Tổ chức dạy học hiệu quả gắn với đảm bảo an toàn trong nhà trường

Trong bối cảnh vẫn còn nguy cơ lây nhiễm như hiện nay, các trường học đã vận dụng linh hoạt mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ vừa đáp ứng yêu cầu dạy học vừa đảm bảo sự an toàn cho thầy và trò.
Thực hiện giãn cách xã hội (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Thực hiện giãn cách xã hội (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Từ ngày 11/5, toàn bộ học sinh các cấp từ Tiểu học, Trung học Cơ sở đến Trung học Phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đi học lại sau thời gian nghỉ học do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong bối cảnh vẫn còn nguy cơ lây nhiễm như hiện nay, các trường học đã vận dụng linh hoạt mọi nguồn lực từ cơ sở vật chất đến con người để thực hiện nhiệm vụ kép vừa đáp ứng yêu cầu dạy học vừa đảm bảo sự an toàn cho thầy và trò.

An toàn trên hết

Để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường, trong hai ngày 6-7/5, các thầy cô Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp đã tổ chức tổng vệ sinh và sắp xếp, bố trí lại phòng học theo yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch COVID-19.

Cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết trước đó, toàn bộ khuôn viên trường đã được khử khuẩn, còn hiện tại thầy cô đang vệ sinh bàn ghế, quạt, bóng điện và các bề mặt mà học sinh có thể tiếp xúc khi đến trường.

Để giữ khoảng cách an toàn giữa các học sinh, nhà trường đã tiến hành tách lớp và lên phương án bố trí chỗ ngồi mới cho học sinh. Theo đó, từ 37 lớp trước kỳ nghỉ dịch, nhà trường đã tách thành 74 lớp, đảm bảo mỗi lớp không quá 25 em và sắp xếp mỗi em ngồi một bàn theo kiểu so le để nới rộng cự ly.

Thời gian đầu đi học lại, nhà trường sẽ tiến hành đo thân nhiệt cho học sinh ngay tại cổng trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ tiếp tục đo thân nhiệt cho học sinh tại lớp cho đến khi hoàn toàn hết dịch bệnh. Trường đã thông báo, nhắc nhở phụ huynh đeo khẩu trang khi đưa đón và yêu cầu giáo viên, học sinh đeo khẩu trang trong thời gian ở trường.

“Để tránh tình trạng thực hiện giãn cách trong lớp học nhưng học sinh tụ tập ngoài sân trường, các thầy cô có phương án hướng dẫn học sinh giải lao ngay tại lớp học.

Thay vì ra ngoài sân, sau mỗi tiết học các em được nghỉ 5 phút tại chỗ, với khoảng thời gian nghỉ giữa buổi (khoảng 20 phút), thầy cô sẽ hướng dẫn các em thư giãn bằng cách đọc sách và xem các clip hướng dẫn phòng, chống dịch thông qua màn hình máy chiếu tại phòng học,” cô Nguyễn Kim Phượng chia sẻ.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, các thầy cô giáo cũng đang hoàn tất công tác vệ sinh, khử khuẩn phòng học và trang thiết bị để đón học sinh quay lại trường học.

Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết thực hiện “Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn thành phố,” trường đã lên hai phương án thực hiện giãn cách học sinh khi đi học trở lại. Trong đó, những lớp có sỹ số dưới 35 học sinh sẽ được giữ nguyên nhưng sắp xếp vị trí ngồi đảm bảo cự ly 1m, các lớp có sỹ số lớn hơn sẽ được chia thành hai lớp và học cùng lúc.

[Các trường ở TP.HCM hướng dẫn học sinh phòng, chống dịch COVID-19]

Trường xác định giãn cách là biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhất nhưng cũng là tiêu chí khó thực hiện nhất do tâm lý chung của các em học sinh đang háo hức gặp lại bạn bè sau thời gian nghỉ học khá lâu. Chính vì vậy, giáo viên, nhân viên nhà trường đã được lưu ý phải thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi đến trường, thường xuyên rửa tay và không tụ tập thành nhóm.

Hiện tại, trường không tổ chức bán trú và căng tin cho đến khi hết dịch hoàn toàn, khuyến khích phụ huynh cho con ăn tại nhà thay vì đưa đồ ăn đến trường để hạn chế việc chia sẻ đồ ăn, dùng chung vật dụng ăn uống giữa các em.

Tổ chức dạy, học hợp lý

Trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch, hầu hết các trường đều duy trì việc dạy học trực tuyến, giao bài tập cho học sinh theo đúng tiến độ chương trình học. Nhờ đó, khi học sinh quay lại trường sẽ học tiếp phần còn lại, thời gian kết thúc năm học cũng không quá trễ so với lịch học bình thường.

Cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, chương trình học kỳ 2 của năm học 2019-2020 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tinh gọn, chỉ tập trung vào những kiến thức cơ bản, do đó sau khi chia đôi sỹ số, một nửa lớp sẽ học tại trường vào các ngày thứ Hai, Tư và Sáu, nửa còn lại học vào các ngày thứ Ba, Năm và Bảy. Song song đó, Trường vẫn duy trì hình thức học trực tuyến, đảm bảo hoàn thành đúng, đủ thời lượng dạy và học cũng như kiến thức theo khung chương trình năm học đã đề ra.

“Trường cũng đã xây dựng phương án khảo sát, đánh giá kết quả, mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh trong thời gian học trực tuyến. Những học sinh chưa nắm chắc nội dung đã học trực tuyến sẽ được thầy cô ôn lại, củng cố kiến thức để đảm bảo yêu cầu hoàn thành chương trình năm học,” cô Phượng cho biết thêm.

Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thông tin, chương trình học đã được tinh giản nên mặc dù chia nhỏ sỹ số, tăng số lớp nhưng thời lượng, số tiết dạy của giáo viên cũng không bị tăng nhiều hơn trước.

Hơn nữa, các giáo viên bộ môn có ít tiết như thể dục, âm nhạc, tin học cũng được huy động để quản lý các lớp học thay cho giáo viên chủ nhiệm.

Trước mắt, trường sẽ tổ chức cho học sinh học một buổi tại trường, buổi còn lại học trực tuyến tại nhà thay vì học cả ngày tại trường như trước. Trong giờ học, giáo viên không tổ chức hình thức học nhóm mà tập trung vào phát triển năng lực cá nhân của học sinh.

Với các trường Trung học Phổ thông, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo hoàn thành chương trình và kiến thức cho học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tham gia xét tuyển, thi tuyển vào các trường đại học. Do đó, các trường Trung học Phổ thông đang huy động mọi khả năng để vừa tổ chức dạy học hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.

Tại Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1, việc dạy học cho khối 12 bắt đầu từ ngày 5/5 vừa qua theo hình thức xen kẽ giữa thời gian học trực tiếp tại trường và học online tại nhà.

Tổ chức dạy học hiệu quả gắn với đảm bảo an toàn trong nhà trường ảnh 1Học sinh học trực tuyến tại nhà. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo đó, 15 lớp 12 được chia làm hai nhóm lớp, một nhóm học trực tiếp vào thứ Hai, Tư và Sáu, học online tại nhà vào thứ Ba, Năm và Bảy. Nhóm còn lại học trực tiếp vào thứ Ba, Năm và Bảy và học online các ngày thứ Hai, Tư và Sáu.

Với mỗi lớp, số học sinh được phân bổ ngồi ở hai phòng học liền kề nhau để đảm bảo khoảng cách an toàn. Việc giảng dạy được giáo viên thực hiện cùng lúc, trong đó một phòng theo dõi trực tiếp, phòng còn lại theo dõi qua màn hình máy chiếu nhờ kết nối camera.

Từ ngày 11/5, học sinh khối 11 sẽ học buổi sáng thứ Hai, Tư và Sáu tại trường và học trực tuyến vào sáng thứ Ba, Năm và Bảy, lịch học của khối lớp 10 cũng tương tự nhưng vào buổi chiều.

Thầy Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân cho biết để thích nghi với yêu cầu dạy học trong bối cảnh dịch bệnh, Trường đã tận dụng tối đa cơ sở vật chất sẵn có, bố trí phòng ốc, sử dụng hệ màn hình, máy chiếu được trang bị trước, dời hệ thống camera ngoài sân vào lớp học để truyền hình ảnh giáo viên giảng bài từ phòng này sang phòng khác.

Đồng thời, trường sắp xếp lại thời khóa biểu theo hướng lệch ca, lệch giờ giữa các nhóm lớp. Như vậy, trường vừa giải quyết được vấn đề giãn cách học sinh vừa giảm áp lực tăng giờ dạy trực tiếp cho giáo viên mà vẫn đảm bảo tiến độ chương trình đề ra.

Song song đó, nhằm đánh giá chất lượng việc dạy học online, Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân đã gửi bảng khảo sát đến từng học sinh và hướng dẫn cho các giáo viên đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức của học sinh.

Từ đó, trường có phương án bố trí thời gian ôn tập cho các em những kiến thức cơ bản, nhất là đối với học sinh khối 12, giúp các em nắm vững kiến thức, đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng theo nguyện vọng.

Đảm bảo sức khỏe cho học sinh

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc cho học sinh quay trở lại trường học trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý bởi tình hình dịch bệnh trong nước đã ổn định, liên tục nhiều ngày không có ca mắc trong cộng đồng.

Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sự an toàn cho học sinh và giáo viên khi quay trở lại trường, các trường học cần chuẩn bị phương án phòng, chống hợp lý, chặn “mầm bệnh” ngay từ cổng trường.

Theo đó, các trường cần tổ chức đo nhiệt độ cho học sinh mỗi ngày trước khi vào trường, giáo viên chủ động theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh suốt quá trình học trên lớp nhằm phát hiện sớm trường hợp có biểu hiện mắc bệnh.

Tổ chức dạy học hiệu quả gắn với đảm bảo an toàn trong nhà trường ảnh 2Học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh được đo thân nhiệt trước khi vào trường. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, các trường học cần mở tất cả cửa chính, cửa sổ các phòng học để luồng không khí di chuyển liên tục, tạo môi trường thông thoáng cho lớp học.

Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên là biện pháp phòng dịch COVID-19 hữu hiệu nhất. Để thực hiện được điều này, vai trò của phụ huynh là vô cùng quan trọng.

Trước khi học sinh quay trở lại trường học, phụ huynh cần hướng dẫn cho con em mình cách đeo khẩu trang và rửa tay đúng cách, nhất là với trẻ Mầm non và học sinh Tiểu học.

"Trong quá trình đeo khẩu trang, phụ huynh căn dặn trẻ không được đưa tay sờ lên khẩu trang hoặc tháo ra đeo vào nhiều lần; khi uống nước cần rửa tay sạch, mở một bên dây đeo, sau khi uống xong đeo lại như bình thường. Tuyệt đối không được chạm tay hay bất cứ vật dụng gì vào bề mặt phía trong của khẩu trang," bác sỹ Khanh hướng dẫn.

Phụ huynh không nên cho học sinh đeo khẩu trang y tế mà nên sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn sẽ thông thoáng hơn, nhất là đối với học sinh ở các cấp nhỏ. Phụ huynh không nên cho học sinh đeo tấm chắn giọt bắn trong suốt quá trình học trên lớp.

Theo lý giải của bác sỹ Trương Hữu Khanh, tấm chắn giọt bắn có khoảng cách quá gần với khuôn mặt, khiến tầm nhìn của học sinh bị ảnh hưởng, nhìn không rõ gây mỏi mắt, có khả năng ảnh hưởng thị lực. Tấm chắn chỉ phù hợp khi đeo trong giờ chơi, học sinh đùa nghịch mặt đối mặt với nhau, tránh bạn đối diện ho, hắt hơi.

Trong quá trình ngồi học ở trên lớp thì không cần thiết bởi học sinh ngồi học cùng hướng, không đối mặt với nhau. Đồng thời, phụ huynh cần nâng cao đề kháng của học sinh bằng cách bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm, vitamin, cho trẻ uống đủ nước, ngủ đủ giấc.

Trong khi đó, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù các trường đã thực hiện tốt Bộ tiêu chí an toàn trường học nhưng trong thời gian tới, với vai trò của mình, ngành Y tế sẽ thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện Bộ tiêu chí này tại các trường học.

Theo bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, vai trò của phụ huynh trong việc phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh trở lại trường học là vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần chủ động hướng dẫn con em mình thực hiện các biện pháp phòng dịch trước khi các con trở lại trường học như: tạo thói quen rửa tay thường xuyên, che miệng khi hắt hơi, không hắt hơi vào người đối diện...

“Trước đây, thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp phụ huynh biết con có bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng nhưng vẫn cho con em đi học. Do đó, trong thời gian tới, khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho, chảy mũi, mệt mỏi bất thường, phụ huynh không được đưa con em mình đến trường mà phải đưa đến cơ sở y tế, tạo môi trường an toàn trong nhà trường,” bác sỹ Nguyễn Trí Dũng khuyến cáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục