Xử sơ thẩm 7 đối tượng trong vụ hạ độc hàng ngàn cây thông ở Lâm Đồng

Nguyễn Quốc Huy thuê Ngô Văn Diệm hủy hoại tài sản với tổng giá trị thiệt hại 203.961.200 đồng; số lượng thông bị đầu độc, chết trong vụ này lên tới 3.421 cây thông 3 lá gần 20 năm tuổi.
Xử sơ thẩm 7 đối tượng trong vụ hạ độc hàng ngàn cây thông ở Lâm Đồng ảnh 1Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ngày 29/6, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử 7 bị cáo trong vụ hạ độc hơn 3.400 cây thông của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 7 bị cáo tổng cộng hơn 32 năm tù về hành vi hủy hoại tài sản và hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo cáo trạng số 19/VKS-P2 ngày 11/5/2020 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Bạch Đình Kế (sinh năm 1982, trú tại thôn Tân Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà) có quen biết với Ngô Văn Diệm (sinh năm 1984, trú tại thôn 10, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà).

Vào khoảng tháng 3/2019, Kế đặt vấn đề nói Diệm vào khu vực rừng thông của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai tại Tiểu khu 292 thuộc thôn 10, xã Tân Thanh để ken phá, làm cho thông chết với diện tích khoảng 7ha nhằm lấn chiếm đất sản xuất (khu vực này giáp ranh với rãy của Kế).

Khi xong việc, Kế sẽ trả công cho Diệm 50 triệu đồng và Diệm đã đồng ý. Sau đó, Kế đến tiệm thuốc mua 2 thùng thuốc diệt cỏ Comfoce và bảo Diệm chở số hóa chất đó về nhà.

[Vụ phá rừng thông 20 năm tuổi: Hàng chục cây thông tiếp tục bị đốn hạ]

Cuối tháng 3/2019, Diệm liên hệ với Phan Văn Trường (sinh năm 1993, trú tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà), trả công cho Trường 500.000 đồng/ngày và cả hai đã dùng khoan điện khoan vào thân cây thông rồi bơm thuốc diệt cỏ vào lỗ khoan.

Cả hai đã khoan trong 2 đêm, hủy hoại 433 cây thông trên diện tích hơn 9.400m2. Sau đó, Diệm tiếp tục thuê Trường cùng Dương Văn Hồng (sinh năm 1967, trú tại xã Nam Ban, huyện Lâm Hà); Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1996, trú tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) tiếp tục phá thông tại diện tích còn lại.

Hậu quả 2.439 cây thông 3 lá trên toàn bộ diện tích 71.150m2, trồng từ năm 2002, ở lô b3, b4 thuộc Tiểu khu 292 đã bị chết, với khối lượng trên 466m3 gỗ thông 3 lá, trị giá thiệt hại trên 558 triệu đồng.

Sau khi ken phá xong diện tích thông tại lô b3, b4 được 3 ngày, Nguyễn Quốc Huy (sinh năm 1989, trú tại thôn Nhân Hòa, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà) lại thuê Ngô Văn Diệm phá thông tại lô b1, b2 cũng thuộc Tiểu khu 292 để chiếm đất sản xuất và hứa trả công 30 triệu đồng.

Huy cũng chuẩn bị thuốc diệt cỏ cho Diệm để đầu độc thông. Diệm tiếp tục thuê Dương Văn Hồng và Nguyễn Văn Lợi khoan gốc, bơm thuốc diệt cỏ làm chết 982 cây thông 3 lá trên toàn bộ diện tích 29.900m2 do Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai trồng từ năm 2002, khối lượng lâm sản thiệt hại trên 172m3, tổng giá trị thiệt hại gần 204 triệu đồng.

Theo Kết luận của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng: Bạch Đình Kế đã thuê Ngô Văn Diệm hủy hoại tài sản là cây thông của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai với tổng giá trị thiệt hại 558.279.200 đồng.

Nguyễn Quốc Huy thuê Ngô Văn Diệm hủy hoại tài sản là cây thông của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai với tổng giá trị thiệt hại 203.961.200 đồng. Số lượng thông bị đầu độc, chết đứng trong vụ này lên tới 3.421 cây thông 3 lá gần 20 năm tuổi, trên toàn bộ diện tích 101.050m2 (10,1ha), với tổng giá trị tài sản 762.240.400 đồng.

Ngoài ra, bị cáo Mai Ngọc Hiên, sinh năm 1979, trú tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà là nhân viên Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà (thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai) cũng bị truy tố về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Cụ thể bị cáo đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công; chưa thường xuyên tuần tra, kiểm soát hết khu rừng được giao quản lý; không phát hiện ngăn chặn kịp thời vụ khoan cây, đổ hóa chất diễn ra trong thời gian dài. Hiên đã để xảy ra thiệt hại 762.240.400 đồng cho Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cải, đồng thời xin lỗi người bị hại là Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai.

Xử sơ thẩm 7 đối tượng trong vụ hạ độc hàng ngàn cây thông ở Lâm Đồng ảnh 2Hơn 1ha cây thông bị triệt hạ tại Lâm Đồng, mỗi cây có đường kính từ 20-40 cm, cá biệt có cây 60cm. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Kết quả Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng do Thẩm phán Nguyễn Kim Đồng làm Chủ tọa đã tuyên phạt 6 bị cáo là Bạch Đình Kế 6 năm tù; Ngô Văn Diệm 7 năm tù; Dương Văn Hồng 5 năm tù; Nguyễn Văn Lợi 5 năm tù; Nguyễn Quốc Huy 4 năm tù; Phan Văn Trường 4 năm tù về hành vi hủy hoại tài sản.

Riêng bị cáo Mai Ngọc Hiên bị tuyên phạt 15 tháng tù về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Trước đó, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã lên kế hoạch xét xử lưu động 6 bị can vì hành vi hủy hoại tài sản tại huyện Lâm Hà. Sau đó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng rút lại hồ sơ, truy tố bổ sung bị cáo Mai Ngọc Hiên về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Như TTXVN đã đưa tin, ngày 26/4/2019, nhân viên Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà - Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai đã phát hiện hàng ngàn cây thông do đơn vị trồng ở tiểu khu 292, thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà bị đỏ lá và bắt đầu chết khô.

Sau đó, chủ rừng đã tổ chức kiểm tra, xác định có hơn 3.400 cây thông trồng từ năm 2002 bị kẻ gian dùng khoan điện khoan vào gốc và bơm hóa chất diệt cỏ qua lỗ khoan. Hậu quả là toàn bộ số cây thông trên diện tích trên 10ha, lá chuyển sang màu đỏ, bắt đầu chết mà không thể cứu chữa. Ngày 27/4, chủ rừng đã làm văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và huyện Lâm Hà.

Sau khi TTXVN thông tin về vụ việc, ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý vụ việc trên và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/5.

Ngay sau đó, ngày 9/5, lãnh đạo thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Lâm Hà khẩn trương điều tra làm rõ, đưa các đối tượng phá hoại ra xử lý trước pháp luật; đồng thời, tăng cường quản lý, không để xảy ra tình trạng phá rừng tại các địa phương khác trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục