TP.HCM: Tìm hướng giải quyết bất đồng giữa phụ huynh và trường quốc tế

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết bất đồng về học phí giữa phụ huynh và trường quốc tế.
TP.HCM: Tìm hướng giải quyết bất đồng giữa phụ huynh và trường quốc tế ảnh 1Giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng giảng dạy trực tuyến, cập nhật bài học cho sinh viên trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh. (Nguồn: Vietnam+)

Liên quan đến phản ánh của phụ huynh về mức thu học phí của một số trường quốc tế trong thời gian qua, chiều 26/5, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Sở đang tích cực trao đổi với các bên để có phương án giải quyết hợp lý, hài hòa lợi ích cho cả đôi bên.

Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sự việc xảy ra bất đồng giữa phụ huynh và các trường quốc tế trên địa bàn trong thời gian qua là do trong tình hình diễn biến dịch COVID-19, các trường phải thay đổi dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến không thống nhất mức học phí đối với khoảng thời gian dạy học trực tuyến.

“Mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường đã dẫn đến các buổi tụ tập đông người, có kéo băng rôn… gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, hình ảnh và môi trường đầu tư của Thành phố. Mấu chốt vấn đề này là chưa có được sự thấu hiểu của người dân và nhà trường. Có thoả thuận nhưng chưa thống nhất nên xảy ra phản ứng của phụ huynh,” ông Lê Hoài Nam nói.

Ông Lê Hoài Nam cho biết thêm khi nhận một số đơn “cầu cứu,” đơn phản ánh của phụ huynh, Sở đã cử phòng, ban chuyên môn phối hợp quận/huyện nơi trường đóng để xử lý các nội dung nhằm ổn định an ninh-xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, có một số phụ huynh không hợp tác. Bên cạnh đó, các trường đa số có chủ đầu tư ở nước ngoài, trụ sở chính ở nước ngoài.

[Bộ Giáo dục-Đào tạo thông tin về việc thu học phí và hỗ trợ học online]

Các trường quốc tế hoạt động theo quy chế của doanh nghiệp do đó mức học phí do nhà trường và phụ huynh tự thỏa thuận, Sở Giáo dục Đào tạo không thể can thiệp trực tiếp vào học phí của trường.

“Qua trao đổi với một số trường, đại dịch COVID -19 xảy ra ở quy mô toàn cầu, những nhà đầu tư có nhiều cơ sở giáo dục ở nhiều nước và đều bị ảnh hưởng. Do đó, khi trường áp dụng chính sách về học phí, các quyền lợi của học sinh phải đồng bộ, không thể giải quyết riêng cho từng trường hợp gây nên sự chậm trễ, dẫn đến không hiểu nhau giữa phụ huynh và học sinh với nhà trường,” Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm.

Cũng theo ông Lê Hoài Nam, ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã lường trước và đã có văn bản hướng dẫn về các khoản thu các trường công lập, tư thục.

Sở lưu ý đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo tính công khai cũng như nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.

Khi học sinh chuẩn bị đi học lại, Sở tiếp tục có văn bản hướng dẫn giải quyết, trong đó nhấn mạnh tổ chức gặp gỡ trao đổi với phụ huynh học sinh về các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, có tính công khai, có chính sách giảm trừ mức thu học phí với thời gian điều chỉnh khung kế hoạch năm học. Về cơ bản các trường đều thực hiện miễn giảm, giảm học phí và có tính toán lại mức thu.

Theo ông Lê Hoài Nam, mặc dù Sở Giáo và Đào tạo cùng các cơ quan chức năng đã cố gắng giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng vẫn chưa tạo sự đồng thuận, sự thấu hiểu giữa nhà trường và phụ huynh.

Do đó, trong thời gian tới nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra, Sở sẽ kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố thành lập tổ công tác liên ngành gồm các bên liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Thành phố, Cục Thuế để phối hợp giải quyết triệt để tình trạng trên, để không ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục