Ít nhất 106 người ở Ấn Độ và Bangladesh thiệt mạng vì siêu bão Amphan

Theo ước tính của Liên hợp quốc, ảnh hưởng tiêu cực của bão Amphan đối với sinh kế của người dân Ấn Độ và Bangladesh có thể kéo dài từ 2-3 năm tới.
Ít nhất 106 người ở Ấn Độ và Bangladesh thiệt mạng vì siêu bão Amphan ảnh 1Cảnh tàn phá sau khi bão Amphan đổ bộ tại Bagerhat, Bangladesh ngày 20/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 22/5, giới chức Ấn Độ cho biết siêu bão Amphan đổ bộ vào bang Tây Bengal, miền Đông nước này, và Bangladesh đã làm ít nhất 106 người thiệt mạng và thiệt hại tài sản nghiêm trọng.

Thủ hiến bang Tây Bengal, Mamata Banerjee cho biết bão Amphan đã cướp đi sinh mạng của 80 người, làm đổ nhiều nhà và cây cối, làm tốc mái nhà, gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người.

Thủ phủ Kolkata của bang Tây Bengal bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 19 người thiệt mạng và ngập lụt tại nhiều nơi.

[Siêu bão Amphan sắp đổ bộ, Ấn Độ và Bangladesh sơ tán hàng triệu dân]

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tới thị sát khu vực bị bão tàn phá và thông báo khoản viện trợ 132 triệu USD của chính phủ để hỗ chính quyền bang Tây Bengal khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong khi đó, tại Bangladesh, bão Amphan đã khiến 26 người thiệt mạng.

Các vùng duyên hải nước này chịu thiệt hại lớn khi bão làm nước biển lấn sâu vào đất liền, nhấn chìm nhiều làng mạc, tàn phá các trại nuôi tôm.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, ảnh hưởng tiêu cực của bão Amphan đối với sinh kế của người dân nơi đây có thể kéo dài từ 2-3 năm tới.

Trước những thiệt hại nặng về người và tài sản do siêu bão Amphan gây ra, Liên minh châu Âu (EU) thông báo tài trợ ban đầu 500.0000 euro (545.000 USD) cho Ấn Độ và 1,1 triệu euro cho Bangladesh để khắc phục hậu quả của cơn bão.

Bão Amphan là siêu bão thứ hai hình thành trên Vịnh Bengal kể từ khi các dữ liệu thời tiết về khu vực này được ghi lại và cũng là siêu bão đầu tiên được hình thành ở vịnh này từ năm 1999.

Bão đổ bộ đúng thời điểm hai nước nỗ lực phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nên công tác ứng phó gặp nhiều thách thức, đặc biệt khi phải vừa sơ tán hàng triệu dân vừa phải đảm bảo các quy tắc giãn cách và vệ sinh dịch tễ.

Vùng duyên hải thấp của Bangladesh, nơi cư trú của khoảng 30 triệu dân, và miền Đông Ấn Độ  thường xuyên hứng chịu các cơn bão.

Siêu lốc xoáy năm 1999 khiến gần 10.000 người dân bang Odisha của Ấn Độ thiệt mạng.

Tám năm trước đó, một cơn bão mạnh, kèm lốc xoáy và lũ lụt cũng đã cướp đi sinh mạng của 139.000 người Bangladesh.

Những năm gần đây, dù tình trạng biến đổi khí hậu khiến bão gia tăng cả về tần suất và mức độ nghiêm trọng, nhưng các biện pháp cấp bách của chính phủ trong phòng ngừa và sơ tán sớm người dân đã giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục