Quan điểm khác nhau về quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài; hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư... Tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu sẽ thảo luận và biểu quyết dự án Luật.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp sáng 23/5/2020. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua gồm 7 chương với 81 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 8 và Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 43, dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước.

Trong nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, Chính phủ đề xuất bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề; bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư; đồng thời tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật, động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2, 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về nội dung này, dự án Luật đề xuất hai phương án. Phương án 1 là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h, khoản 1, Điều 6 mà quy định tại danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành; bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. Phương án 2 là giữ  như quy định tại dự án Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Ủy ban đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 43 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cùng chung quan điểm đề nghị không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Tuy nhiên, để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này; hoặc có thể xem xét đổi tên “dịch vụ đòi nợ thuê” thành tên gọi “dịch vụ xử lý nợ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu có quan điểm nên giữ nguyên như dự thảo mà Chính phủ trình là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bởi lẽ, quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền hiện đại; các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. “Quan hệ dân sự thì đã có các thiết chế giải quyết như trọng tài, tòa án, hòa giải. Tại sao không dùng các thiết chế hiện có mà phải qua trung gian đòi nợ thuê?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, ban đầu cho phép dịch vụ đòi nợ vì đánh giá sẽ giải quyết được yêu cầu đặt ra, song thực tế trong quá trình thực thi không mang lại hiệu quả tốt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, để lại nhiều hệ lụy.

Ở góc độ khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong điều kiện hiện nay, dịch vụ đòi nợ là một thực tế. Không ít trường hợp đã lợi dụng, biến tướng nhưng nguyên nhân là do chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này cũng như chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

“Do quản lý kém nên để biến tướng, còn đây là cơ chế thị trường, là yêu cầu thực tế. Vì vậy, tôi nhất trí không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhưng cần tiếp tục quy định tại Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như luật hiện hành và phải nghiên cứu, bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này, khắc phục những biến tướng đã xảy ra trong thực tế, chứ không phải quản lý không được thì cấm”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Tuy nhiên, để đạt được sự thống nhất đối với dự án Luật quan trọng này, Quốc hội cần làm rõ những ưu khuyết điểm đối với quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, lựa chọn đúng phương án của dự án Luật, đảm bảo sự đồng thuận của các cử tri trong bối cảnh hiện nay.

Thu Phương (TTXVN)
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Đảm bảo hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Đảm bảo hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội

Theo chương trình, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN