Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở Trung Đông nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Trung Đông đã thông báo nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Ngày 25/5, Thổ Nhĩ Kỳ, nước chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh ở Trung Đông, thông báo đã ghi nhận 987 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên 157.814 người.

Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng lên 4.369 người sau khi ghi nhận thêm 29 trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ qua. Các số liệu trên cho thấy tốc độ lây lan dịch bệnh ở Thổ Nhĩ Kỳ đang có những dấu hiệu chậm lại khi số ca nhiễm mới theo ngày duy trì ở mức 1.000 ca trong tuần qua.

Cùng ngày, giới chức Iran đã cho phép mở cửa trở lại một số đền thờ Hồi giáo của dòng Shiite trên cả nước sau hơn 2 tháng đóng cửa nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Bộ Y tế Iran cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2.023 ca nhiễm mới, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh lên 137.724 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này hồi cuối tháng Hai. Số ca tử vong cũng tăng lên 7.451 người trong khi 107.713 trường hợp đã khỏi bệnh.

Saudi Arabia, quốc gia cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, thông báo từng bước nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 28/5 cho đến khi cuộc sống trở lại bình thường nhưng vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội và dựa trên những báo cáo y tế về tình hình dịch bệnh.

Bộ trưởng Y tế Tawfiq Al-Rabiah cho biết dịch bệnh đã được kiểm soát và duy trì tỷ lệ tử vong thấp do cơ quan chức năng triển khai sớm các biện pháp phòng ngừa.

Dự kiến trong tuần này, Saudi Arabia sẽ điều chỉnh giờ giới nghiêm và tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn trên cả nước vào ngày 21/6 tới, ngoại trừ thánh địa Mecca. Lệnh cấm đi lại trong nước, hoạt động cầu nguyện tại các đền thờ Hồi giáo và việc hạn chế số người đến nơi làm việc ở cả khu vực chính phủ và tư nhân sẽ được dỡ bỏ từ ngày 31/5.

[Người dân một số nước quay trở lại cuộc sống bình thường trong lo lắng]

Riêng thánh địa Mecca, giờ giới nghiêm sẽ được điều chỉnh từ 15h hôm trước đến 6h sáng hôm sau và hoạt động cầu nguyện sẽ được phép tổ chức từ ngày 21/6.

Saudi Arabia ghi nhận 74.795 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 399 trường hợp tử vong.

Tại Israel, nước này ghi nhận 17 ca nhiễm mới, theo đó tổng số người mắc bệnh COVID-19 tăng lên 16.734 người.

Sau bốn ngày liên tiếp không có ca tử vong nào, ngày 25/5, Israel ghi nhận thêm hai người chết, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 281 người. Trước đó cùng ngày, Bộ Giao thông Israel thông báo khôi phục hoàn toàn hoạt động của hệ thống đường sắt từ ngày 8/6 tới.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ảnh 2Người Palestine phân phát thức ăn miễn phí nhân tháng lễ Ramadan ở Deir al-Balah, miền Trung Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cùng ngày, chính quyền Palestine cũng tuyên bố chấm dứt lệnh phong tỏa và triển khai các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh, dỡ bỏ ngay lập tức lệnh cấm đi lại giữa các thành phố và cho phép hoạt động giao thông công cộng được nối lại nhưng phải tuân thủ những quy định về an toàn.

Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye cho biết các cửa hàng, khu công nghiệp và trung tâm thương mại, bao gồm quán càphê, nhà hàng cũng như các địa điểm tôn giáo sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 26/5, trong khi các cơ quan chính quyền cũng trở lại hoạt động bình thường từ 27/5 sau khi kết thúc lễ Eid al-Fitr.

Hiện số ca nhiễm bệnh tại các vùng lãnh thổ Palestine là 602 người, trong đó có năm ca tử vong và 475 người đã khỏi bệnh. Ngày 25/5 không ghi nhận ca nhiễm mới nào.

Ngày 25/5, Bộ Y tế Qatar thông báo có thêm 1.751 người mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm bệnh lên 45.465 người. Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng thông báo 822 ca mắc mới, theo đó tổng số người nhiễm bệnh tại đây đã tăng lên 30.307 người. Bộ Y tế nước này cho biết có thêm ba ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 248 trường hợp.

Trong một thông cáo báo chí, Dubai - một trong các tiểu vương quốc của UAE, cho biết sẽ cho phép nối lại hoạt động kinh doanh và đi lại tự do từ ngày 27/5. Tuy nhiên, các biện pháp đảm bảo giãn cách xã hội và giữ vệ sinh vẫn phải được thực hiện.

Tại Kuwait, ngày 25/5, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 665 ca nhiễm mới và chín người tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 21.967 người và 165 người tử vong. Để kiềm chế dịch bệnh lây lan, Chính phủ Kuwait đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ.

Trong khi đó, Iraq thông báo số ca nhiễm bệnh cũng tăng lên 4.632 trường hợp sau khi có thêm 163 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua. Do đó, ngày 25/5, Ủy ban về giải quyết khủng hoảng của Quốc hội Iraq đã yêu cầu tái áp đặt lệnh giới nghiêm trên cả nước sau khi kết thúc lễ Eid al-Fitr nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại Jordan, cả khu vực công và tư nhân sẽ nối lại hoạt động từ ngày 26/5 sau hơn hai tháng tạm ngừng. Hiện số ca nhiễm bệnh tại Jordan là 711 người.

Liban và Syria cũng ghi nhận thêm các ca nhiễm mới và tổng số người mắc bệnh lần lượt tăng lên 1.119 người và 106 người.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ảnh 3Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, tại khu vực Bắc Phi, Ai Cập và Maroc cũng ghi nhận thêm các ca nhiễm mới.

Ngày 25/5, Ai Cập thông báo có thêm 702 ca nhiễm và 19 người chết, nâng tổng số người mắc bệnh lên 17.967 người và 783 trường hợp tử vong.

Ai Cập đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế và dần dần mở cửa trở lại các dịch vụ và văn phòng vốn phải đóng cửa từ giữa tháng 3 đến nay nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại Maroc, tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này đã tăng lên 7.532 người sau khi ghi nhận thêm 99 người mắc mới, và tổng số 200 người chết. Hiện 4.774 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Trong khi đó, tại châu Âu, ngày 25/5, Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis tuyên bố quốc gia này và Slovakia sẽ mở lại biên giới trong tuần này, cho phép người dân hai bên qua lại biên giới tối đa trong 48 giờ, bắt đầu từ ngày 27/5, mà không phải tiến hành xét nghiệm hay cách ly.

Cộng hòa Séc và Slovakia từng là một quốc gia trước khi tách rời vào năm 1993. Trong đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay, cả hai quốc gia này đều được đánh giá kiểm soát dịch hiệu quả. Theo đó, Slovakia là nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong EU trong khi số ca mắc tại Cộng hòa Séc cũng được kiềm chế ở mức thấp.

[Các nước châu Âu từng bước nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19]

Cộng hòa Séc cũng mở cửa biên giới với Áo và Đức từ ngày 26/5 nhưng yêu cầu người nhập cảnh cung cấp chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Hoạt động kiểm tra toàn diện tại biên giới sẽ được thay thế bằng hình thức kiểm tra ngẫu nhiên và vẫn không cho khách du lịch nhập cảnh.

Như vậy, công dân EU có thể đến Cộng hòa Séc để làm việc hoặc thăm gia đình và được ở lại tối đa 72 giờ nếu có chứng nhận âm tính với virus. Các đối tượng không phải công dân EU làm công việc mùa vụ tại Cộng hòa Séc cũng được nhập cảnh nếu có chứng nhận âm tính với virus. Tất cả các điểm kết nối đường bộ và đường sắt giữa Cộng hòa Séc với Áo và Đức sẽ được mở.

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ảnh 4Học sinh trở lại trường học ở Prague, Cộng hòa Séc sau khi lệnh hạn chế nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan được dỡ bỏ, ngày 25/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Từ ngày 18/5, Chính phủ Cộng hòa Séc đã cho phép các cửa hàng, quán bar, khách sạn, lâu đài vườn thú và bể bơi mở cửa trở lại đồng thời dỡ bỏ nhiều biện pháp phòng dịch. Người dân nước này cũng không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, trừ khi vào các nhà hàng và trên các phương tiên giao thông công cộng.

Nhiều sân bay như Brno-Tuřany, Karlovy Vary, Ostrava-Mošnov, Pardubice và Prague-Kbely bắt đầu được khai thác cho các chuyến bay trong khu vực Schengen. Cho đến nay, chỉ sân bay Vaclav Havel ở Praha mở cho các chuyến bay quốc tế. Dự kiến ngày 8/6 tới nước này sẽ nới lỏng hơn nữa hạn chế tại biên giới.

Luxembourg cũng thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 27/5, cho phép các quán càphê và nhà hàng mở cửa trở lại, các hoạt động kỷ niệm và nghi lễ tôn giáo cũng sẽ được tiến hành với các điều kiện nghiêm ngặt. Đến nay Luxembourgh đã ghi nhận 3.993 ca mắc COVID-19, trong đó có 110 ca tử vong. Quốc gia này yêu cầu các cửa hàng đóng cửa từ ngày 18/3 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Phát biểu họp báo ngày 25/5, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho biết các nhà hàng được phép mở cửa với tối đa 4 người ngồi cùng một bàn, các quán càphê và nhà hàng cũng có thể mở lại dịch vụ ăn uống trong nhà từ ngày 29/5 và phải đảm bảo khoảng cách 1,5m giữa các nhóm. Các quán càphê và nhà hàng không được phép hoạt động sua nửa đêm.

Lễ cưới và lễ tang cũng được phép tổ chức với điều kiện người tham gia phải đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách 2m. Rạp chiếu phim và phòng tập gym sẽ được hoạt động trở lại từ cuối tuần này nhưng công viên trẻ em vẫn tiếp tục đóng cửa.

Chính phủ Luxembourg cam kết tặng mỗi công dân trên 16 tuổi một phiếu tặng 50 euro (54 USD) để nghỉ tại các khách sạn nhằm khuyến khích tiêu dùng trong lĩnh vực này. Khoảng 200.000 lao động từ Bỉ, Pháp và Đức tới quốc gia này cũng sẽ được phát phiếu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục