Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm

Xuất khẩu gạo đang là điểm sáng trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản với kim ngạch tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017.

Ước tính xuất khẩu gạo trong 9 tháng năm 2018 đạt 4,9 triệu tấn giá trị 2,5 tỷ USD. Đây là một kết quả ấn tượng với xuất khẩu gạo Việt Nam. Nhiều tín hiệu từ thị trường cho thấy, những tháng cuối năm, xuất khẩu gạo dự báo sẽ sôi động hơn cả thời gian vừa qua.

Chú thích ảnh
Sản phẩm gạo xuất khẩu được tạm trữ tại kho của công ty Lương thực Sông Hậu (Sông Hậu Food) thành phố Cần Thơ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đạt được kết quả này do trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả tái cơ cấu ngành lúa gạo, tập trung vào phát triển gạo chất lượng cao, các loại gạo thơm để hướng xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao.

Hiện có đến 80% sản lượng xuất khẩu là gạo chất lượng cao. Giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đạt trên 500 USD/tấn, cao hơn so với các đối tác khác trong khu vực. Trong thời gian qua, Việt Nam đã làm tốt việc mở cửa thị trường, đa dạng hóa các thị trường, để không phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Điều này đã tạo ra cú hích với một số thị trường mới.

"Bên cạnh đó cũng có những nguyên nhân khách quan như một số nước nhập khẩu có biến động về thiên tai nên nhu cầu nhập khẩu gạo tăng lên; nhiều nước cũng cần mua thêm gạo bù đắp lượng gạo dự trữ thiếu hụt hoặc phục vụ đảo kho.", ông Trần Văn Công cho biết.

Từ đầu năm, Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo Việt Nam khá mạnh do tác động của chính sách tăng thuế nhập khẩu gạo của nước này. Nhưng vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với khoảng 25% thị phần. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đẩy mạnh sang các thị trường khác như Indonesia, Iraq, Philippines, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất…

Về chủng loại xuất khẩu gạo, xuất khẩu các loại gạo thơm, gạo Jasmine, gạo Japonica và gạo tấm tăng mạnh. Cụ thể, gạo thơm (Jasmine...) chiếm khoảng 40% gạo xuất khẩu, tăng mạnh ở các thị trường châu Phi.

Theo ông Trần Văn Công, những tháng cuối năm, xuất khẩu gạo dự báo sẽ sôi động hơn bởi, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP  về kinh doanh xuất khẩu gạo (Nghị định 107). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2018 và thay thế Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đây sẽ là cú hích lớn, sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Qua đây, doanh nghiệp có điều kiện phát triển hơn.

Với Nghị định 107, những điều kiện về kho bãi, cơ sở xay xát… đã nới lỏng hơn so với trước đây cũng như đơn giản hóa thủ tục hải quan cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Chính sách thông thoáng này sẽ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đang có nhu cầu tiêu thụ lớn từ các thị trường như: Trung Quốc, châu Âu, châu Phi, Iraq, Cu Ba, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

"Những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng… không phải đáp ứng các quy định cứng về giấy phép xuất khẩu gạo nên sẽ có nhiều thương nhân xuất khẩu gạo thời gian tới, tạo ra tiềm năng, xu hướng xuất khẩu gạo sôi động thời gian tới." ông Trần Văn Công nhận định.

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cũng đánh giá, nhiều nội dung quy định về xuất khẩu gạo đã được sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không chỉ thuận tiện hơn trong việc tham gia thị trường mà chi phí cũng sẽ giảm xuống đáng kể.

Với sự thay đổi trong cơ chế, chính sách của Nghị định 107 sẽ tạo cho doanh nghiệp sự hứng khởi khi tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo chất lượng cao, ổn định. Cánh cửa xuất khẩu rộng mở, doanh nghiệp sẽ yên tâm và có sự đầu tư hơn cho vùng nguyên liệu của mình. Những người tham gia thị trường như ngay cả nông dân cũng sẽ phải thay đổi nhận thức, tư duy trong trồng lúa và xuất khẩu gạo. Họ sẽ phải chuyển biến mạnh trong nhận thức, trồng các giống lúa thơm cho giá trị cao để cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Theo ông Trần Văn Công, thời gian tới một số nước sẽ gia tăng nhập khẩu gạo để bù vào kho dự trữ cũng như thiếu hụt do thiên tai. Một số nước có nguồn cung gạo cũng gặp thiên tai nên nguồn cung sẽ giảm, Việt Nam sẽ có lợi thế từ thị trường này trong cung cấp cho các thị trường lớn.

Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ tăng với nhu cầu tiếp tục tăng từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Iraq và các nước châu Phi. Cụ thể, Philippines có nhu cầu nhập khẩu thêm từ nay đến cuối năm để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt, ổn định giá gạo trong nước và do thiên tai. Nhu cầu bổ sung từ Philippines có thể thúc đẩy giá xuất khẩu của các nhà cung cấp chính là Việt Nam và Thái Lan.

Các doanh nghiệp Trung Quốc vừa qua cũng đã làm việc với các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long để tìm cơ hội hợp tác trong thương mại gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lớn của nước này.

Ngoài ra, gạo Việt Nam sẽ có giá cạnh tranh hơn so với trước do các doanh nghiệp giảm được chi phí xuất khẩu, đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa cạnh tranh với các đối thủ Ấn Độ, Thái Lan ở các thị trường châu Phi, Iraq.

Tuy thị trường tiếp tục mở ra với nhiều điểm sáng, khả quan mở rộng xuất khẩu gạo nhưng năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long đón lũ sớm và cao hơn một số năm gần đây nên dự báo sản lượng lúa từ nay đến cuối năm sẽ giảm so với dự kiến đầu năm. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), những thiệt hại về lúa do lũ sớm về Đồng bằng sông Cửu Long chưa được thống kê chính xác cộng với việc vụ Thu Đông sẽ giảm diện tích gieo cấy nên sẽ khó có đủ sản lượng đáp ứng mục tiêu xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo hồi đầu năm.

Bích Hồng (TTXVN)
Nhiều tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo trong các tháng cuối năm
Nhiều tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo trong các tháng cuối năm

Do nhu cầu tăng cao từ những thị trường nhập khẩu gạo truyền thống, các tháng cuối năm được xem là cơ hội cho ngành lúa gạo Việt Nam bứt phá tăng cường giá trị xuất khẩu, hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN