Tổng công ty Khí Việt Nam với mục tiêu tiếp cận chuỗi LNG toàn cầu

Với mục tiêu tiếp cận chuỗi LNG toàn cầu, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã chủ động nắm bắt cơ hội từ các chính sách cùng nội lực phát triển thị trường LNG tại Việt Nam.
Tổng công ty Khí Việt Nam với mục tiêu tiếp cận chuỗi LNG toàn cầu ảnh 1Người lao động Công ty PVGas. (Ảnh: pvn.vn)

Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu trong lĩnh vực năng lượng, trong đó phát triển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được ví như cánh cửa để bước ra thế giới.

Xác định mục tiêu này, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã chủ động nắm bắt cơ hội từ các chính sách cùng nội lực phát triển thị trường LNG tại Việt Nam.

Đòn bẩy chính sách

Lãnh đạo PV GAS chia sẻ, Nghị quyết 55-NQ/TW được Bộ Chính trị phê duyệt ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu cụ thể đối với ngành công nghiệp khí là đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Đồng thời, Nghị quyết 55 cũng chỉ ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu có liên quan đến ngành công nghiệp khí Việt Nam như: ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG; phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng, kết nối khu vực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế...

Thời gian qua, Chính phủ cũng có nhiều chủ trương chính sách khuyến phát triển ngành công nghiệp khí. Quyết định 60/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/01/2017 về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 cũng đã xác định rõ quan điểm đẩy mạnh hợp tác quốc tế; triển khai nhập khẩu LNG; hội nhập với thị trường khí trong khu vực, thế giới.

Cùng đó, các mục tiêu được đặt ra là nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sàng tiếp nhận, nhập khẩu LNG với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; hình thành và triển khai các dự án hợp tác sản xuất LNG ở nước ngoài, vận chuyển và phân phối tại Việt Nam.

Bám sát định hướng, trong kế hoạch 5 năm 2020-2025 và chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của PV GAS trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt cũng xác định rõ quan điểm phát triển là “nguồn LNG nhập khẩu là nguồn khí chính đảm bảo sự phát triển bền vững của PV GAS, của ngành công nghiệp khí Việt Nam.”

Bên cạnh đó, PV GAS tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngày càng lớn mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế; tham gia tích cực thị trường ngành khí quốc tế.

Từ Nghị quyết 55, Quyết định 60 và Chiến lược phát triển của PV GAS đều đã xác định rất rõ, nhập khẩu và phát triển LNG là một trong những giải pháp phát triển năng lượng bền vững của quốc gia nhằm bù đắp cho các nguồn nhiên liệu sơ cấp trong nước dần suy giảm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn mới, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng Việt Nam đang tăng cao.

Theo đánh giá của Hiệp hội khí thế giới, thị trường LNG toàn cầu đang dần trở thành một thị trường hàng hóa có tính thương mại cao được củng cố bằng sự tăng trưởng mạnh trong cung-cầu, mức độ đầu tư cho hạ tầng xuất nhập khẩu LNG, sự hình thành các trung tâm lớn nhập khẩu/phân phối LNG, sự phát triển khoa học, công nghệ trong chuỗi LNG, khuynh hướng dịch chuyển giá LNG neo theo giá dầu sang giá theo các trung tâm lớn nhập khẩu/phân phối LNG (hub), tính đa dạng cao của các thỏa thuận thương mại.

Thương mại quốc tế khí tự nhiên hóa lỏng LNG tiếp tục là một trong những phân khúc sôi động và phát triển mạnh mẽ trong chuỗi giá trị khí tự nhiên toàn cầu.

[PV GAS đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 45% so với doanh thu]

Nhiều nước phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... đã nhận thấy vai trò tích cực của LNG trong việc cung ứng nguồn năng lượng cho quốc gia và đã bắt đầu phát triển hạ tầng, nhập khẩu từ nhiều năm trước.

Hiện nay, ngoài việc đảm bảo nhu cầu năng lượng nội địa từ nguồn LNG nhập khẩu, các quốc gia này còn đóng góp tích cực với vai trò là nhà cung cấp LNG cho các nước lân cận. Điều này giúp hình thành các trung tâm xuất nhập khẩu LNG khu vực, góp phần quan trọng định hình chuỗi giá trị LNG khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tiếp cận chuỗi LNG toàn cầu

Với định hướng hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, PV GAS xác định qua cánh cửa LNG, Tổng công ty sẽ có điều kiện tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc và áp dụng kiến thức, kinh nghiệm, thông lệ quốc tế liên quan đến chuỗi giá trị LNG toàn cầu bao gồm các mảng đa dạng về chính sách pháp luật, đầu tư hạ tầng, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực.

Ngoài ra, thông qua mối liên kết với chuỗi giá trị LNG toàn cầu, PV GAS có cơ hội tiếp cận thời cơ, cũng như nắm bắt kịp thời các rủi ro của thị trường toàn cầu, thực hành, va chạm, tích lũy năng lực, kinh nghiệm, dần bước chân vào môi trường kinh doanh quốc tế đầy năng động và chuyên nghiệp.

Năm 2019, PV GAS đã khởi công xây dựng Dự án kho cảng LNG Thị Vải với công suất qua kho giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành năm 2022; giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành năm 2023.

Sau khi hoàn thành sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 khí cấp cho các khách hàng tiêu thụ gồm Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4, các khách hàng công nghiệp, bù đắp một phần lượng khí thiếu hụt trong nước sau năm 2022.

Cùng với kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ với tổng công suất dự kiến khi hoàn thành lên đến 10 triệu tấn LNG/năm, nhu cầu năng lượng cho khu vực Nam bộ trong tương lai về cơ bản cũng sẽ được đáp ứng.

Để chuẩn bị nguồn LNG khi có nhu cầu trong nước, PV GAS đã ký kết hợp đồng khung mua bán LNG (MSA - Master Sales Agreement) với hai nhà cung cấp Shell Singapore và Gazprom Marketing and Trading Singapore (GMTS) để có thể cung cấp các chuyến hàng LNG giao ngay khi PV GAS có nhu cầu.

Với các hợp đồng MSA, PV GAS có thể linh hoạt bổ sung thêm nguồn hàng LNG khi có nhu cầu thông qua việc phát yêu cầu chào mua đến các nhà cung cấp LNG.

Thống kê các giao dịch mua bán LNG giao ngay và ngắn hạn trong vòng 5 năm qua cho thấy, tổng khối lượng LNG giao dịch thông qua hình thức MSA tăng dần hàng năm và hiện đang chiếm tỷ trọng 30% tổng khối lượng LNG giao dịch trên thị trường.

Do vậy, trong thời gian tới, PV GAS sẽ tiếp tục ký kết các hợp đồng MSA với các nhà cung cấp LNG tăng số lượng lên từ 20-30 MSA để tăng tính cạnh tranh và linh hoạt trong việc thu xếp các chuyến hàng giao ngay.

Từ cuối năm 2019, PV GAS đã thành lập Chi nhánh kinh doanh LNG với chức năng phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí khô, LNG, condensate; xuất nhập khẩu LNG, condensate; kinh doanh dịch vụ vận chuyển các sản phẩm khí; thu gom, vận chuyển, tàng trữ khí và sản phẩm khí... nhằm tập trung xây dựng năng lực và phát triển thị trường LNG.

Phát triển lĩnh vực LNG là xu hướng tất yếu để đa dạng hoá nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước ngày càng tăng cao, trong khi sản lượng khí khai thác trong nước đang suy giảm và hoạt động thăm dò, tìm kiếm các nguồn dầu khí thay thế gặp nhiều khó khăn.

Do đó, với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí, PV GAS đã tiên phong trong lĩnh vực LNG, tạo ra năng lực sản xuất mới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục