Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một huyền thoại trong lòng người dân thế giới

Giáo sư Jayachandra Reddy khẳng định nhân dân Ấn Độ khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi sự lãnh đạo tài tình và tinh thần đấu tranh bất khuất của Người cho sự nghiệp độc lập, giải phóng dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một huyền thoại trong lòng người dân thế giới ảnh 1Giáo sư Jayachandra Reddy. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)

"Chúng tôi cũng muốn gọi Người bằng cái tên trìu mến 'Bác Hồ,' để tỏ lòng kính yêu với vị cha già dân tộc của Việt Nam."

Câu nói trên của Giáo sư Jayachandra Reddy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara, Ấn Độ, phần nào nói lên tình cảm kính trọng, khâm phục của cộng đồng quốc tế, kể cả giới quan chức, học giả, các nhà nghiên cứu lẫn người dân thường đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu như giới nghiên cứu quốc tế ca ngợi Người là vị lãnh tụ kiệt xuất của Việt Nam, dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, thì những người dân bình thường không bao giờ quên những kỷ niệm khi được gặp Bác. Ngay cả những người nước ngoài chưa một lần được gặp Bác, song qua những câu chuyện kể hay qua tìm hiểu sách báo về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn luôn dành cho Bác Hồ sự kính trọng đặc biệt, lòng ngưỡng mộ và sự kính yêu vô bờ bến.

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người bạn quốc tế một lần nữa lại nhấn mạnh hành trình gian nan của Người tìm đường giải phóng dân tộc, vai trò to lớn của Bác đối với sự nghiệp giành độc lập của Việt Nam cũng như phong trào cách mạng quốc tế.

Giáo sư Jayachandra Reddy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara, Ấn Độ, khẳng định cả thế giới đã công nhận Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo huyền thoại của Việt Nam; nhân dân Ấn Độ khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi sự lãnh đạo tài tình và tinh thần đấu tranh bất khuất của Người cho sự nghiệp độc lập, giải phóng dân tộc.

Tổng Thư ký Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt Tây Bengal, Tiến sỹ Prava Samantaray nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ đã truyền cảm hứng và dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, với khả năng lãnh đạo phi thường giúp một đất nước nhỏ bé như Việt Nam đánh bại các cường quốc hùng mạnh là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và phátxít Nhật.

Bà Sounthone Sayachak, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào thì khẳng định "Cách mạng Lào thành công, Đảng Nhân dân cách mạng Lào được thành lập, được rèn luyện và vững mạnh, nhân dân Lào được giải phóng hoàn toàn và đi theo con đường xã hội chủ nghĩa như hôm nay là nhờ sự lãnh đạo, dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh."

Giới lãnh đạo Lào vẫn luôn ghi nhớ lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào, xem “giúp bạn là tự giúp mình” và “thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam."

Đặc biệt, phẩm chất đạo đức tuyệt vời và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khiến bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, như Giáo sư-Tiến sỹ sử học người Nga Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia St. Petersburg đã khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh được xây dựng trên nền tảng rất vững chắc là đạo đức cách mạng.

[Người cựu chiến binh giữ nguyên ký ức một lần được gặp Bác]

Nhà báo, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio, người từng nhiều lần tiếp xúc với Bác và đã xuất bản ba tác phẩm về Bác, chia sẻ: "Sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho Bác giống như của những đứa con dành cho người cha kính yêu khi được chứng kiến cuộc đời và sự nghiệp tranh đấu của Người, từ đó Người trở thành nguồn cảm hứng của tôi."

Ông nhấn mạnh cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là "người chiến sỹ đấu tranh vì hạnh phúc của đồng bào," và điều đó "tạo thành một tổng thể nhân cách của Người và chúng ta không thể tách rời riêng rẽ bất cứ phẩm chất đạo đức nào" và nhà sử học Pháp gọi là “nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh."

Nhân cách và phong cách sống mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là những yếu tố khiến Tiến sỹ Prava Samantaray - Tổng Thư ký Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt Tây Bengal, coi Chủ tịch Hồ Chí Minh "là thần tượng của tôi." Với bà, “Hồ Chí Minh không chỉ là cái tên, mà đó là một tư tưởng lớn."

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một huyền thoại trong lòng người dân thế giới ảnh 2Nhà thơ, học giả, Tổng thư ký Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt Tây Bengal, Tiến sỹ Prava Samantaray, người từng tham dự nhiều hội thảo, bài giảng về Hồ Chí Minh. (Ảnh: Huy Lê/TTXVN)

Bên cạnh sự ngưỡng mộ một nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, đối với những người nước ngoài được gặp Bác, một trong những phẩm chất làm mọi người nhớ nhất chính là sự giản dị và gần gũi của Người.

Nhà sử học người Pháp Alain Ruscio khẳng định: "Tất cả chúng ta phải thừa nhận Bác Hồ là người chân thành, khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi."

Trong khi đó, ông Vinaythong Suphanouvong, 74 tuổi, con trai cố Hoàng thân Suphanouvong (người cũng là Chủ tịch đầu tiên của nước Lào) và là người được Bác Hồ đặt tên Việt Nam là Nguyễn Văn Chính, cũng ấn tượng nhất về “sự giản dị, sự chân thành và thẳng thắn” của Bác. Dù được gặp Bác ở chiến khu Việt Bắc khi còn rất nhỏ, nhưng ông Vinaythong vẫn vẹn nguyên cảm giác rằng “đó lại là một người rất vĩ đại, có tầm nhìn, có tư tưởng và sự nghiệp rất vĩ đại” và cũng “rất, rất, rất là con người."

Phong cách giản dị, trí tuệ anh minh và sự khiêm tốn cách mạng - đó cũng là ấn tượng không bao giờ phai mờ của bà Elizabeth Tortosa, nhà hoạt động cách mạng Venezuela, phu nhân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Venezuela Jesús Faría Tortosa khi gặp Bác Hồ.

Tới thăm Việt Nam năm 1965 và được gặp Bác, bà Elizabeth Tortosa, nay là Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribe, bày tỏ cuộc gặp gỡ với Bác Hồ là một trong những bài học chính trị lớn nhất đối với bà và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương lãnh đạo cách mạng vĩ đại của thế kỷ 20.

Bà không khỏi xúc động nhớ lại: “Tôi không thể tưởng tượng rằng mình sẽ có đặc quyền to lớn này và có cơ hội chia sẻ quan điểm với lãnh tụ đáng kính mà tôi hằng ngưỡng mộ," đặc biệt khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến tình hình sức khỏe của ông Jesús chồng bà, khi đó đang bị giam giữ. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại những ngày đặt chân đến Việt Nam và được gặp Bác, bà lại trào dâng sự ngưỡng mộ, tôn trọng, yêu mến đối với vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam.

Cũng bởi tình cảm kính trọng như vậy mà Vương Phong - một cựu y sỹ quân y tại Bắc Kinh (Trung Quốc), được gặp Bác năm 1957 khi còn là một cô bé nhỏ 5 tuổi, đã bật khóc khi nghe tin Bác mất. Còn nhà báo kỳ cựu Hàn Quốc Park Chan Kyong, một người chưa bao giờ được gặp Bác, lại “muốn cùng người dân Việt Nam kỷ niệm ngày sinh lần thứ 130 của Bác Hồ," bởi một lẽ đơn giản, qua câu chuyện kể của người cha, qua tìm hiểu sách báo, ông luôn ngưỡng mộ Bác bởi tình yêu vô tận của Người đối với nhân dân Việt Nam cũng như tinh thần bất khuất giành độc lập của nhân dân Việt Nam.

“Có một trăm cách để tồn tại, chỉ có một cách để sống trọn vẹn: vì hạnh phúc của đồng bào. Câu châm ngôn này đã được người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lựa chọn làm lẽ sống của mình" là những lời giới thiệu về cuốn sách ''Hồ Chí Minh. Tác phẩm và đấu tranh'' của tác giả Alain Ruscio, một trong ba tác phẩm của ông về Bác.

Cả cuộc đời hy sinh vì hạnh phúc nhân dân, với nhân cách cao quý và lối sống giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, đã sống mãi và trở thành huyền thoại như thế trong trái tim bạn bè quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục