tỷ cho ngân hàng. 

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 23/6/2020. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

DAB lỗ lũy kế hơn 30.000 tỷ đồng

Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) được thành lập năm 1992, đến nay đã 39 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng; có 100% cổ đông trong nước, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%. Trong đó, nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24%; nhóm Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%; nhóm Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73%; Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 12,79%. Ông Trần Phương Bình giữ chức Tổng Giám đốc DAB từ ngày 25/3/1998 đến ngày 20/8/2015; giữ chức Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB từ ngày 19/1/2006 đến ngày 20/8/2015.

Trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2013, Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo trong vụ án và các đối tượng liên quan thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc cho 4 nhóm khách hàng gồm các Công ty Hiệp Phú Gia và Công ty Thái Thịnh (gọi tắt là nhóm TTC), Đồng Tiến, nhóm M&C, Tân Vạn Hưng vay, gây thiệt hại cho ngân hàng 8.751 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trần Phương Bình đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 75,6 tỷ đồng, khi nhờ một số cá nhân đứng tên vay tiền tại DAB rồi chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu, nộp khống, chiếm đoạt của DAB số tiền này.

Theo cáo trạng, hành vi của Trần Phương Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB bị lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu bị âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực của ngân hàng chỉ còn 47.011 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 1 của vụ án, Trần Phương Bình và 25 đồng phạm đã có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái quy định gây thiệt hại cho DAB 3.608 tỷ đồng. Bị cáo Trần Phương Bình đã bị tuyên phạt mức án chung thân.

“Vỡ mộng” với dự án đất “vàng”

Là một trong 4 nhóm khách hàng vay của DAB dẫn đến thiệt hại, khoản vay của Công ty M&C khiến dư luận quan tâm hơn cả do dính đến dự án Sài Gòn M&C (còn gọi là Sài Gòn One Tower, địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1), nằm ở một vị trí “vàng” của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hiện đang bị bỏ hoang dù đã hoàn thành phần lớn công trình.

Năm 2007, Trần Phương Bình gặp Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty M&C) và được biết ông Khánh đang đầu tư dự án Sài Gòn M&C, rất có nhu cầu về vốn. Ông Bình đánh giá đây là dự án có vị trí chiến lược, DAB có thể thuê hoặc mua một phần để làm trụ sở, thuận tiện cho việc giao dịch kinh doanh, nên đồng ý tài trợ tiền và đề nghị ông Khánh cho DAB cùng cá nhân ông Bình mua 5% cổ phần Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C (công ty con, thực hiện dự án cao ốc).

DAB sau đó tài trợ vốn bằng hình thức cho công ty con này vay 679 tỷ vốn dài hạn, có tài sản đảm bảo là một phần tài sản hình thành trong tương lai từ dự án. Đồng thời, ông Bình cho một số cá nhân là nhân viên của Khánh đứng tên vay vốn để hợp tác đầu tư với Công ty M&C thực hiện dự án với mục đích có thêm cơ hội mua sản phẩm khi cao ốc hoàn thiện. Thế nhưng, dự án không được thực hiện như kế hoạch, công trình đến nay không đi vào hoạt động mà bỏ hoang. Tính đến ngày 30/6/2017, khoản vay của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C có dư nợ tính là 854,04 tỷ đồng; hiện DAB ký hợp đồng bán khoản nợ này cho Công ty quản lý tài sản VAMC với giá 679,94 tỷ đồng.

Một dự án “vỡ mộng” khác của ông Trần Phương Bình khi hợp tác với Phùng Ngọc Khánh là dự án Sài Gòn – Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2011, Phùng Ngọc Khánh trao đổi với Trần Phương Bình về việc Công ty M&C cần vay vốn tại DAB để hợp tác đầu tư vào dự án Sài Gòn - Ba Son, thời điểm này dự án đã được Bộ Quốc Phòng chấp thuận chủ trương giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ba Son (gọi tắt là Công ty Ba Son, thuộc Bộ Quốc phòng) đầu tư, xây dựng. Phùng Ngọc Khánh đề nghị vay 500 tỷ đồng để đặt cọc cho Công ty Ba Son để hợp tác đầu tư dự án là tháp căn hộ 38 tầng thuộc dự án khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba son.

Do thời điểm đó, Công ty M&C đang có dư nợ lớn tại DAB nên Trần Phương Bình không đồng ý cho vay. Sau đó, ông Bình nhận thấy đây là dự án có khả năng đem lại nguồn lợi về kinh tế có thể giúp Công ty M&C trả được nợ cho DAB nếu được hợp tác đầu tư xây dựng với Công ty Ba Son; đồng thời, ông Bình cũng muốn đầu tư vào dự án để có nguồn tiền bù cho việc âm quỹ tại DAB. Trần Phương Bình đã thông qua Công ty cổ phần Vốn An Bình (Công ty này do ông Bình thành lập và nhờ em vợ là bà Cao Thị Ngọc Hồng làm người đứng tên đại diện theo pháp luật) để hợp tác đầu tư với Công ty M&C thực hiện dự án. Sau đó bằng nhiều “thủ thuật”, số tiền 250 tỷ đồng đã đến Công ty M&C. Khi nhận được tiền, Phùng Ngọc Khánh chuyển cho Công ty Ba Son.

Thế nhưng đến năm 2012, do Phùng Ngọc Khánh không thu xếp được 250 tỷ đồng còn lại để chuyển cho Công ty Ba Son. Công ty M&C không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thỏa thuận hợp tác, Công ty Ba Son sau đó thanh lý hợp đồng. Việc này khiến hợp đồng hợp tác giữa Công ty M&C và DAB trở thành lập khống để hợp thức hóa hồ sơ vay. Trần Phương Bình đã bàn bạc và thống nhất để Phùng Ngọc Khánh sử dụng pháp nhân 4 công ty trong nhóm đứng tên vay 270 tỷ tại DAB để tất toán khoản vay cho Công ty cổ phần Vốn An Bình tại DAB, tài sản đảm bảo là quyền khai thác kinh doanh 15.300 m2 tháp căn hộ 38 tầng thuộc dự án khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son.

Cáo trạng khẳng định khẳng định, thời điểm nhận thế chấp tài sản và thời điểm giám định, DAB nhận thế chấp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai, quyền khai thác dự án khi tài sản bảo đảm chưa đáp ứng điều kiện pháp lý để làm tài sản bảo đảm, chưa công chứng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm tài sản thế chấp theo quy định. Thỏa thuận nhận thế chấp tài sản bảo đảm tại DAB không có xác nhận của Công ty Ba Son, đơn vị có quyền đối với quyền sử dụng đất và là chủ đầu tư dự án theo phê duyệt của Bộ Quốc phòng.

Tại phiên tòa, Trần Phương Bình thừa nhận mình duyệt hồ sơ như vậy là trái quy định pháp luật và lý giải rằng làm việc này với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp đáo hạn nợ cũ, không hề có ý trục lợi. Tổng cộng trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2013, Phùng Ngọc Khánh đã sử dụng pháp nhân của 11 Công ty thuộc nhóm khách hàng M&C và 10 cá nhân (là người quen, nhân viên) để vay vốn tại DAB với tổng số tiền vay là 7.106 tỷ đồng. Tính đến ngày 24/12/2018, dự nợ của nhóm này là hơn 7.739 tỷ đồng đồng; trong đó nợ gốc là hơn 3.500, còn lại là nợ lãi.

Công ty Ba Son và DAB đòi bồi thường thiệt hại

Trong quá trình điều tra, xét đây là khoản tiền đầu tư trái pháp luật, là vật chứng của vụ án nên Cơ quan điều tra đã gửi công văn đề nghị Công ty Ba Son chuyển 250 tỷ đồng về tài khoản tạm giữ của Bộ Công an. Tại phiên tòa ngày 26/6, Hội đồng xét xử thông báo đã nhận được tài liệu của Công ty Ba Son về việc chuyển số tiền trên đến Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, số tiền này có được xem xét để dùng khắc phục hậu quả hay không còn chờ phán quyết của tòa.

Lý giải thêm về việc này, đại diện Công ty Ba Son cho biết, nguyên tắc của Bộ Quốc phòng là sau khi ký kết hợp đồng, Công ty M&C chuyển tiền cọc thì Công ty Ba Son phải chuyển số tiền này về Cục tài chính - Bộ Quốc phòng. Cách đây 3 tháng, Cục tài chính - Bộ Quốc phòng đã chuyển số tiền này cho Cơ quan điều tra Bộ Công an. Sau đó, Bộ Công an đã chuyển số tiền này cho Cục thi hành án dân sự.

Đại diện Công ty Ba Son đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết thiệt hại của Công ty Ba Son và tiền lãi phát sinh của khoản tiền 250 tỷ đồng. Bởi khi xây dựng nhà máy Ba Son mới, Bộ Quốc phòng đã ứng vốn 250 tỷ với kho bạc nhà nước. Do Công ty M&C không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên số tiền này bị kho bạc nhà nước tính lãi, đến nay số tiền lãi khoảng 22 tỷ đồng. Đồng thời, đại diện Công ty Ba Son cũng cho biết mình bị thiệt hại số tiền gồm 9 tỷ đồng của công ty và tiền lãi ngân hàng 17 tỷ, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Về phía nguyên đơn dân sự DAB, đại diện ngân hàng này đồng ý với tất cả khoản thiệt hại mà cáo trạng nêu. Tuy nhiên, đại diện DAB cho rằng do khối lượng hồ sơ quá lớn nên DAB đã sai sót trong việc tính toán thiệt hại 2 khoản vay liên quan đến nhóm khách hàng TTC. Cụ thể, tổng thiệt hại liên quan đến 2 khoản vay này sẽ là 3.153 tỷ (tăng 14 tỷ so với thiệt hại cáo trạng đưa ra). Đại diện DAB đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc cá nhân, doanh nghiệp đã gây thiệt hại cho DAB phải liên đới bồi thường cho DAB số tiền gốc và lãi phát sinh đến ngày đưa vụ án ra xét xử. Nếu các bên không thi hành, DAB sẽ được phát mãi tài sản thu hồi nợ.

Đối với hành vi lạm dụng chức vụ chiếm đoạt 75,6 tỷ của ông cựu Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình, DAB đề nghị Hội đồng xét xử tuyên ông Bình và các cá nhân đứng tên vay phải liên đới bồi thường số tiền này và 55 tỷ tiền lãi phát sinh. Tại tòa, khi được hỏi ý kiến về các khoản tiền DAB đòi bồi thường, bị cáo Trần Phương Bình cho rằng ông đồng ý với tất cả các khoản yêu cầu trên.

Xét xử liên tục trong 4 ngày, phiên tòa kết thúc phần xét hỏi. Dự kiến ngày 2/7, đại diện Viện Kiểm sát sẽ nêu quan điểm xử lý trách nhiệm hình sự và dân sự trong vụ án.

Hà Chung (TTXVN)
Trần Phương Bình và đồng phạm hầu tòa trong vụ án DAB - giai đoạn 2
Trần Phương Bình và đồng phạm hầu tòa trong vụ án DAB - giai đoạn 2

Trước đó, giai đoạn 1 của vụ án, Trần Phương Bình và 25 đồng phạm đã có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm trái quy định gây thiệt hại cho DAB 3.608 tỉ đồng. Trần Phương Bình đã bị tuyên phạt mức án chung thân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN