Google, Apple gỡ ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm lưu hành

Bộ Công nghệ Ấn Độ tuyên bố các ứng dụng như TikTok, WeChat của Trung Quốc có thể gây tổn hại tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự xã hội của Ấn Độ.
Google, Apple gỡ ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm lưu hành ảnh 1Ấn Độ cấm sử dụng nhiều ứng dụng điện thoại di động của Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục leo thang sau khi Ấn Độ ngày 29/6 ra lệnh cấm sử dụng 59 ứng dụng điện thoại di động, chủ yếu của Trung Quốc, trong đó có TikTok của Bytedance, WeChat của Tencent.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Công nghệ Ấn Độ đã ra tuyên bố nêu rõ các ứng dụng trên "liên quan đến các hoạt động... gây tổn hại tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ, cũng như quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự công cộng của Ấn Độ."

Sau tuyên bố trên, Google và Apple sẽ phải dỡ bỏ các ứng dụng này trong các kho ứng dụng của hệ điều hành Android và iOS.

Dư luận cho rằng lệnh cấm trên sẽ khiến các công ty Trung Quốc gặp khó tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới.

Công ty Bytedance, có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc, dự định đầu tư 1 tỷ USD tại Ấn Độ, mở một trung tâm dữ liệu địa phương. Hiện, công ty này đã bắt đầu tuyển dụng quốc gia Nam Á.

Tháng Tư vừa qua, công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower cho biết Ấn Độ là thị trường cài đặt ứng dụng TikTok lớn nhất thế giới, với 120 triệu người sử dụng và 611 triệu lượt tải về, chiếm 30,3% tổng số lượt tải về của ứng dụng này trên khắp thế giới.

Trong số các ứng dụng bị Ấn Độ cấm sử dụng còn có WeChat của Tencent (hơn 100 triệu lượt tải về trên hệ điều hành Android của Google), UC Browser của Alibaba và 2 ứng dụng của Xiaomi.

[Các ứng dụng Trung Quốc đang kiếm hàng 'tiền tấn 'từ người dùng Mỹ]

Google cho biết vẫn đang đợi sắc lệnh của Chính phủ Ấn Độ, trong khi Apple và Bytedance chưa đưa ra bình luận.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về quyết định trên của Ấn Độ, đồng thời cho biết đang kiểm tra để đánh giá tình hình.

Phát biểu tại cuộc họp báo hằng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng New Delhi phải có trách nhiệm duy trì quyền lợi của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo ông, Trung Quốc luôn yêu cầu các công ty nước này tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như của địa phương nơi họ hoạt động.

TikTok cũng khẳng định tuân thủ tất cả quy định an ninh và bảo mật dữ liệu theo luật pháp Ấn Độ và công ty này không chia sẻ thông tin của những người dùng ở Ấn Độ với bất kỳ chính quyền nước ngoài nào, trong đó có chính quyền Trung Quốc.

Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng sau một loạt cuộc đụng độ giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh gần hồ Pangong.

Cuối tháng trước, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sỹ đáng kể đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sỹ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) .

Căng thẳng leo thang sau khi binh lính hai nước đụng độ tại thung lũng Galwan đêm 15/6. Quân đội Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sỹ nước này đã thiệt mạng. Hai bên đã cáo buộc lẫn nhau không giữ cam kết tôn trọng LAC.

Kể từ sau vụ việc trên, New Delhi và Bắc Kinh đã tổ chức nhiều vòng đàm phán quân sự để ngăn chặn các sự cố tương tự.

Hôm 16/6, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã điện đàm để trao đổi tình hình, đồng thời nhất trí hạ nhiệt tình hình càng sớm càng tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục