Thúc đẩy ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn

Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ mở ra nhiều cơ hội thương mại hóa, hợp tác, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, viện, trường, kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thúc đẩy ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn ảnh 1Các đơn vị ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ tại sự kiện trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ 2019 (TechDemo 2019). (Nguồn: TTXVN)

Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013, đến nay đã đem lại nhiều kết quả rõ nét.

Nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn để từng bước phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết đến năm 2019, đã có 52 nhiệm vụ được phê duyệt với tổng kinh phí 256 tỷ đồng, trong đó thu hút được hơn 100 tỷ đồng chi phí đối ứng từ doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ, góp phần tạo động lực, thúc đẩy hiệu quả các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, phát triển thị trường.

Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 mở ra nhiều cơ hội thương mại hóa, hợp tác, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, viện, trường, thúc đẩy hoạt động kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng như thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo, sản phẩm của các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các dự án truyền thông, liên kết các cộng đồng sáng tạo trong khối viện, trường đã góp phần vào việc giới thiệu, quảng bá các điển hình công nghệ, sản phẩm công nghệ, ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy hoạt động kết nối trong cộng đồng sáng tạo trên thị trường khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, các sự kiện IctComm, GrowTech, TechDemo hay Techfest năm 2019 vừa qua đã đem đến những kết quả về kết nối cung-cầu công nghệ ấn tượng, góp phần quan trọng thúc đẩy ứng dụng các đề tài nghiên cứu vào thực tiễn, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Điển hình là trình diễn, kết nối cung-cầu công nghệ 2019 (TechDemo 2019) đã có 12 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ với tổng giá trị trên 500 tỷ đồng; có 10 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư và trao ghi nhớ đầu tư của tỉnh Gia Lai với tổng kinh phí gần 20.000 tỷ đồng.

Techfest Vietnam 2019 với chủ đề “Nguồn lực hội tụ” đã tạo ra cơ hội cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều hoạt động thúc đẩy kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hướng tới gắn kết, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực về khởi nghiệp sáng tạo...

Thúc đẩy ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn ảnh 2Nghi thức khai mạc Techfest 2019. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hiệu quả bước đầu của Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 đã được khẳng định, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam, góp phần tăng trưởng giao dịch công nghệ bình quân 16%/năm.

Tổ chức trung gian tăng trưởng mạnh về số lượng cùng với sự chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ, thành lập mới theo mô hình doanh nghiệp, tạo ra các mô hình thương mại hóa mới, đem lại nhiều kết quả tích cực, ứng dụng vào thực tiễn.

Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn

Từ đầu năm 2020, dù ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 xảy ra và diễn biến phức tạp nhưng nhiều kết quả, tiến độ đề tài, dự án hỗ trợ thương mại hóa vẫn được thực hiện theo tiến độ.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ nhấn mạnh việc phát huy được các lợi thế công nghệ cùng với khai thác tốt các hoạt động hỗ trợ thương mại từ nguồn ngân sách nhà nước, sản phẩm của các dự án được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế.

Tiêu biểu như Dự án Hỗ trợ thương mại hóa quy trình công nghệ sản xuất vòng tẩm progesteron (vòng ProB) nâng cao sức sinh sản trâu bò với kết quả nghiên cứu của phó giáo sư, tiến sỹ Sử Thanh Long (Khoa Thú y, Học viên Nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Hệ thống điện, nước, khí được thiết lế lắp đặt hệ thống máy móc, khuôn vòng, nhà xưởng với công suất vận hành theo quy mô công nghiệp 150.000 vòng/năm… sẽ có giá thành rẻ, chất lượng tương đương với sản phẩm vòng nhập khẩu, góp phần thúc đẩy việc phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt và trên cả đàn trâu, bò ở Việt Nam.

Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa công nghệ chế tạo một số thiết bị chuyên dụng chữa cháy rừng thương hiệu Việt Nam" cũng đã hoàn thiện gồm: bộ tài liệu thiết kế và quy trình công nghệ chế tạo sản xuất một số thiết bị chuyên dụng chữa cháy rừng thương hiệu Việt Nam được nghiệm thu cấp cơ sở; xe chữa cháy rừng đa năng được tích hợp thiết bị chữa cháy chuyên dụng...

[Phát huy giá trị nền tảng, tạo thế, lực phát triển khoa học-công nghệ]

Từ hỗ trợ thương mại hóa công nghệ của Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020, thiết bị chuyên dụng chữa cháy rừng có giá rẻ sẽ được sản xuất hàng loạt để phục vụ nhu cầu cấp thiết về thiết bị chữa cháy rừng hiện nay ở Việt Nam, góp phần hạn chế diện tích rừng bị cháy, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường rừng.

Dự án “Hỗ trợ thương mại hóa quy trình công nghệ sản xuất một số sản phẩm hỗ trợ phòng và điều trị ung thư từ cây xạ đen” do Công ty cổ phần Nghiên cứu phát triển dược liệu Hòa Bình chủ trì thực hiện cũng đã bước đầu ra mắt các nhóm sản phẩm chức năng từ cây xạ đen.

Thông qua sự hỗ trợ của Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020, sản phẩm từ dự án có thể giúp sử dụng hiệu quả nguồn dược liệu trong nước, đặc biệt là dược liệu trồng của tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, sản phẩm có thể thay thế được các sản phẩm nhập ngoại với chi phí rẻ hơn, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân trong nước.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn như hỗ trợ giải quyết các thủ tục tài chính, hỗ trợ các đơn vị thực hiện các hoạt động báo cáo, xác nhận khối lượng công việc đã thực hiện để hoàn thiện các quy trình sản xuất và thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ theo đúng yêu cầu, tiến độ... để thúc đẩy ứng dụng các đề tài nghiên cứu vào thực tiễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục