Hãng hàng không Qantas Airways thông báo sa thải 6.000 nhân viên

Toàn bộ số việc làm bị cắt giảm được thực hiện trên cả thương hiệu chính Qantas Airways và công ty con Jetstar Airways.
Hãng hàng không Qantas Airways thông báo sa thải 6.000 nhân viên ảnh 1Máy bay của hãng hàng không Qantas Airways tại sân bay Sydney, Australia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng hàng không quốc gia Australia Qantas Airways ngày 25/6 thông báo kế hoạch sa thải 6.000 nhân viên trong nỗ lực cắt giảm chi phí nhằm duy trì hoạt động và hướng tới mục tiêu khôi phục nhanh nhất có thể sau đại dịch COVID-19.

Khoảng 1.450 việc làm tại các khu vực hiện đang bị “đóng băng” của Qantas sẽ phải dừng hoạt động, trong khi 1.500 nhân công dư thừa tại các bộ phận khai thác mặt đất bị sa thải, 1.050 tiếp viên, 630 thợ máy và 220 phi công đã nhận thông báo nghỉ việc.

[Qantas hủy hầu hết các chuyến bay quốc tế đến tháng 10]

Toàn bộ số việc làm bị cắt giảm được thực hiện trên cả thương hiệu chính Qantas Airways và công ty con Jetstar Airways.

Ngoài ra, Qantas cũng thông báo tạm ngừng khai thác 100 máy bay trong vòng 12 tháng và sẽ tiến hành huy động nguồn vốn mới lên tới 1,9 tỷ AUD (1,3 tỷ USD), như là một phần của chiến lược phục hồi trong vòng ba năm tới.

Giám đốc điều hành Qantas Airways, ông Alan Joyce, cho biết hãng này buộc phải tìm kiếm khả năng định vị lại doanh nghiệp trong vòng vài năm tới, khi mà thị trường hàng không thế giới phải mất nhiều thời gian nữa để trở lại quy mô như trước đại dịch và dự báo doanh thu chắc chắn sẽ giảm mạnh. Điều này có nghĩa Qantas sẽ trở thành một hãng hàng không quy mô nhỏ hơn trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, ông Joyce khẳng định thích nghi với thực tế là điều cần thiết.

Đại dịch COVID-19 đã “bóp nghẹt” ngành hàng không toàn cầu và thu hẹp quy mô hoạt động là cách để doanh nghiệp có thể “sống sót,” cũng như vực dậy nhanh nhất sau đại dịch.

Người đứng đầu Qantas cam kết sẽ cung cấp những bảo đảm tốt nhất cho toàn bộ số nhân viên phải nghỉ việc, bao gồm các khoản trợ cấp thôi việc, hỗ trợ tài chính dự phòng tự nguyện, ưu tiên tuyển dụng trở lại khi công ty có nhu cầu…

Trước đó, hãng hàng không lớn thứ hai của Xứ chuột túi, Virgin Australia, cũng đã buộc phải tuyên bố chuyển sang chế độ quản trị tự nguyện, với mong muốn tìm kiếm được các nhà đầu tư mới để khôi phục hoạt động, tránh bước vào tình trạng phá sản.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, hy vọng phục hồi của Virgin Australia là tương đối “mong manh,” khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy hãng đã tìm được các “mạnh thường quân” đủ mạnh để vực dậy doanh nghiệp này và chi trả cho một khoản nợ khổng lồ của hãng, lên đến 7 tỷ AUD (4,76 tỷ USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục