Ở nhà lầu, đi xe hơi 'lạc' vào hộ cận nghèo: Có lỗ hổng khi rà soát?

Quá trình chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại tỉnh Thanh Hóa đã làm lộ ra nhiều lãnh đạo xã có người thân “lạc” vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ở nhà lầu, đi xe hơi 'lạc' vào hộ cận nghèo: Có lỗ hổng khi rà soát? ảnh 1Ông Tô Đức, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi có những người còn khó khăn nhưng vẫn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, tự lực không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước thì vẫn có những người tranh thủ trục lợi chính sách khi ở một số địa phương hộ "cận nghèo" đang ở nhà lầu, đi xe hơi. Để làm rõ sự "tréo ngoe" này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tô Đức, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

- Ông đánh giá thế nào về câu chuyện cán bộ xã, hộ gia đình “lạc” vào hộ cận nghèo để hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước?

Ông Tô Đức: Qua phản ánh của báo chí và báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa thì đúng là có tình trạng hộ cận nghèo nhưng lại có nhà tiền tỷ, có xe ôtô, có điều kiện kinh tế khá giả. Từ góc độ cá nhân, tôi thật sự rất bức xúc, bất bình. Tôi cho rằng đây là những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh.” Chúng ta cần phải lên án mạnh mẽ và cần phải xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có liên quan vi phạm.

Các đoàn kiểm tra, giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương cho thấy tình trạng này đang diễn ra ở một số địa phương không chỉ Thanh Hóa. Qua phản ánh mới nhất thì người dân ở Hòa Bình cũng đang đề nghị xem xét lại danh sách hộ nghèo, cận nghèo.

- Quy trình xác định danh sách hộ nghèo, cận nghèo hiện nay được quy định như thế nào, thưa ông?

Ông Tô Đức: Tôi khẳng định rằng là chúng ta đã có Quyết định của Thủ tướng quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn về chuẩn nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành 2 thông tư: Thông tư 17 năm 2016 và Thông tư 14 năm 2018 quy định về quy trình rà soát hộ nghèo.

Chúng ta rà soát hộ nghèo không phải là mới làm mà đã thực hiện hơn 27 năm nay. Từ khi có chuẩn nghèo năm 1993, chúng ta đã có quy trình rà soát hộ nghèo. Hàng năm và giai đoạn 5 năm chúng ta đều có những sửa đổi, bổ sung chuẩn nghèo cho phù hợp.

[Thanh Hóa: Phát hiện nhiều hộ khá giả vẫn được nhận tiền hỗ trợ]

Theo quy định hiện nay, các điều tra viên có trách nhiệm phối hợp với cán bộ chuyên trách về giảm nghèo là trưởng thôn gọi là ban giảm nghèo cấp xã để rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo lập danh sách. Kết quả rà soát đó sẽ được trưởng thôn tổ chức họp thôn để lấy ý kiến nhân dân, thống nhất với nhân dân về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và trình chủ tịch xã để thực hiện niêm yết công khai.

- Mặc dù đã có quy định, tuy nhiên trong những năm qua vẫn xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách. Vậy liệu có phải vẫn còn có “lỗ hổng” trong quy trình lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo không thưa ông?

Ông Tô Đức: Tôi cho rằng là quy trình của chúng ta hiện nay nếu làm đúng thì sẽ không xảy ra tình huống nhầm người, nhóm hộ nghèo, cận nghèo. Những cá nhân và tổ chức cố tình vi phạm thì rõ ràng là chúng ta sẽ phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là theo thẩm quyền hiện nay thì các địa phương phải có trách nhiệm thực hiện tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc rà soát, xác định hộ nghèo là đúng người và tránh trục lợi chính sách.

Ở nhà lầu, đi xe hơi 'lạc' vào hộ cận nghèo: Có lỗ hổng khi rà soát? ảnh 2Phát tiền hỗ trợ cho đối tượng hộ cận nghèo. (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Quy trình rà soát là rất công khai, minh bạch, bảo đảm đúng đối tượng, tránh trục lợi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách có những cá nhân, tập thể cố tình vi phạm pháp luật thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Vậy thì trách nhiệm cụ thể khi để xảy ra sai sót trong lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo thuộc về ai, thưa ông?

Ông Tô Đức: Theo quy định hiện hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người có thẩm quyền phê duyệt quyết định công nhận hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn cấp xã và cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện việc rà soát.

Trong việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn cấp xã thì tôi cho rằng trách nhiệm chính trước hết là thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã. Liên quan đến quy trình này, điều tra viên, người là cán bộ chuyên trách giảm nghèo, trưởng thôn và ban giảm nghèo cấp xã có tham gia thực hiện nhiệm vụ lập danh sách cũng có trách nhiệm liên đới.

- Theo ông, cần phải làm gì để ngăn chặn việc trục lợi chính sách nhằm để ảnh hưởng từ việc thực hiện những chính sách nhân văn của Nhà nước?

Ông Tô Đức: Để ngăn chặn những hành vi trục lợi thì tôi cho rằng trước hết là phải tăng cường phát huy vai trò của người đứng đầu chính quyền cơ sở cấp xã, chính quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã và các địa phương. Đây là người có trách nhiệm, vai trò rất lớn trong việc tổ chức xác định, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, phải tăng cường vai trò giám sát Mặt trận Tổ quốc, báo chí và cộng đồng trong quá trình rà soát hộ nghèo, thực hiện chính sách.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện quy trình rà soát hộ nghèo theo hướng là xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng mà theo chuẩn nghèo mới và  tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Tô Đức, Phó Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo nói về quy trình lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục