COVID-19 ở châu Âu: Pháp yêu cầu công dân về nước tự nguyện cách ly

Theo Ngoại trưởng Pháp Le Drian, quy định trên có hiệu lực từ ngày 20/5 và dựa trên trách nhiệm cá nhân. Những người trở về Pháp có thể chọn biện pháp tự cách ly tại nhà hoặc tại nơi khác.
COVID-19 ở châu Âu: Pháp yêu cầu công dân về nước tự nguyện cách ly ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lille, Pháp, ngày 11/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 19/5, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố công dân Pháp và những người cư trú ở Pháp trở về nước này từ khu vực ngoài Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải thực hiện cách ly tự nguyện trong vòng 2 tuần.

Quy định này sẽ không có hiệu lực với những người nước ngoài không phải là công dân EU vì liên minh này vẫn đóng cửa biên giới nhằm kiềm chế dịch COVID-19 lây lan.

Theo Ngoại trưởng Le Drian, quy định trên có hiệu lực từ ngày 20/5 và dựa trên trách nhiệm cá nhân. Những người trở về Pháp có thể chọn biện pháp tự cách ly tại nhà hoặc tại nơi khác.

Ông cũng cho biết tại sân bay chính của Pháp Charles-de-Gaulle, phía Bắc thủ đô Paris, đã được lắp đặt các camera cảm biến nhiệt nhằm phát hiện những hành khách có thân nhiệt cao như sốt, một trong những triệu chứng của bệnh COVID-19.

[Pháp không muốn tập đoàn Sanofi ưu ái Mỹ về vắcxin ngừa COVID-19]

Từ tháng Ba vừa qua, EU đã cấm những người nước ngoài không phải công dân liên minh này vào khu vực Schengen, khu vực biên giới mở gồm 22 trong số 27 quốc gia thành viên EU, ngoại trừ các nhân viên y tế và việc đi lại cấp thiết.

Tuần trước, EU đưa ra kế hoạch cho phép tự do đi lại trong liên minh theo từng giai đoạn, theo đó kêu gọi các nước thành viên mở cửa trở lại đường biên giới bên trong EU, nhưng vẫn đóng cửa đường biên giới ngoài liên minh ít nhất đến giữa tháng Sáu tới.

Cùng ngày, Tây Ban Nha đã dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến tàu thủy và bay thẳng từ Italy vốn được áp đặt từ ngày 11/3 vừa qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tuy nhiên, hạn chế du lịch và cách ly 14 ngày vẫn áp dụng với những người trở về nước này.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 giảm mạnh là động lực khiến Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng một trong những biện pháp phong tỏa được cho là nghiêm ngặt nhất ở châu Âu.

Dẫu vậy, nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch này có thể vẫn phải chờ đến cuối tháng sau mới mở cửa đón du khách.

Thủ tướng Pedro Sanchez đang đề nghị Quốc hội Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp đến 27/6 tới.

Vào thời điểm đỉnh dịch, Tây Ban Nha ghi nhận hàng trăm người tử vong mỗi ngày vì các bệnh viện quá tải và các cơ sở chăm sóc sức khỏe  đã phải vật lộn cứu chữa bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, số ca tử vong trong ngày 18/5 đã giảm xuống 59 người, mức thấp nhất trong vòng hai tháng qua.

Hiện tổng số ca tử vong ở Tây Ban Nha là 27.709 người, thấp hơn Mỹ, Anh, Italy và Pháp.

Tại Anh, số ca tử vong vì COVID-19 đã lên đến gần 43.000 người, con số này cho thấy "đảo quốc sương mù" đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất ở châu Âu.

Theo tính toán của hãng tin Reuters, số liệu chính thức mới của xứ England và Wales cho biết tổng số ca tử vong tại Anh lên ít nhất 42.990 người, trong đó bao gồm cả số liệu công bố trước đó của Scotland và Bắc Ireland.

Một hiệp hội các công ty hàng không vũ trụ, máy móc tự động và y tế của Anh cho biết họ đang tăng cường sản xuất máy thở nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nếu bùng phát đợt dịch bệnh thứ 2 ở nước này.

Tại Nga, ngày 19/5, Điện Kremlin cho biết Thủ tướng Mikhail Mishustin đã trở lại làm việc sau khi được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh hủy bỏ lệnh thuyên chuyển tạm thời Phó Thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov làm quyền Thủ tướng Nga kể từ 30/4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục