Hiểm họa đổ cây trong trường học: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’

Hiểm họa đổ cây trong trường học: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng'

Hiện tượng cây xanh bật gốc, gãy đổ gây thiệt hại về người và tài sản dù là chuyện “nói rồi, khổ lắm, nói mãi” song vẫn còn nhiều bất cập trong việc chăm sóc, cắt tỉa cây xanh tại các trường học.
Hiểm họa đổ cây trong trường học: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng' ảnh 1Những cây xanh góp phần tạo cảnh quan, bóng mát reong khuôn viên trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Vấn đề thời sự trong những ngày qua là chuyện nhiều vụ cây xanh bị gãy đổ, nhất là sự cố cây phượng bật gốc trong sân trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng (Thành phố Hồ Chí Minh) vào sáng 26/5, khiến một học sinh lớp 6 tử vong và 12 học sinh bị thương.

Vẫn biết hiện tượng cây xanh bật gốc, gãy đổ gây thiệt hại về người, phương tiện giao thông và tài sản không phải là chuyện giờ mới bàn tới, song điều này cũng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý và chăm sóc cây xanh trong các trường học, nhất là vào mùa mưa bão. Bởi, nếu không thật sự quan tâm thì hiểm hoa vẫn rình rập và những tai nạn thương tâm như trên vẫn sẽ còn tiếp tục xảy ra...

Cần có quy định về việc trồng cây trong nhà trường

Trong câu chuyện với phóng viên VietnamPlus về việc chăm sóc cây xanh tại trường, sau sự cố nêu trên, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: Việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh là việc nhà trường vẫn làm thường xuyên hàng năm. Bởi cây xanh không chỉ đơn thuần là tạo bóng mát mà còn gắn bó với bao kỷ niệm của các thế hệ học trò khi tới trường.

Vì thế, ngoài nhiệm vụ dạy học, nhà trường vẫn thường xuyên kiểm tra "sức khỏe" của cây xanh, kiểm tra cây xanh có bị "bệnh tật" hay bị nghiêng, bị gãy hay không… để kịp thời xử lý. Ngoài ra, nhà trường cũng liên hệ với công ty công viên cây xanh, hàng năm đến hỗ trợ nhà trường kiểm tra cây xanh, đặc biệt là trước mùa mưa bão để cắt tỉa, đảm bảo an toàn cho học sinh, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.

Một kỷ niệm được thầy Bình nhắc đi nhắc lại với người viết, như một bài học kinh nghiệm, mà sau nhiều năm xa ngôi trường Việt Đức (nơi thầy từng công tác, gắn bó) là việc thay cây vú sữa ở trường Việt Đức, do các học sinh tặng làm kỷ niệm, nhưng vì bị sâu mọt, khô héo nên buộc thầy phải đưa ra quyết định thay thế bằng cây mới.

“Lúc ấy, rất nhiều giáo viên vì gắn bó với cây vú sữa nên cũng đưa ra hội nghị viên chức chất vấn là tại sao thầy lại thay một cái cây kỷ niệm đã gắn bó với bao thế hệ học trò? Tôi nói rằng cây nó cũng như con người, cũng có lúc bệnh tật, có những cây bệnh nặng như ung thư, nếu không thay thì cây chết, gây tai nạn. Vì vậy, nên cần thay cho an toàn, cũng là để đảm bảo cảnh quan cho trường,” thầy Bình chia sẻ.

[Vụ cây phượng đè lên nhiều học sinh: Một học sinh tử vong]

Theo thầy Bình, nói đến giáo dục, chúng ta không chỉ quan tâm đến phòng học, phòng thí nghiệm, sân trường,… mà còn cần phải quan tâm tới cây xanh. Đây là cơ sở để tạo nên một cảnh quan môi trường giáo dục cũng như gắn bó với tuổi học trò. Thế nhưng, điều đáng tiếc là quy hoạch cây xanh trong nhà trường vẫn chưa có, chưa được nói đến nhiều, thậm chí chưa được quan tâm.

“Lâu nay, phần lớn chúng ta mới chỉ quan tâm đến cây xanh ngoài đường, trong khi tai nạn do cây xanh ở trong trường đã có. Không chỉ sự cố cây gãy đổ khiến học sinh bị thương vong ở Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra mới đây, mà cách đây vài năm, tại trường Chu Văn An, cành cây bị gãy cũng đã từng khiến 2 em học sinh bị thương,” thầy Bình nhấn mạnh.

Với nhận định trên, thầy Bình cho rằng nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương hoặc công ty cây xanh có những quy định về việc kiểm tra, đánh giá "sức khỏe" của cây, không chỉ ở ngoài đường, không chỉ ở trong công viên mà ở cả trong trường học thì những vụ việc như trên sẽ không xảy ra hoặc nếu có xảy ra thì cũng chỉ ở cấp độ nhẹ.

Ngoài ra, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một quy định cụ thể về việc trồng cây ở trong nhà trường, nên trồng những loại cây nào để phù hợp với cảnh quan cũng như phù hợp với từng địa phương và gắn bó với tuổi học trò.

“Tôi cũng rất mong muốn là nên có một Thông tư liên tịch giữa nhà trường và công ty công viên cây xanh hoặc là môi trường đô thị vì từ trước đến nay chúng ta thường chỉ quan tâm đến cây xanh ở ngoài đường, còn trong nhà trường vẫn chưa thực sự được quan tâm một cách đúng mức nên đã có những sự việc đáng tiếc xảy ra như cành cây gẫy, đổ gây thương vong,” thầy Bình nói.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Quay trở lại câu chuyện cây xanh gãy đổ khiến 13 học sinh thương vong ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh liên hệ với công ty cây xanh có biện pháp kiểm tra, khắc phục tình trạng cây xanh có nguy cơ ngã đổ, bật gốc...

Ngoài ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường học thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là biện pháp cần thiết, tuy nhiên điều này lẽ ra cần phải được thực hiện từ rất lâu rồi chứ không phải đến tận lúc xảy ra tai nạn.

Vấn đề là, sau sự cố nghiêm trọng trên, các trường cần nhìn nhận nghiêm túc và có trách nhiệm hơn đồng thời càng không thể chậm trễ hơn nữa khi mùa mưa bão đã bắt đầu.

Một điều đáng quan tâm nữa là, từ trước tới nay, tai nạn do cây đổ gây thiệt hại về người và tài sản thường được cơ quan chức năng và nhiều người dân cho rằng là “họa vô đơn chí.” Vấn nạn mất an toàn từ cây xanh, nhất là cây xanh ở nơi có đông người như trường học, bệnh viện,... cũng từng xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng. Thế nhưng, dường như sự lo lắng ấy cũng chỉ bùng lên tức thời.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, mối “hiểm họa” này cần được nhìn nhận là trách nhiệm ngay từ khâu quản lý và ý thức bảo vệ cây xanh ngay trong các trường học, để không còn cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” chỉ bùng lên tức thời, rồi lại bị cuốn theo nhiều nỗi lo khác khiến người ta quên mất.

[Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi học sinh bị thương do cây đổ]

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus về thực trạng trên, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho rằng chăm sóc, cắt tải cây xanh là nhiệm vụ cần phải được thực hiện thường xuyên. Tại Hà Nội, năm nay, việc cắt tỉa cây xanh đã được chuẩn bị từ quý 4/2019. Tính đến tháng 6/2020, khối lượng cắt tỉa lên tới trên 20.000 cây có đường kính lớn.

Đối với cây trồng đô thị, trường học có danh mục riêng của Ủy ban Nhân dân thành phố cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông thường, cây trồng trong trường học, khuôn viên của tổ chức, thì các trường học, tổ chức đó có trách nhiệm quản lý. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội chỉ là một trong số những đơn vị thực hiện duy tu cây xanh trên địa bàn thành phố.

Riêng với các trường học, đại diện lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết sau sự cố đáng tiếc xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng trường học gọi điện đến công ty nhờ tư vấn cũng tăng nhiều hơn. Thậm chí, điện thoại của cán bộ phụ trách “luôn cháy máy”...

“Tất nhiên, khi nhận được thông tin của các trường thì chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác, phần lớn là phối hợp miễn phí,” ông Mạnh nói và mong muốn các trường học trên địa bàn thành phố cần có phương án cắt tỉa cây xanh thường xuyên và phối hợp với cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn trước khi triển khai nhằm đảm bảo an toàn./.

Một số hình ảnh về cây xanh ở Hà Nội:

Hiểm họa đổ cây trong trường học: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng' ảnh 2Các em học sinh vui chơi dưới bóng mát của những tán cây xanh trong trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Nội. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Hiểm họa đổ cây trong trường học: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng' ảnh 3Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây xanh. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Hiểm họa đổ cây trong trường học: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng' ảnh 4Những gốc cây sấu nhô trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Hiểm họa đổ cây trong trường học: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng' ảnh 5Công tác cắt, tỉa những cành cây trên cao nhằm đảm bảo an toàn. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Hiểm họa đổ cây trong trường học: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng' ảnh 6(Ảnh: H.V/Vietnam+)
Hiểm họa đổ cây trong trường học: Đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng' ảnh 7Cây xanh trên một tuyến đường ở Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục