Kỷ niệm khó phai của bé gái Trung Quốc về một lần được gặp Bác Hồ

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi cô bé 5 tuổi người Trung Quốc có biết tiếng Việt không, cô bé lập tức nói một mạch: "Bạn ăn cơm chưa? Tôi ăn cơm rồi. Chào đồng chí," khiến Bác Hồ bật cười lớn.
Kỷ niệm khó phai của bé gái Trung Quốc về một lần được gặp Bác Hồ ảnh 1Cô bé Vương Phong trong lần được gặp Bác Hồ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã để lại nhiều ấn tương sâu đậm trong lòng người dân Việt Nam mà còn giành được nhiều tình cảm và ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè khắp năm châu.

Trong số đó, Vương Phong, một cựu y sỹ quân y tại Bắc Kinh, Trung Quốc, là người luôn ghi nhớ những ấn tượng sâu đậm khó phai về Hồ Chủ tịch kể từ khi còn là một đứa trẻ.

Khi Vương Phong lên 5 tuổi, cha mẹ cô được cử đến Việt Nam công tác và đưa con gái tới thủ đô Hà Nội.

Trong hồi ức của một cô bé đến từ Bắc Kinh, khi đó hình ảnh những cây dừa cao to tươi tốt, những bông hoa phượng đỏ rực, những cô gái đầu đội nón lá, những đứa trẻ đi chân trần chạy nhảy khắp nơi đều khiến Vương Phong cảm thấy vô cùng mới lạ.

Không lâu sau đó, Vương Phong được gửi đến học ở Hội quán Quảng Đông, một trường mẫu giáo do cộng đồng Hoa kiều lập nên, nằm ở phố Hàng Buồm.

Điều khiến cô bé Vương Phong ấn tượng nhất là các bạn học thường nắm tay nhau cùng hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thầy cô giáo còn kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Ở nhà, cha mẹ thường nói với cô bé rằng Bác Hồ đã nếm trải mọi chông gai thử thách vì độc lập của dân tộc, cũng như vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Bác Hồ không lập gia đình, không có con, nhưng Bác luôn dành tình yêu cho con trẻ. Điều đó khiến Vương Phong thực sự cảm động, dần nhen nhóm một ước nguyện nhỏ: Mình nhất định phải gặp Bác Hồ. Điều ước đó cuối cùng đã trở thành sự thật.

Ngày 20/5/1957, nhân sự kiện một nguyên soái Liên Xô đến thăm Việt Nam, Vương Phong theo cha mẹ đến sân bay Gia Lâm. Đông đảo người dân Việt Nam cũng có mặt, chật kín cả sân bay.

Vương Phong đứng cùng Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam khi đó là ông La Quý Ba, tay cầm một bó hoa hồng đỏ thắm được hái tại khu vườn nhỏ trong phân xã Tân Hoa, nơi cha cô bé công tác.

Do trời mưa nên máy bay đến trễ, mọi người lặng lẽ chờ đợi. Khi nhìn thấy Bác Hồ xuất hiện ngay trước mắt, đám đông đồng loạt vỗ tay chào đón. Vương Phong cũng vẫy bó hoa hồng trên tay, hò reo sung sướng: “Bác Hồ! Bác Hồ!”

Bác mặc trang phục giản dị, đi về phía họ. Khi đang bắt tay với vợ chồng Đại sứ La Quý Ba, Bác Hồ phát hiện ra Vương Phong, liền hỏi bà Lý Hàm Trân, phu nhân Đại sứ La Quý Ba: “Cháu gái này là con ai?”

Sau đó, Bác ôm cô bé Vương Phong vào lòng, thơm vào má, hỏi em bằng tiếng Trung rằng: “Cháu mấy tuổi rồi? Có biết hát múa không? Quý Bác không? Thích Việt Nam không?” Vương Phong lần lượt trả lời từng câu hỏi.

[Gặp "cô bé Trung Quốc" được chụp ảnh với Bác Hồ]

Bà Vương Phong hào hứng kể lại: “Điều khiến Bác thích thú nhất là khi Bác hỏi tôi có biết tiếng Việt không và nói tiếng Việt cho Bác nghe, tôi lập tức nói một mạch 3 câu tiếng Việt mà tôi biết: ‘Bạn ăn cơm chưa? Tôi ăn cơm rồi. Chào đồng chí!’ Nghe vậy Bác liền cười lớn, thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Đèn flash máy ảnh sáng chói đổ dồn về phía chúng tôi. Sau đó, các tờ báo Hà Nội liên tiếp đăng những bức ảnh chụp chung quý giá giữa Bác Hồ và tôi, một cô bé người Trung Quốc. Trong đó, phần chú thích của một tấm ảnh đăng trên báo Tiền Phong viết rằng: ‘Ai yêu nhi đồng hơn Bác Hồ Chí Minh?’ Không lâu sau đó, cha mẹ tôi còn nhận được hai bức ảnh do chú Tạ Sĩ Phong, phóng viên của báo Tân Việt Hoa, chụp. Những bức ảnh này đã trở thành kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ nhất của tôi.”

Khi Vương Phong đến tuổi đi học, Hồ Chủ tịch chuẩn bị sang thăm Trung Quốc và Đại sứ La Quý Ba đi tháp tùng, cha của Vương Phong liền nhờ Đại sứ La Quý Ba đưa cô trở về Bắc Kinh.

Xa cha mẹ, sống một mình ở Bắc Kinh, cô bé cảm thấy vô cùng bất an. Nhưng khi nghe cha nói rằng cô sẽ được đi cùng Bác Hồ trên chuyến bay, Vương Phong vui vẻ đồng ý.

Những năm sau đó, công việc của cha Vương Phong có sự thay đổi. Dù xa cách Việt Nam hàng nghìn km, nhưng chỉ cần mở album ảnh ở nhà, nhìn thấy tấm ảnh chụp chung với Bác Hồ và những bức ảnh cũ khi cha làm việc ở Việt Nam, cả nhà Vương Phong lại cùng nhau nhớ về quá khứ, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa cũ.

Khi còn trong quân ngũ, nghe đài phát thanh đưa tin Bác Hồ mất, Vương Phong biết rằng từ nay về sau sẽ không được gặp lại Bác nữa. Những giọt nước mắt buồn đau bỗng trào ra nơi khóe mắt.

Hồi tưởng lại khoảnh khắc này, bà Vương Phong nói với đôi mắt ngấn lệ: “Với nỗi đau da diết, tôi nghĩ về tình hữu nghị vĩ đại giữa Hồ Chủ tịch với thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc. Thế hệ chúng tôi cần phải kế thừa và phát huy tinh thần này.”

Sau 43 năm, Vương Phong được trở lại đất nước Việt Nam xinh đẹp. Bà cảm nhận âm thanh xung quanh vẫn trầm bổng réo rắt, tiếng hát vẫn du dương đi vào lòng người, người dân vẫn nhiệt tình nồng hậu như anh chị em một nhà.

Trong khi đó, xã hội phát triển và đời sống người dân đang thay đổi từng ngày. Bà nghĩ: Đây là quê hương mà Bác yêu thương hết mình, là nơi Bác gửi gắm niềm hy vọng và sự kiên trì chiến đấu của bản thân.

Sau nhiều lần đến Việt Nam, Vương Phong đã có cơ hội vào thăm Lăng Bác. Nhìn thấy Bác như đang ngủ yên dưới ánh đèn dịu nhẹ, nước mắt bà tuôn trào. Bà kính cẩn bày tỏ sự kính trọng dành cho Người.

Kỷ niệm khó phai của bé gái Trung Quốc về một lần được gặp Bác Hồ ảnh 2Bà Vương Phong và bức ảnh quý chụp với Bác Hồ khi xưa. (Nguồn: doanthanhnien.vn)

Bà Vương Phong đi quanh khu vực quảng trường Ba Đình và khắp các con đường ngõ hẻm, thăm nhiều bảo tàng và nhà tưởng niệm, để tiếp tục tìm hiểu về khó khăn của cách mạng Việt Nam, cũng như công lao to lớn của Hồ Chủ tịch, cảm nhận sự tiến bộ nhanh chóng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam và sự cải thiện trong đời sống của người dân, đặc biệt là tình yêu chân thành, sự kính trọng mà người dân dành cho Bác Hồ.

Đầu năm 2017, sau khi cùng các đồng nghiệp đến thăm một loạt thành phố ở Việt Nam, bà Vương Phong cảm nhận sâu sắc hơn rằng đây là một đất nước trẻ có tiềm năng phát triển và sức sống vô biên.

Việt Nam của ngày hôm nay kết tụ mồ hôi xương máu và trí tuệ của thế hệ cách mạng cũ, thể hiện được tinh thần trách nhiệm của thế hệ “nối nghiệp tiền nhân, mở đường tương lai.”

Bà Vương Phong chia sẻ bà biết rằng Bác Hồ đã dành phần lớn cuộc đời cách mạng của mình ở nước ngoài. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc để Bác tìm ra chân lý và con đường cứu nước, kết giao chiến hữu cách mạng, thiết lập sự hỗ trợ lẫn nhau. Bác hiểu Trung Quốc, có kinh nghiệm sâu sắc về cuộc đấu tranh cách mạng của Trung Quốc.

Bác đã từng đến Diên An, và là khách quý của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bác cũng từng bị Quốc dân đảng bắt giữ, chịu nhiều sự đàn áp và tra tấn.

Trong tù, Bác đã viết hàng chục bài thơ tràn đầy cảm xúc, bày tỏ nỗi đau do môi trường tù ngục khắc nghiệt gây ra, đồng thời thể hiện được tinh thần lạc quan cách mạng.

Nhiều năm sau, bà Vương Phong có được một tuyển tập thơ của Bác được in ấn đẹp mắt. Bà đọc đi đọc lại, cảm nhận được ý chí kiên cường, hoài bão to lớn của Người.

Qua tìm hiểu, bà Vương Phong biết được rằng vào những năm 1950, khi Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam, La Quý Ba trở về Trung Quốc, Hồ Chủ tịch đã viết “Tình hữu nghị Việt-Trung mãi mãi xanh tươi/đời đời bền vững” bằng bút lông để tặng Đại sứ La Quý Ba.

Năm 1961, trong bài viết chúc mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi mối quan hệ Việt -Trung: “Ân sâu nghĩa nặng, mối tình hữu nghị muôn đời bền vững.”

Trong ấn tượng của mình, bà Vương Phong luôn nhớ về Bác Hồ - một lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, một người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc, nhớ về khuôn mặt và dáng người hiền hậu, đáng kính của Người, nhớ về tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước Việt-Trung.

Cuối cuộc trò chuyện với phóng viên TTXVN, bà Vương Phong - nay đã là một cán bộ về hưu, một lần nữa khẳng định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng, là vĩ nhân trong lòng người dân Việt Nam, đồng thời cũng là anh hùng và vĩ nhân trong tâm trí của tất cả những người yêu chuộng hòa bình, chiến đấu cho độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc trên khắp thế giới.

Bà nói: “Để tưởng nhớ Bác Hồ, tôi nghĩ rằng trong thời đại tràn đầy niềm hy vọng như thế này, chúng ta cần phải có ý thức đề cao tinh thần dũng cảm, tôn thờ linh hồn của các bậc vĩ nhân. Bởi đây là ngọn hải đăng dẫn dắt nhân loại về phía ánh sáng, kêu gọi chúng ta gạt bỏ lớp sương mù dày đặc, chiến thắng mọi khó khăn hiểm nguy, bước đến bến bờ thắng lợi.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục