Mỹ sẽ đưa hàng nghìn binh sĩ rút khỏi Đức đến đâu?

Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien tiết lộ lực lượng binh sĩ nước này sắp rời Đức có thể sẽ được điều động tới Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trò chuyện với binh sĩ Mỹ đóng quân tại Grafenwoehr, Đức ngày 7/11/2019. Ảnh: AP

Theo đài Sputnik, ngày 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ý định rút gần 10.000 binh sĩ nước này khỏi Đức do quốc gia Trung Âu không trả đủ chi phí quốc phòng cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo quy định, mỗi quốc gia thành viên NATO phải chi ít nhất 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho ngân sách NATO. Tuy nhiên năm ngoái, Đức chỉ đóng góp 1,4% GDP.

Động thái rút quân khiến lượng binh sĩ Mỹ ở Đức giảm xuống còn 25.000 người. Tuy nhiên, Tướng Jeffrey Harrigian – người đứng đầu lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu – ngày 18/6 cho biết ông “chưa nhận được bất kỳ chỉ thị cụ thể nào về kế hoạch tái điều động quân”.

Trong một bài bình luận đăng trên Tạp chí Phố Wall ra ngày 21/6, cố vấn O’Brien lên tiếng bảo vệ quyết định của Mỹ, nhận định kiểu đóng quân như thời Chiến tranh Lạnh tại các quốc gia như Đức là “lỗi thời”. Sau đó, ông cho rằng thay vào đó, lực lượng này nên được triển khai tới các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương và có thể được sử dụng để đối đầu với Trung Quốc.

“Hàng nghìn binh sĩ có thể tái triển khai tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang duy trì hiện diện quân sự tại Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản cũng như có thể triển khai ở những địa điểm như Australia”, cố vấn an ninh O’Brien viết.

Cuối năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump đã vạch ra một kế hoạch chiến lược, nhấn mạnh trong tương lai Lầu Năm Góc nên chuyển hướng tập trung từ cuộc chiến khủng bố kéo dài 2 thập kỷ sang “cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc” với Nga và Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Robert Dujarric – Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Temple Tokyo, động thái rút quân ra khỏi Đức “không liên quan tới kế hoạch phòng thủ ở châu Á”, mà chỉ là Tổng thống Trump có vấn đề với NATO. Thực tế, trong bài viết của mình, cố vấn O’Brien kịch liệt chỉ trích Đức. Ông gọi Berlin là một đồng minh mập mờ. Ông chỉ ra Đức hợp tác với Nga trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 xây dựng dưới biển Baltic và không cứng rắn loại tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei ra khỏi mạng lưới xây dựng 5G. 

Cố vấn O’Brien lưu ý một lượng binh sĩ nhỏ sẽ vẫn ở lại các quốc gia châu Âu và có thể được điều động về phía Đông, tiến gần với Nga hơn. Nhật báo Ba Lan Dziennik Gazeta Prawna ngày 23/6 đưa tin số binh sĩ Mỹ sắp triển khai tại quốc gia này sẽ tăng gấp đôi, từ 1.000 lên 2.000. Bên cạnh đó, kho vũ khí của Không quân Mỹ tại đây cũng được mở rộng, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và các phương tiện vận chuyển.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Mỹ rút quân khỏi Đức: Đòn trả đũa của cựu Đại sứ Richard Grenell và hệ lụy
Mỹ rút quân khỏi Đức: Đòn trả đũa của cựu Đại sứ Richard Grenell và hệ lụy

Để trừng phạt Đức vì chậm trễ tăng chi tiêu quân sự, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn rút quân khỏi Đức. Giới quan sát nhận định, đây là động hành động nhỏ nhen của cựu Đại sứ Richard Grenell và sẽ gây hại đến lợi ích của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN